• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện gì đang xảy ra tại trường học của con em chúng ta?

Thời sự 14/04/2018 11:00

(Tổ Quốc)- Hãy trả lại môi trường giáo dục trong sạch, thiêng liêng và cao quý như vốn có, phải chăng là lời cầu khẩn đầy cay đắng của những người còn quan tâm đến giáo dục?

Cô giáo bắt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng, học sinh nói về “sự thật” cô giáo không giảng bài suốt mấy tháng phải chuyển trường, nam sinh tự tử vì áp lực học hành… đã trở thành những câu chuyện không chỉ phẫn nộ, bất công, đau đớn và khiến nhiều người hoang mang đặt câu hỏi không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra tại trường học mà con em chúng ta ngày nào cũng phải cắp sách đến trường để học làm người, để trưởng thành vào đời?.

Những câu chuyện liên quan đến giáo dục đầy nhức buốt kể trên liên tiếp xảy ra thời gian qua hẳn không phải là bộc phát, nhất thời, mà có lẽ đã tích tụ từ lâu, được dồn nén và chỉ đợi đến thời điểm là tự “bung” ra.

Vụ nam học sinh tự tử để lại thư tuyệt mệnh vì áp lực học tập đã khiến nhiều người đau lòng và đặt ra không ít câu hỏi cho ngành giáo dục. Ảnh: baovanhoa.vn

Bạo lực học đường bủa vây, áp lực học hành thi cử, những hành xử thiếu giáo dục của thầy cô đối với học sinh… và còn nhiều thứ khác từ thực tế đang bị che lấp từ người ngoài cuộc đã khiến chúng ta thực sự không thể an lòng về môi trường giáo dục hiện nay.

Trường học luôn là biểu tượng của sự cao đẹp, biểu tượng của tương lai phía trước. Và tại trường học trong mắt của học sinh thầy cô là người rất có quyền lực.

Nhưng học sinh có thể chưa ngoan thì thầy, cô giáo cần uốn nắn, thậm chí “phạt” để học sinh không tái phạm. Tuy nhiên “phạt” như thế nào để học sinh tự nhận ra cái sai của mình chứ không thể đối xử với học sinh thiếu tình người, quái dị… như cho uống nước giặt khăn lau bảng.

Câu chuyện buồn hơn, khiến chúng ta day dứt nhiều hơn là việc một học sinh dũng cảm, nói lên sự thật về một cô giáo nhiều tháng lên lớp không giảng bài. Em có sai không?. Em không sai. Em chỉ không giống những học sinh khác là dám đứng lên nói về một sự thật, đấu tranh vì một môi trường giáo dục lành mạnh, đúng nghĩa trước một số lãnh đạo của ngành giáo dục. Nhưng thay vì em được tuyên dương vì sự dũng cảm đó, thay vì em được ngành giáo dục nói lời cảm ơn, thay vì cô giáo phải nhận lỗi, phải thay đổi thì cuối cùng em phải chuyển trường. Không biết những học sinh khác khi nhìn vào sự việc của em có nhận ra một thông điệp chua chát đằng sau đó không: Đấu tranh thì tránh đâu?. Hay các em muốn trở thành con ngoan trò giỏi, muốn không phải chuyển trường thì phải chung sống, phải thỏa hiệp, chấp nhận những cái sai, cái ngang trái của chính thầy cô?. Không lẽ giáo án của giáo dục đã có thêm những bài học đau đớn và thấm thía của trường đời nghiệt ngã, không một sách giáo khoa nào viết ra mà học sinh phải học sao?. Không lẽ giáo dục đã “bất lực” đến như vậy?.

Theo thông tin mới nhất, cuối cùng cô giáo này cũng bị kỷ luật, chuyển công tác khác. Nhưng liệu có phải đó là kết quả từ sức ép dư luận, từ sự "vô lý" mà ai cũng dễ dàng nhận ra. Giá như việc thi hành kỷ luật này phải diễn ra sớm hơn và giá cô bé học sinh ấy không phải chuyển trường thì sự việc đã sang hướng khác.

Đỉnh điểm trong những câu chuyện buồn của ngành giáo dục gây rúng động dư luận trong tuần qua là việc một học sinh lớp 10 tự tử để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực trong học tập. Sự việc đau lòng này là một hồi chuông cảnh báo với các bậc phụ huynh khi quá kỳ vọng vào những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn mà vô tình tạo áp lực cho các em. Em đã không còn lựa chọn nào khác phải chấm dứt cuộc sống của mình để tự giải thoát.

Dường như nhiều bậc phụ huynh cho rằng thành tích học tập của con cái mới là thước đo sự chăm ngoan, sư thành công của việc nuôi dưỡng và của chính đứa trẻ đó, nên chỉ muốn các em học và học. Chỉ có học mới là con đường duy nhất để chinh phục điểm số, các cuộc thi và là niềm tự hào của cha mẹ, của gia đình. Nếu chỉ nhìn vào thành tích của ngôi trường này có tỉ lệ học sinh đỗ đại học khá cao thì chắc hẳn nhiều phụ huynh yên lòng, lựa chọn. Và cho dù ngôi trường này có kỷ luật, áp lực học tập cao đến đâu phụ huynh cũng không bận tâm. Phụ huynh cho rằng phận sự của con em mình chỉ có ăn và học mà không thực hiện được thì khó chấp nhận. Sự ích kỷ, tham lam và áp đặt suy nghĩ của người lớn cho con em mình đã kéo theo bao hậu quả đau lòng. Trường học đang biến các em thành những cái máy giải bài tập, những con rô bốt mà không ai thấu hiểu, không ai mở lối thoát.

Chúng ta thừa nhận thế hệ học sinh hiện nay có kiến thức hơn, thông minh hơn, giỏi giang hơn các thế hệ trước đó. Nhưng có những thứ mà thế hệ học sinh ngày nay rất có thể chưa bằng thế hệ trước, đó là thời gian vui chơi, kỹ năng sống, ký ức về một tuổi thơ trong trẻo… Và sự đánh đổi này có đáng?.

Có ai đó đã từng nói, bắt một đứa trẻ cố bê một vật nặng quá sức của mình, có thể có đứa bé bê được, có đứa bị tai nạn. Nhưng bắt làm thứ mà năng lực trí óc đứa trẻ không thể làm được là sai lầm trầm trọng và gây ra hậu quả khôn lường.  

Hãy trả lại môi trường giáo dục trong sạch, thiêng liêng và cao quý như vốn có, phải chăng là lời cầu khẩn đầy cay đắng của những người còn quan tâm đến giáo dục.

Nếu ngành giáo dục không mạnh dạn, công bằng, nghiêm khắc nhìn thẳng vào những vấn đề đã và đang tồn tại nhãn tiền đầy nhức nhối để có biện pháp thì rất có thể nhiều câu chuyện đau lòng khác sẽ còn xảy ra.

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ