• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên gia hiến kế để phát triển “Thành phố sáng tạo”

Văn hoá 12/06/2021 15:36

(Tổ Quốc) - Hà Nội đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng phát triển thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế...

Chúng tôi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia góp phần hướng tới Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, định hướng chiến lược đã đề ra.

Chuyên gia hiến kế để phát triển “Thành phố sáng tạo” - Ảnh 1.

Nguồn lực văn hóa là “tài nguyên hiếm” cho sự phát triển của Thủ đô

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguồn lực văn hóa là “tài nguyên hiếm” cho sự phát triển của Thủ đô. Nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển thủ đô Hà Nội là cách đặt vấn đề thể hiện một tầm nhìn mới về vị trí, vai trò của văn hóa trong chiến lược tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội trong những năm tới, phù hợp với truyền thống, đặc điểm riêng và tính ưu việt, sự nổi trội của Hà Nội.

GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng chỉ rõ, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy tuy có phát triển, song thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với các lĩnh vực khác, chưa đủ tầm mức tác động có hiệu quả đối với sự phát triển của đất nước, trong khi đó, nhiều vấn đề tiêu cực, đáng lo ngại đang gây nhiều bức xúc trong đời sống xã hội. Có 3 vấn đề, 3 yêu cầu ở mức độ, cấp độ khác nhau cần trao đổi và lý giải. Một là, ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống. Hai là, tập trung xây dựng, phát triển văn hóa tương xứng với các lĩnh vực khác. Ba là, làm cho giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Ba yêu cầu đó đặt ra đối với cả nước và đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Giải quyết ba yêu cầu đó chính là xử lý thành công quan hệ “nguồn lực văn hóa và thương hiệu sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội”.

“Hà Nội có một tiềm năng văn hóa lớn, phong phú, lâu đời, đa dạng, và đó chính là tài nguyên tinh thần cho sự phát triển Hà Nội. Đó là tài nguyên hiếm, rất hiếm của Hà Nội, không phải nơi nào cũng có như ở Hà Nội. Vấn đề còn lại là khả năng, năng lực khai thác, khai thông nguồn tài nguyên đó như thế nào vì sự phát triển của Hà Nội trong tương lai...”, GS.TS Đinh Xuân Dũng lưu ý. Ông cho rằng, ở nhiều nơi và ở Hà Nội đều có kế hoạch khai thác các giá trị của di sản văn hóa cho du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo nên sự tăng trưởng của kinh tế. Điều đó đúng và cần thiết. Song, mặt khác cũng cần nghĩ rộng hơn. Khai thác, khai thông nguồn lực văn hóa ở Hà Nội, trước hết và quan trọng nhất là để xây dựng con người Hà Nội cho hôm nay và cho cả mai sau. Có nghĩa là, khai thông nguồn lực văn hóa có nhiệm vụ kép, không thể tách rời nhau là xây dựng, nuôi dưỡng các giá trị trong nhân cách con người Hà Nội và góp phần cho phát triển kinh tế du lịch Hà Nội.

PGS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, hai lĩnh vực là văn hóa sống của con người và văn hóa cảnh quan của Thủ đô. Về văn hóa sống của con người, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, người Hà Nội cần phát huy truyền thống thanh lịch; xây dựng chuẩn mực giá trị người Hà Nội hiện đại, có tiếp thu giá trị truyền thống gắn với những giá trị tiêu biểu của dân tộc. Còn về văn hóa cảnh quan, Hà Nội cần lưu ý đến việc điều chỉnh quy hoạch cũng như xây dựng các công trình văn hóa như tượng đài, công trình điêu khắc; các công trình kiến trúc dân dụng cần phải có bóng dáng đặc trưng dân tộc. Ngoài ra, Hà Nội cần chú trọng đến việc cải tạo đường phố, các khu vực công cộng, ý thức bảo tồn những dấu tích lịch sử.

Chuyên gia hiến kế để phát triển “Thành phố sáng tạo” - Ảnh 2.

Quan điểm của PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng: Văn hóa không đứng ngoài, đứng bên cạnh phát triển mà nằm bên trong, là nhân tố nội sinh của phát triển. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Đặt ngang hàng và phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội có nghĩa vừa phải thực sự coi trọng phát triển văn hóa, con người vừa phải xây dựng và thực hiện hệ thống các chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế - xã hội.

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, đặt ra vấn đề nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo là đề cập đến cả 2 nguồn lực, nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người. Nếu Hà Nội thực sự coi trọng phát triển nguồn lực văn hóa và con người, thì phải bắt tay thực hiện cho được Nghị quyết 33 cho đúng tầm. Lâu nay, việc đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong đời sống.

Hiến kế các giải pháp cho công nghiệp sáng tạo tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho rằng, Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách để nâng cao nhận thức và tạo điều kiện phát triển công nghiệp sáng tạo của Thủ đô. Sau khi đạt được danh hiệu thành phố sáng tạo, đây chính là cơ hội để Hà Nội khẳng định tên tuổi trong khu vực và trên trường quốc tế. Đáng chú ý, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, Hà Nội cần thành lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo ở Thủ đô./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ