(Tổ Quốc) - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi như vậy khi đề cập đến việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề nghị Chính phủ trả số nợ gốc 162, 5 triệu USD cho ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc liên quan đến dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
- 06.01.2017 Thủ tướng chỉ đạo rốt ráo xử lý dự án lỗ nghìn tỷ
- 12.04.2017 Đã có các phương án xử lý DN yếu kém ngành Công Thương
- 15.06.2017 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Vẫn còn dự án “đắp chiếu” ngoài 12 dự án đã nêu
- 21.06.2017 Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém của ngành Công Thương
- 05.07.2017 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo về 12 dự án thua lỗ: “Ai không làm và làm không xong thì phải thay thế”
Theo phương án đề xuất của Vinachem, từ ngày 21/7/2017 đến 21/7/2022, ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc thay cho Vinachem số tiền 162,5 triệu USD, còn Vinachem chỉ phải trả lãi và chi phí. Trên thực tế, tổng khoản vay để đầu tư dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD trong thời hạn 15 năm. Tính đến 31/3/2017 dự nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, đã trở nợ gốc bảy kỳ với tổng số tiền là 87,5 triệu USD.
(Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp) |
Tuy nhiên, điều đáng nói là theo Bộ Tài chính, Vinachem có thể cân đối được tài chính và dòng tiền để trả khoản nợ vay từ ngân hàng China Eximbank nhưng Tập đoàn này cũng như Đạm Ninh Bình đều kiến nghị Chính phủ trả nợ thay. Vinachem cũng không đưa ra được phương án để tái cơ cấu hoạt động cho hiệu quả.
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện Chính phủ đang phải trả nợ thay cho một số doanh nghiệp khác như Vinashin, Giấy Phương Nam… nên không thể hỗ trợ cho Vinachem.
Chia sẻ quan điểm với Báo Điện Tử Tổ Quốc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Trung ương (Ciem) cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ với Bộ Tài chính về việc Chính phủ không trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình.
“Tôi cho rằng không nên tạo ra tiền lệ phải trả nợ cho các doanh nghiệp, dự án làm ăn thua lỗ. Chúng ta thử xem, tổng nợ phải trả của 12 dự án “đắp chiếu” đã công bố của Bộ Công Thương là hơn 55.000 tỷ đồng. Vậy nếu như Chính phủ trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình, các dự án còn lại thì sao? Khi đó nguồn ngân sách Nhà nước sẽ đi đến đâu? Tôi đề nghị những người đã gây ra thất thoát cho dự án này phải có phương án trả nợ”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đình Ân, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban, xác định, đánh giá, kiểm tra thực hiện các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” nhằm đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Do vậy, việc Chính phủ “cứu” dự án nào là phải căn cứ vào các đánh giá mà Ban Chỉ đạo đưa ra. Bên cạnh đó, vấn đề này cũng xem như nợ xấu. Mà đối với nợ xấu thì không dùng tiền ngân sách Nhà nước để trả.
“Đạm Ninh Bình lỗ thì những người điều hành phải có trách nhiệm. Nếu Chính phủ “cứu” dự án này thì hơn chục dự án, nhà máy còn lại sẽ như thế nào? Không thể tạo tiền lệ xấu trong trường hợp này”, TS. Lê Đình Ân nhấn mạnh.
Đề xuất phương án trả nợ
Tại Công văn số 3285/BCT-HC ngày 18/4/2017, Bộ Công Thương cho rằng hiện Vinachem không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép: Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ. Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là BIDV nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu Chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV ngay khi có nguồn tài chính.
Tuy nhiên Bộ Tài chính đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng, Vinachem là chủ đầu tư và là người vay lại khoản tín dụng ưu đãi bên mua của China Eximbank để đầu tư Dự án Đạm Ninh Bình. Do đó, Vinachem có trách nhiệm thu xếp vốn (từ nguồn thu của Dự án và tất cả các nguồn thu hợp pháp khác của Vinachem) để thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ nợ phát sinh của khoản vay.
Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp như bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Vinachem đang sở hữu để có nguồn trả nợ. HiệnTập đoàn đang góp vốn đầu tư vào 39 công ty con, công ty liên doanh liên kết. Trường hợp Vinachem thực hiện thoái vốn thành công thì sẽ bổ sung thêm nguồn vốn cho trả nợ.
Trước đó, báo cáo Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra các nguyên nhân chính dẫn tới việc Đạm Ninh Bình lỗ lớn, bao gồm: Vinachem và Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn một số thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án dẫn đến chi phí tăng cao…
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến Đạm Ninh Bình lỗ lớn còn do lực lượng lao động lớn gấp rưỡi so với báo cáo khả thi, làm tăng chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành còn hạn chế, chưa chặt chẽ dẫn đến chênh lệch tại nhiều thời điểm về tồn kho, chênh lệch số lượng nhập xuất vật tư tiêu hao theo thống kê của các xưởng, phòng và sự thiếu quản lý trong công tác vật tư thu hồi dẫn đến hệ thống thống kê, hạch toán kế toán không phản ánh đúng, đầy đủ giá trị tài sản, chi phí tiêu hao.
Không chỉ thế, việc xác định, quản lý các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như giá bán sản phẩm không chính xác với thực tế, giá trị và cơ cấu chi phí thực tế chênh lệch nhiều so với Báo cáo nghiên cứu khả thi. Về việc này, Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân là do công tác dự báo còn hạn chế, chưa dự báo được giá nguyên liệu, nhiên liệu, nhu cầu, giá phân đạm và các yếu tố khác thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư…/.
Hà Giang