(Tổ Quốc) - Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, công nghệ 3D Mapping sẽ được ứng dụng trong tour du lịch đêm tại di tích vào thời gian sắp tới.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết, chuyển đổi số là đòn bẩy khách quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiểu được điều này, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã bước đầu triển khai một số hoạt động liên quan tới chuyển đổi số.
Trước hết, Văn Miếu đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị của 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan. Thứ hai, ở Văn Miếu đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những việc làm ban đầu, và thực tế một di tích quan trọng như Văn Miếu vẫn chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu và các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị thông tin chuyên sâu tới du khách tham quan.
Vì vậy, trong năm 2022, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang triển khai một số hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu vật thể và phi vật thể tại di tích; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. Cuối cùng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai phát triển ứng dụng, các tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng phục vụ cho khách tham quan và phát huy giá trị của di tích.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, khó khăn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số chính là nhận thức của những người lãnh đạo và của chính cán bộ. Bởi vì thực tế ngay chính cán bộ cũng nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ làm mất công việc của người lao động. Khó khăn thứ hai là ở cơ chế, các văn bản pháp luật làm sao để chuyển đổi số tạo điều kiện cho các đơn vị có thể triển khai được, cùng với sự chung tay của xã hội. Thứ ba, nguồn lực cho chuyển đổi số rất lớn. Do đó, cần phải ưu tiên, chọn lọc những việc tiến hành trước.
Để triển khai các hoạt động này thực sự hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi nỗ lực cố gắng của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám và sự quan tâm, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là về cơ chế, chính sách để có thể huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia cho chuyển đổi số tại một di tích tiêu biểu như Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, trong thời gian tới, trung tâm sẽ cố gắng triển khai một chương trình ứng dụng tham quan ảo 3D bằng ánh sáng vào ban đêm tại di tích. Đặc biệt chương trình có ứng dụng công nghệ 3D Mapping để truyền tải cho du khách những trải nghiệm chân thực và sống động nhất.
Công nghệ 3D Mapping sẽ cho phép dựng mô hình có tỷ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, và sau đó thông qua trình chiếu dưới dạng 3D. Ứng dụng công nghệ này rất thích hợp nếu triển khai tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan vào ban đêm.
Kết nối di sản và danh thắng trong du lịch số
Ông Hoàng Quốc Hoà, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch, chia sẻ, việc chuyển đổi số của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), nhất là du lịch là bước tiến dài, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nhờ các nền tảng số mà ngành Du lịch vẫn luôn giữ được hình ảnh về đất nước, con người, du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Sau dịch, công tác truyền thông mạnh mẽ hơn khi tích cực giới thiệu các điểm đến, thông tin về du lịch Việt Nam trên các nền tảng quốc tế.
Việc kết nối di sản và du lịch số thể hiện mối quan hệ rất hữu cơ giữa văn hoá và du lịch, giữa các di sản văn hoá với ngành du lịch. Theo đó, các di sản văn hoá, danh thắng được số hoá trên các nền tảng. Điển hình có thể kể đến như các danh thắng, điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh… đều được thể hiện trên các nền tảng số.
Một minh chứng tiêu biểu của việc thực hiện chuyển đổi số là thẻ du lịch thông minh hiện được triển khai rất nhiều trên các điểm tham quan. Đặc biệt, với phiên bản thẻ chip sẽ giúp người dùng tương tác trực tiếp với điện thoại thông qua công nghệ NFC, có thể thanh toán 1 trạm.
Đơn cử như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ứng dụng loại thể này. Theo đó, du khách chỉ cần một hành động chạm thẻ vào biển kiểm soát thì có thể xử lý cùng một lúc 4 hoạt động, gồm: hoạt động mua vé; chuyển đổi vé; xuất hoá đơn; báo cáo với cơ quan quản lý.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội và cả nước, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây là trung tâm giáo dục cao cấp đầu tiên của Việt Nam thời quân chủ, nơi lưu giữ 82 bia Tiến sĩ được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, Bảo vật quốc gia, có Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm du lịch quan trọng bậc nhất và thu hút đông khách du lịch của Thủ đô Hà Nội.
Không chuyển đổi số có thiệt không?
Theo ông Hoàng Quốc Hoà, chuyển đổi số thực chất không phải là việc của một đơn vị cơ quan nhà nước hay người dân, mà đó là một hệ sinh thái, hệ thống. Trong đó, các doanh nghiệp phải vào cuộc và đóng vai trò làm giàu dữ liệu và các hoạt động. Bởi chính các doanh nghiệp mới tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch. Do đó, nếu doanh nghiệp không tham gia chuyển đổi số thì sẽ làm ảnh hưởng tới trải nghiệm, chất lượng phục vụ cho khách du lịch, thậm chí là bị tụt hậu và sẽ mất khách. Thứ hai, bản thân họ cũng sẽ không nhận lại được lợi ích trong xu thế chung tất yếu này.
Để làm mới nội dung thông tin trên nền tảng số cho khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch, cho biết, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi những phương thức như truyền thông, quảng bá, đặc biệt là các sản phẩm rất cụ thể để phục vụ nhu cầu thông tin, giải quyết rủi ro và tăng trải nghiệm cho du khách.