• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên gia nói về tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều: "Tôi cho rằng đây là sửa chữa chắp vá"

Thời sự 17/11/2020 12:20

(Tổ Quốc) - Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay, tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều đã được phía NXB ĐH Sư phạm TPHCM gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định phê duyệt.

Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11

Mới đây, NXB ĐH Sư phạm TPHCM đã công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh Diều, để xin ý kiến giáo viên, phụ huynh, người dân sau khi gặp phải những phản ứng của các chuyên gia, dư luận xã hội.

Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho hay, tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt - bộ Cánh Diều đã được phía Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT, để đề nghị Hội đồng thẩm định phê duyệt. Đồng thời, đơn vị này đã đưa lên mạng để xin ý kiến giáo viên, nhà khoa học và xã hội từ ngày 14-20/11.

Sau khi lấy ý kiến rộng rãi dư luận, giáo viên, nhà trường, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11.

Dự kiến, trước ngày 30/11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện và chuyển tài liệu bổ sung miễn phí này về các địa phương để giáo viên kèm vào SGK dạy học.

Trao đổi với PV vào sáng 17/11, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, nguyên chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học - Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) cho hay, sau khi đọc nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều được công bố trên mạng, ông "vẫn chưa thể chấp nhận được".

Chuyên gia nói về tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều: Tôi cho rằng đây là sửa chữa chắp vá - Ảnh 1.
Chuyên gia nói về tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều: Tôi cho rằng đây là sửa chữa chắp vá - Ảnh 2.

Phần nội dung lấy ý kiến điều chỉnh.

Theo PGS Nguyễn Hữu Đạt, những sai sót trong sách Tiếng Việt 1- bộ Cánh Diều không thể coi là "sạn" mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, mục đích dạy tiếng Việt, ngữ liệu, phương pháp học âm vần gán ghép các từ ngữ…

"Tôi cho rằng, đây mới là kiểu sửa chữa chắp vá, chống đỡ, nhằm xoa dịu dư luận còn những nội dung liên quan đến chuyên môn sâu liên quan kiến thức ngôn ngữ học, dạy tiếng... lại chưa thấy có bất cứ sự xem xét, đánh giá lại nào cả.

Do đó, theo tôi phải chỉnh sửa, biên soạn lại toàn bộ sách chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá, khiến phá vỡ hệ thống, làm khổ học sinh", PGS Đạt nêu.

Nhà nghiên cứu này nói thêm, cơ sở khoa học để biên soạn sách này không xuất phát từ chuẩn mực khoa học, không đạt yêu cầu nên bây giờ có đưa ngữ liệu nào vào xử lý cũng không hoàn thiện.

Chỉ khi nào có những góp ý thẳng thắn, xác đáng mới có cuốn sách tốt

GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, lẽ ra sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều phải được đưa lên mạng ngay từ đầu để xin ý kiến của giáo viên, phụ huynh, dư luận.

"Còn việc đưa bản điều chỉnh lên mạng để mọi người góp ý như hiện nay, tôi thấy dù còn có ý kiến này, khác nhưng thôi, làm như vậy vẫn còn hơn không làm", GS Nhĩ nói.

Ông nói thêm, giáo viên, các bậc phụ huynh đang có con theo học cuốn sách cần coi việc đưa bản điều chỉnh lên mạng là một cơ hội tốt để theo dõi kỹ nội dung điều chỉnh và góp ý cụ thể, rõ ràng về các vấn đề còn tồn tại, có hoặc chưa phù hợp.

"Trước đây, các sách giáo khoa của chúng ta khi tái bản lần 1, lần 2, lần 3... đều có chỉnh sửa, bổ sung chứ không thể nào hoàn chỉnh được.

Do đó, với lần góp ý về sự điều chỉnh nội dung một số phần sách này, tôi thấy chỉ khi nào có những góp ý thẳng thắn, xác đáng về nội dung điều chỉnh và toàn bộ cuốn sách mới giúp cho chúng ta có một cuốn sách tốt để các con theo học", GS Nhĩ bày tỏ.

Còn cô giáo Vũ Thị Luyến (dạy tiểu học tại Hà Nội) chia sẻ, thời điểm này mới có tài liệu điều chỉnh SGK Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều, trong khi thời gian qua học sinh đã học đến những bài mà dư luận nêu có "sạn" và khi đó, giáo viên đã phải chủ động giải thích cho các em hiểu.

Trong đó, với những từ có cách đọc, cách viết khác nhau giữa hai miền Bắc - Nam, cô giáo dạy âm, vần xong sẽ giải thích thêm cho rõ nghĩa để học sinh nắm bắt được vì sao lại gọi tên như vậy.

Trong mọi tình huống, giáo viên vừa bám sát nội dung SGK vừa chủ động tham khảo các tài liệu khác để dạy cho học sinh hiểu được nội dung của từng bài.

Đối với nội dung điều chỉnh, cô Luyến cho rằng, qua tiếp cận từ báo chí đăng tải, cô thấy các bài đọc, ngữ liệu thay thế đã tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp, cần chỉnh sửa thêm.

Ví dụ, như thay “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” trang 61 bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ”… Từ "nhá" là phương ngữ không phù hợp nên bị bỏ đi. Nhưng thỏ la cà rong chơi chỗ nọ, chỗ kia thì sao lại lơ mơ ngủ?

Hoặc như "dưa đỏ" trang 58 được thay bằng "quả dưa", tuy nhiên, hình vẽ lại là quả dưa hấu, do đó, nếu thay thế, giáo viên sẽ phải giải thích có nhiều loại dưa, còn trong hình rõ ràng là dưa hấu.

Tài liệu điều chỉnh được đăng tải trên trang web của bộ SGK Tiếng Việt 1 - Cánh Diều. Theo đó, tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính bao gồm:

Phần I: Giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp.

Phần II: Hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Theo nội dung tài liệu được công bố, 11 bài đọc ở các SGK Tiếng Việt tập 1 và tập 2 - bộ sách Cánh Diều được thay thế; nhiều từ ngữ được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn.

Bài đọc "Ve và Gà" trang 67 được thay bằng bài "Bờ Hồ"; "Ve và Gà" trang 69 được thay bằng bài "Chăm bà"; "Quạ và Chó" trang 99 được thay bằng bài "Phố Thợ Nhuộm"; "Cua, cò và đàn cá" trang 115 được thay bằng bài "Kết bạn"; "Cua, cò và đàn cá" trang 117 được thay bằng bài "Hồ sen"; "Hai con ngựa" trang 157 được thay bằng bài "Mẹ thật ấm"; "Hai con ngựa" trang 159 được thay bằng bài "Sáng sớm trên biển"; "Lừa, thỏ và cọp" trang 163 được thay bằng bài "Bạn của Hà"…

Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp cũng đã được các tác giả loại bỏ, thay thế bằng từ khác. Ví dụ, bỏ các từ "tivi" trang 52, "thở hí hóp" trang 85…; thay "quà quà" bằng "quạ quạ", thay "Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ" trang 61 bằng "Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ"…

Hoàng Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ