• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên gia lo tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng lớn đến người nghèo

Kinh tế 23/08/2017 08:09

(Tổ Quốc) - Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam chỉ hơn 2.000 đô la Mỹ , chưa kể người nghèo cả năm chỉ thu nhập vài trăm, thậm chí vài chục đô la Mỹ…thì việc tăng thuế VAT 2% sẽ ảnh hưởng lên họ rất nhiều.

Bộ Tài chính đang cân nhắc việc đề xuất nâng mức thuế suất thuế VAT tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Việc này đang khiến dư luận hết sức quan tâm bởi sẽ tác động không nhỏ đến người dân và doanh nghiệp. Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn Chuyên gia tài chính – ngân hàng về vấn đề này:

Ảnh: Hà Giang

-Bộ Tài chính đưa ra đề xuất về việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT): Một số mặt hàng không chịu thuế thành chịu thuế, mức 5% lên 10% và mức phổ biến 10% lên 12%. Một trong những lý do của việc tăng thuế là để bù đắp ngân sách quốc gia. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Tôi ủng hộ việc tăng thuế VAT vì lúc này ngân sách quốc gia đang rất eo hẹp, các chi phí thường xuyên, chi phí đầu tư của Chính phủ ngày càng tăng trong khi nguồn thu nhập thì hạn chế.  Cùng với đó là vấn đề thất thu thuế, hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong nền kinh tế… Đây là nguyên nhân dẫn tới bội chi và việc tăng thuế là cần thiết để cân đối ngân sách.

Tuy nhiên, việc tăng thuế phải dựa trên những lý do hợp lý. Cách đây vài hôm, tôi có tham dự cuộc họp lấy ý kiến về tăng thuế của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất chỉnh sửa 5 luật thuế: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu dùng đặc biệt… và thuế VAT. Nói chung, các đề xuất chỉnh sửa đều hợp lý, riêng phần đề xuất thuế VAT từ 10% -12% tôi thấy chưa thuyết phục.

Theo tôi, Bộ Tài chính cần phải đưa ra thống kê, nghiên cứu chuẩn xác về tác động của việc tăng thuế đối với Chính phủ và người dân sao cho thuyết phục, nghĩa là cần có con số cụ thể, lượng hóa lên xem sẽ có khó khăn như thế nào? Nếu tăng thuế VAT thì bổ sung nguồn ngân sách như thế nào?

Nói chung, cần phải đưa ra một con số cụ thể chứ chỉ nói chung chung rằng, tăng thuế VAT để cân đối nguồn ngân sách thì là không đủ.

-Theo ông, nếu tăng thuế VAT theo đề xuất của Bộ Tài chính thì sẽ tác động lên cuộc sống người dân và doanh nghiệp như thế nào?  Việc so sánh VAT của Việt Nam với các nước khác theo ông liệu có khập khiễng?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Việc so sánh thuế VAT của Việt Nam với các nước khác là điều hợp lý nhưng phải mang tính toàn diện hơn. Nếu chỉ nói thuế VAT của Việt Nam thấp so với  nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Âu thuế VAT lên tới 20% thì tôi e là so sánh khập khiễng. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam chỉ hơn 2.000 đô la Mỹ, chưa kể người nghèo cả năm chỉ thu nhập vài trăm, thậm chí vài chục đô la Mỹ…thì việc tăng thuế 2% sẽ ảnh hưởng lên họ rất nhiều.

Ví như, Mỹ không có thuế VAT mà chỉ có thuế bán hàng (sell tax). Tùy từng tiểu bang mà áp dụng các mức thuế khác nhau (5%, 7%, 10%)... . Trong khi đó, Việt Nam thuế VAT “đánh” vào nhiều công đoạn, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, mà mỗi công đoạn đều được cộng thuế VAT, thành ra người tiêu dùng phải gánh chịu mức thuế rất lớn.

Về phía doanh nghiệp, việc tăng thuế VAT cũng sẽ tác động nhiều và làm phát sinh chi phí.

Cụ thể, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng. Chi phí sản xuất tăng thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giá sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

-Bộ Tài chính vừa tổ chức buổi lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế về việc tăng thuế VAT. Là người tham dự, ông có thể cho biết, đề xuất của Bộ Tài chính có được phần lớn ý kiến ủng hộ hay không?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đánh giá cao việc Bộ Tài chính mời các chuyên gia đến để tham khảo ý kiến cho một vấn đề quan trọng mà ở đây là đề xuất tăng thuế VAT. Trong buổi họp, tôi cũng phát biểu rằng, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Quốc hội chấp thuận và ban hành thì đây là dấu ấn khá đặc biệt cho Chính phủ nhiệm kỳ này, bởi việc tăng thuế có ảnh hưởng rất lớn.

Về đề xuất của Bộ Tài chính, các chuyên gia đã bày tỏ ý kiến một cách trung thực. Đa số ý kiến cho rằng, việc tăng thuế VAT phải dựa trên những lý do hợp lý như tôi đã nói ở trên. Những ý kiến này gây áp lực cho Bộ Tài chính để từ đó Bộ phải làm việc nhiều hơn nữa nhằm đưa ra những con số cụ thể, xác thực và thuyết phục về tác động của việc tăng thuế VAT đối với Chính phủ, người dân và doanh nghiệp…, từ đó tiếp tục hoàn thiện dự án đề xuất vào cuối năm nay.

Không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào cũng vậy, việc tăng thuế là cần thiết nhưng phải xây dựng trên cơ sở hợp lý và có tính thuyết phục.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ