(Tổ Quốc) - Chiều 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.
Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điểm cầu Bộ VHTTDL có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ; Các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số...
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người".
"Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của chúng ta như thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số", Thủ tướng nói.
Trong đó, Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những "điểm sáng", "mô hình hay" của chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Đồng thời, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (thuộc trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Cùng với đó, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện (phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển CSDL quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; các mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...) và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).
63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 97.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08% (tăng 9,67% so với cuối năm 2023), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025.
Triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, tổng số khách hàng lũy kế đạt hơn 8,8 triệu khách hàng, trong đó 6,3 triệu khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ "không để ai ở lại phía sau" trong quá trình chuyển đổi số.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp so với mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt tỉ lệ 104,9%)...