(Tổ Quốc) - Theo chuyên gia giáo dục này, dù ngay từ đầu con đòi thi trường chuyên Ams (cấp 3), lại khá chăm và học ổn, nhưng bản thân chị không ủng hộ quyết định này của con.
Nhắc đến chuyện trường chuyên lớp chọn, từ trước đến nay luôn tồn tại song song 2 quan điểm trái chiều. Một số phụ huynh cho rằng, đối với học sinh trường chuyên cả việc học và luyện thi đều quá áp lực, học như "gà công nghiệp", học lệch, tạo ra “gà chọi” để đi thi . Trước đây, một số ý kiến yêu cầu xóa bỏ trường chuyên cũng xuất phát từ những nguyên nhân này.
Luồng ý kiến khác lại nhận định, học sinh từ trường chuyên đạt tỉ lệ thành công cao hơn học sinh trường khác như vào trường đại học top đầu, giành học bổng du học... Hai bên đều có lý lẽ của riêng mình, "không ai chịu ai".
Vậy nên mới đây, khi một chuyên gia giáo dục độc lập chia sẻ câu chuyện "Vì sao tôi không cho con học trường Ams" (viết tắt của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã thổi bùng lên tranh luận về đề tài chưa bao giờ cũ này. Được biết, con gái của chuyên gia này thi vào trường nhưng trượt ở môn chuyên, sau đó em chọn học ở một trường cấp 3 không chuyên khác.
Theo phụ huynh này, dù ngay từ đầu con đòi thi vào Ams cấp 3, lại khá chăm và học ổn, nhưng bản thân chị không muốn vì những lý do:
1. Trường Ams học theo chuyên từng môn. Nghĩa là môn chuyên sẽ học nhiều hơn môn khác, đặc biệt là các môn được coi là rất phụ như Sử Địa. Chị lại nghĩ, dốt mới cần học. Dốt môn gì, học môn đó. Nếu học môn giỏi, bỏ môn dốt thì dốt vẫn hoàn dốt.
2. Học trong môi trường quá cạnh tranh sẽ khiến các con sống mệt mỏi. Bất kể lúc nào cũng phải học và học, áp lực thi cử quá nhiều thì sẽ không tốt cho tâm lý các bạn. Đành rằng còn tùy từng gia đình nhưng học ở nơi có quá nhiều bạn giỏi, chắc chắn áp lực đó sẽ cao hơn nơi bình thường.
3. Khi sống trong môi trường cạnh tranh, các con dễ so bì nhau. Điều kiện đó sẽ nảy sinh tính cách hẹp hòi, hay chê bai, dìm hàng bạn bè, thiếu bao dung. (Dễ nảy sinh thôi, có tính đó hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố).
4. Nếu học Ams mà gặp thất bại, con sẽ vất vả để vượt qua nỗi thất vọng bản thân hơn hẳn học nơi khác. Sợ bạn khinh thường, cảm thấy mình kém cỏi... sẽ là các cảm giác con phải đối mặt. Đành rằng nơi khác cũng vậy nhưng áp lực chắc sẽ ko bằng. Nếu bạn nào yếu đuối quá, có thể tâm lý sẽ bị ảnh hưởng. (Bạn của con chị học trường này và bị chảy máu dạ dày vì áp lực).
Tóm lại, chuyên gia này cương quyết nói không với chuyện học chuyên. Chị không cho con đi học thêm dù 1 buổi ở bất kể đâu. Và thi vào trường này mà không học thêm thì cầm chắc là trượt. Con của chị cuối cùng trượt môn chuyên (các môn khác đủ đỗ).
Thổi bùng tranh cãi
Chia sẻ của chuyên gia này nhận về hàng ngàn lượt tương tác cùng hàng trăm bình luận trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá một thứ mà mình "chưa từng trải qua" là phiến diện và thiếu chính xác, "đỗ mà không học thì một chuyện nhưng mà không đỗ mà nói như đỗ là 2 chuyện khác nhau".
Những người phản đối cũng cho rằng, học ở đâu cũng có khó khăn áp lực riêng và tuỳ thuộc vào khả năng của mình để phát triển. Việc kết luận học ở trường này "dễ sinh tính hẹp hòi", là "bạn khinh thường", là "bỏ môn dốt vẫn hoàn dốt" sẽ vô tình đụng chạm đến các phụ huynh và học sinh khác đang học tại đây.
Học chuyên khó, áp lực thậm chí đến học thường cũng áp lực không ít nếu năng lực bản thân mình kém. Ở trường Ams có nhiều người tài năng, đam mê học tập nhưng vẫn tham gia hoạt động và nghệ thuật.
Một phụ huynh có hai con cùng học Ams cấp 3 chia sẻ: "Mình nghĩ do năng lực, sở thích của từng cá nhân và sự kỳ vọng của phụ huynh thôi nên sẽ luôn áp lực dù chọn bất kỳ môi trường nào. Hai bạn lớn nhà mình đều cấp 3 mới thi vào Ams và giờ là 1 cựu học sinh và 1 đang học, mình luôn bảo các bạn vào được rồi thì chịu khó mà tham gia các câu lạc bộ để được chơi nhiều không phải học nhiều và các bạn rất happy với trường.
Bạn lớn đang đi du học và bạn ý bảo học Ams cho bạn một môi trường có sự năng động, cách tư duy và nhìn nhận cuộc sống rất tốt. Mình không bao giờ ép con làm điều không thích, không đề cao thành tích".
Nhiều học sinh trường chuyên dù công nhận đây là môi trường cạnh tranh khủng khiếp, nhưng sự cạnh tranh ấy là "đáng để đánh đổi". Bù lại, các em có những người bạn giỏi, những người thầy cô đáng ngưỡng mộ, những đàn anh, đàn chị có nhiều kinh nghiệm. Các em có môi trường học tập cởi mở, được tạo cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá.
"Ở Ams những thầy cô con từng được học đều luôn lắng nghe và như người bạn đồng hành với học sinh. Bọn con vẫn được chú trọng học đều tất cả các môn, môn chuyên thì sẽ nhiều buổi hơn để giúp bồi dưỡng năng khiếu. Nhiều khi mẹ con còn đùa là sao nhàn thế thấy chơi nhiều hơn học.
Thật ra con và các bạn vẫn có những khoảng thời gian học hành vô cùng quyết liệt, nhưng không vì thế mà bọn con bỏ lỡ môi trường hoạt động ngoại khóa tuyệt vời. Bạn bè của con ai cũng rất giỏi và cá tính, tuy nhiên không mấy ai làm con cảm thấy mình thua thiệt và kém cỏi. Thay vào đó họ tìm cách nâng đỡ con, chỉ cho con thấy sắc màu riêng của mình và cùng con học hỏi để trở nên tốt hơn".
Bên cạnh đó, một số phụ huynh nhận định, "không cho con học trường Ams" là ý muốn của vị chuyên gia này chứ không phải của con chị. Vậy là cuối cùng con vẫn phải học theo ý muốn của mẹ và cũng không quan tâm đến mong muốn cũng như nguyện vọng của con.
"Cá nhân mình thấy con có khả năng học tập, có nguyện vọng và mục tiêu thì bố mẹ nên tôn trọng - đừng tìm cách phá ước mơ của con. Mình không thể biết khả năng của con sẽ bay xa như thế nào nếu không để con thử. Cứ đồng hành và ủng hộ cho dù lựa chọn của con thấp hơn kỳ vọng nhưng như bạn nói đời con là của con hãy tôn trọng lựa chọn của con!", một phụ huynh chia sẻ.
Ở phía bên kia, những người ủng hộ vị chuyên gia này thì cho rằng, không phải trường chuyên hay trường thường, mà quan trọng nhất là chọn cách phù hợp với cá tính, năng lực, IQ, EQ của con. Và xét ở góc độ này, vị chuyên gia đã chọn được phương pháp phù hợp với con mình nhất.
"Em ủng hộ cách chia sẻ của chị và ủng hộ cả việc không chạy theo tri thức của người khác. Khi vào 1 môi trường cạnh tranh quá lớn thì không những mất sự tự do trong cuộc sống mà còn vô tình đẩy mình vào 1 cái guồng quay của sự học. Khi hiểu con, không áp đặt thành tích, thì sự lựa chọn tốt nhất là lùi 1 bước để lấy đà bật xa hơn tất cả", một phụ huynh nhận định.
Trước hàng loạt ý kiến phản hồi từ phụ huynh và học sinh, vị chuyên gia cho rằng, nhiều người phán xét chị không tôn trọng, đồng hành với con, nhưng mong muốn của con, muốn vào trường chuyên con thích thì nên tự học, tự "chiến". Con đủ giỏi để đỗ thì tự vào, chị không cấm con. Tuy nhiên cũng đừng bắt chị phải đồng hành, phải chi tiền, đưa đón đi học thêm.
"Các mẹ bảo phải chiều theo mọi ý thích của con. Tôi không thấy thế. Cho con mọi thứ để nó thấy dễ dàng quá, nó coi thường và không nỗ lực thì tốt gì cho nó... Các mẹ bảo đồng hành cho con đạt được ước mơ và thành công, tôi lại thích con thất bại. Thành công chẳng giúp con học được gì, thất bại thì cho nó vô số bài học. Trượt Ams là 1 thất bại và con tôi thực sự lớn người sau vụ trượt này. Vậy không phải là quá tốt sao", chị nói.
Theo chị, sở thích là thứ rất dễ thay đổi, ý thích còn thay đổi nhanh hơn. Đam mê cháy bỏng thì không phải dừng ở học trường nào mà là trở thành ai hoặc làm việc gì. Khi nào nhận ra con có đam mê cháy bỏng đến mức sẵn sàng hi sinh bản thân để đạt được thì hỗ trợ chút là được.
"Các mẹ xây đắp Ams như 1 thánh địa vậy. Tôi lại chẳng thấy thế. Không học Ams, con tớ học V nhưng nó biết giải thưởng học sinh giỏi thành phố là gì, vào thẳng đại học là gì. Giáo viên của nó rất phục, bảo tôi: Nó không học thêm mà vượt qua hết học sinh trường chuyên để giật giải). Con tôi được cô chủ nhiệm tư vấn, nâng đỡ tâm lý bằng cách đưa đón nó suốt 3 tháng để tâm sự, chuyện trò. Món quà lý tưởng này trường đem đến cho con đã minh chứng cho con tôi thấy nhận định của mẹ là vô cùng chính xác".
Cũng theo vị chuyên gia này, điều kiện tốt nhất để một đứa trẻ trưởng thành là không có gì cả. Con chị cảm ơn mẹ vì mẹ đã không lao theo bất kể 1 xu hướng nào. Nhưng chính vì vậy, giờ con thực sự rất ổn.
Hiện chia sẻ của vị chuyên gia này vẫn đang "gây bão" trên mạng xã hội.