(Tổ Quốc) - Điều bố mẹ cần quan tâm không phải là "tiền lớp 1" mà là bồi dưỡng những yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình học phổ thông cũng như cuộc sống sau này của các con.
Con vừa hết bậc học mầm non, nhiều bậc phụ huynh đã lại hối hả, lo lắng cho con tham dự các lớp học "tiền lớp 1" để mong con biết đọc, biết viết, thậm chí biết làm các phép toán để con bước vào lớp 1 không "thua bạn kém bè"!
Thế nhưng, việc này vốn không cần thiết mà còn có thể gây hại về mặt lâu dài, theo chuyên gia tâm lý - thạc sĩ Phương Hoài Nga.
Lợi trước mắt, thiệt lâu dài
PV: Là chuyên gia tâm lý rất quan tâm đến các vấn đề làm cha mẹ, chị nghĩ sao về chuyện nhiều phụ huynh tìm các lớp cho con học "tiền lớp 1"?
ThS Phương Hoài Nga: Nếu xét về toàn bộ quá trình học phổ thông thì năm lớp 1 là năm rất quan trọng, là năm bản lề để các con bước vào 12 năm tới.
(Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: Báo Người lao động)
Tuy nhiên, nhiệm vụ các con cần hoàn thành năm lớp 1 thực ra không quá lớn, con chỉ cần đọc thông viết thạo và tính toán trong phạm vi 100 là được. Có thể nói một cách khác là mục tiêu lớn nhất của năm lớp 1 không nằm ở chuyên môn.
Theo sự phân chia về giáo dục phổ thông tổng thể, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua vào năm 2018, có 2 nhóm năng lực là năng lực chung và năng lực đặc thù.
Với năng lực đặc thù thì ở lớp 1 có Toán và Tiếng Việt, nhưng yêu cầu khá khiêm tốn và do đó, điều mà các con lớp 1 cần phải tập trung, đó là năng lực chung, cần phải biết đến chiến lược học tập chung và phải học được cách tự lập, vì ở không gian lớp 1 sẽ khác hẳn so với không gian mầm non.
PV: Vậy có nghĩa là cha mẹ không nên lo lắng khi con mình chưa nhận được mặt chữ hay ghép vần trước khi bước vào lớp 1?
ThS Phương Hoài Nga: Tất nhiên là không có gì đáng lo cả. Chúng ta nên nhớ mục tiêu đọc thông - viết thạo thì phải đến cuối năm lớp 1 các con mới cần phải đạt được.
Tôi thấy hiện tại có nhiều bậc phụ huynh đang cho con tham gia đủ mọi lớp học, từ lớp học Toán cho tới lớp học Tiếng Việt, nhưng đến tối lại cho con thức khuya để chơi, thì sẽ không tốt. Sự phát triển của con phải là toàn diện, không chỉ có kiến thức, mà còn phải có sự phát triển về mặt cảm xúc, xã hội, đạo đức và những thứ liên quan khác nữa.
Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng hơn mà các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, đó chính là việc bồi dưỡng đến năng lực chung cho con, rèn cho con có thói quen học tập, thói quen tự lập trong cuộc sống. Đây là những yếu tố rất quan trọng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình học phổ thông cũng như cuộc sống sau này của các con.
Phụ huynh chỉ chăm chăm sao cho con biết viết chữ, tính toán các con số mà không quan tâm đến năng lực chung của con trước khi bước vào lớp 1 là chọn mục tiêu trước mắt mà bỏ qua mục tiêu lâu dài.
"Tôi cũng từng căng thẳng khi con học lớp 1"
PV: Là chuyên gia tâm lý với nhiều năm làm việc và tìm hiểu về giáo dục ở nước ngoài, chị có thể chia sẻ một vài câu chuyện về chuyện học lớp 1 ở thế giới được không?
ThS Phương Hoài Nga: Thực tế mà nói thì đúng là ở Việt Nam, con vào lớp 1 đúng là khoảng thời gian khá là vất vả cho phụ huynh chúng ta.
Ở nước ngoài thì câu chuyện có hơi khác 1 chút, ví dụ như ở Hàn Quốc và Phần Lan, nơi tôi từng có cơ hội làm việc, trẻ con đi học lớp 1 năm 7 tuổi, tức là muộn hơn 1 năm so với ở Việt Nam. Lý do là theo kết quả thống kê và nghiên cứu của họ, trẻ em 7 tuổi khi mà vào môi trường học tập có cấu trúc có sự thích nghi tốt hơn, học logic và toán vào thời điểm đó sẽ thuận lợi hơn.
Chị Hoài Nga với các cô giáo ở Thụy Điển.
Tại Thụy Điển, khoảng 4 - 5 tháng cuối cùng trước khi tốt nghiệp mầm non, các bạn học sinh được tham gia 1 khóa học chuẩn bị cho việc lên lớp 1, ta cũng có thể coi là lớp học tiền tiểu học, trong đó cô giáo cho các bạn làm quen với chữ nổi, các bảng chữ cái khác nhau, từ chữ tượng hình (tiếng Trung, tiếng Hàn) hay các loại chữ của Ả Rập...
Chữ viết của các bạn học sinh tiền tiểu học ở Thụy Điển.
Khi tôi hỏi tại sao họ không cho trẻ học luôn bảng chữ cái của Thụy Điển mà lại xem qua nhiều loại chữ của các nước, 1 cô giáo cho biết bản chất của ngôn ngữ là truyền tải thông điệp, là công cụ của giao tiếp, và trên thế giới có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều đầu tiên mà họ muốn các em phải yêu ngôn ngữ, hiểu bản chất của ngôn ngữ rồi mới đi vào việc viết chúng ra.
Còn tại Pháp và Mỹ, những nơi mà tôi cũng từng có cơ hội thực tập tại các trường tiểu học với tư cách là chuyên gia tâm lý, tôi đã quan sát được 1 điều khá thú vị, đó là trẻ em ở các trường tiểu học này đến năm lớp 3 mới ngồi viết chữ, còn 2 năm đầu tiên, các em chỉ cần biết mặt chữ là đủ.
PV: Được biết chị đã lập gia đình và có 2 con. Vậy trước đây khi 2 bé chuẩn bị vào lớp 1 chị có bị stress không? Chị có cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1 không? Và chị có lúc nào cảm thấy bất lực hay mệt mỏi trong khi dạy con?
ThS Phương Hoài Nga: Vợ chồng tôi có 2 cháu, một cháu trai vừa mới học hết lớp 6 và một cháu gái vừa học hết lớp 2 nên tôi cũng đã trải qua câu hỏi về "tiền lớp 1" này 2 lần.
Chúng tôi không cho con đi học trước khi vào lớp 1, mà chỉ cho con làm quen với những kỹ năng cần thiết để bước vào lớp 1 với tâm thế tự tin mà thôi.
Thực ra lần đầu với bé trai, thì mọi chuyện với gia đình tôi cũng khá là căng thẳng.
Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga.
Tuy nhiên, sự căng thẳng này không phải do vấn đề kiến thức, vì cháu không gặp khó khăn về việc học tập, mà là cháu liên tục vi phạm các quy định và là... "nỗi phiền" của cô giáo.
Mỗi khi đến lớp của con thì hoặc là tôi thấy cháu đang nằm bò ra, hoặc là đang trong 1 tư thế nào đó rất kỳ cục, hoặc đang bị phạt phải đứng bên ngoài lớp. Vì tôi cũng làm việc trong môi trường giáo dục nên tôi cũng biết là việc các bạn nhỏ chuẩn bị bước vào lớp 1, nhất là các bạn nam hiếu động, không chịu ngồi im một chỗ thì sẽ tương đối là khó khăn.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là trẻ lên lớp 1 thì không chỉ có chúng ta áp lực, vì chính sự căng thẳng của bố mẹ cũng là 1 áp lực rất lớn cho con.
Vì thế, tôi luôn bình tĩnh trước những vấn đề này của con, để cùng con vượt qua những khó khăn.
PV: Vậy chị có lời tư vấn nào cho các phụ huynh đang lo lắng về vấn đề "tiền lớp 1" không?
ThS Phương Hoài Nga: Như tôi đã nói ở trên, là có 2 loại năng lực là năng lực chung và năng lực đặc thù, thì thay vì việc bố mẹ chỉ chăm chăm xem con có biết viết chữ A, chữ B, có biết cộng trừ nhân chia hay không, tức là năng lực đặc thù của con, thì có những việc khác cần thiết hơn cho trẻ, để trẻ học được cách sắp xếp giờ giấc sinh hoạt, tìm được thời gian hợp lý để các cháu làm được các việc quan trọng của mình.
Tóm lại, bố mẹ nên giúp con hình thành thói quen làm tất cả các công việc 1 cách có nề nếp, có cấu trúc, nôm na là giờ nào việc nấy, giờ này các con phải làm gì, giờ kia thì làm gì, hay chăm sóc sức khỏe cho con, tóm lại đây là những việc sẽ giúp con bước vào lớp 1 với tâm thế rất là tốt.
Bước vào lớp 1, có nhiều bạn có khả năng tự lập rất là kém, trong khi lẽ ra ở lớp 1, khả năng này phải cao hơn rất nhiều so với khi còn đang học mẫu giáo. Do đó, cha mẹ cần dạy con tất cả những việc liên quan đến ăn, ngủ, nghỉ, vệ sinh cá nhân hay việc tự mặc quần áo chẳng hạn để khi bước lên lớp 1, con sẽ không còn cảm thấy bỡ ngỡ nữa mà sẽ quen dần với những nề nếp mới.
Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga.
Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga (ĐH Toulouse II-Le Mirail, Pháp) có hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em và vị thành niên (trong đó 11 năm làm tâm lý học đường).
Cô đồng thời là dịch giả, người hiệu đính cho nhiều cuốn sách về tâm lý trẻ em và gia đình. Cô là mẹ của Sam (12 tuổi) và Vy (8 tuổi), và hiện là một chuyên gia tham vấn - trị liệu tâm lý độc lập cho trẻ em và gia đình.