• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyển đổi số là giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính

Thời sự 30/12/2023 07:34

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh chuyển đổi số là lĩnh giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045, phải đi tắt, đón đầu, và chỉ có đi tắt, đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số.

Ngày 29/12, Bộ TTTT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 66 điểm cầu trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo hội nghị.

Kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số, năm thứ hai - 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số trên toàn quốc để phòng chống Covid-19, năm thứ ba - 2022 là năm tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia và năm thứ tư - 2023 là năm dữ liệu số. 

"Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu dự hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP, và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Đặc biệt, kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.

Với năm 2023, ngành TTTT đã đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng và hoàn thiện thể chế, bưu chính, viễn thông, chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, an toàn thông tin mạng, kinh tế số và xã hội số, công nghiệp công nghệ số, báo chí truyền thông, xuất bản.

Theo thống kê, doanh thu toàn ngành TTTT năm 2023 ước đạt trên 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31%; đóng góp vào GDP của ngành TTTT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.

Về phương hướng của ngành TTTT trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, trong phiên họp tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng chuyển đổi số cho năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động; là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất; năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức.

Chuyển đổi số là giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị

Cùng với đó, báo chí xuất bản và truyền thông trong năm tới sẽ coi không gian mạng là trận địa chính để phản ánh dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, quản lý không gian mạng lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Phạm Quốc Hưng; Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đã trình bài những tham luận liên quan đến các lĩnh vực 

Chuyển đổi số là giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính

Phát biểu tại hội nghị, liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh đây là lĩnh giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045, phải đi tắt, đón đầu, và chỉ có đi tắt, đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số.

Về xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TTTT phải đáp ứng yêu cầu kịp thời, chất lượng văn bản phải chuẩn mực để hạn chế tối đa sửa đổi, bổ sung sau khi đã ban hành.

Chuyển đổi số là giải pháp "cứu cánh" trong cải cách hành chính - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị

Về công tác báo chí, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ TTTT phải ứng xử nhanh, can thiệp để loại bỏ sớm những thông tin xấu độc bởi nếu lan rộng thì tác hại là khôn lường.

Cùng với việc quản lý tốt báo chí, trước sức ép của mạng xã hội, Bộ cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để anh em có thể sống và trụ lại với nghề; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.

Chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí vì nếu coi những cơ quan báo chí như VTV, VOV là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành phần nhiệm vụ chính trị được giao.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý mỗi cán bộ làm công tác thông tin truyền thông phải là những người tử tế theo nghĩa rộng, trước hết là tử tế với công việc, hay nói cách khác là sự nghiêm túc, trách nhiệm, tận tâm cố gắng, sự ngay ngắn; tử tế với các đối tượng thuộc quyền quản lý của mình, có sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ với các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải tử tế với đồng chí, anh em, với cấp dưới, để mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, và kể cả chia sẻ lợi ích. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị mỗi cán bộ làm công tác TTTT phải "tử tế với pháp luật", hay nói cách khác là phải thượng tôn pháp luật.

Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành TTTT bởi chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, thách thức. 

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ