(Tổ Quốc) - “Doanh nghiệp không thể đòi hỏi lãi suất 0% vì đây ko phải tiền ngân sách, mà nếu là tiền ngân sách thì mức lãi suất này cũng chỉ để dành cho gói an sinh xã hội...”, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cho hay.
Doanh nghiệp phải chứng minh bị tác động từ Covid -19
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong đó, gói tín dụng gần 300.000 tỷ đồng là một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ công bố sớm nhất khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Đến nay, hơn mười nhà băng đã tham gia gói tín dụng trên với lãi suất cho vay cam kết thấp hơn 0,5-2,5% mức thông thường.
Nhiều ngân hàng cũng bắt đầu đưa ra giải pháp cụ thể đến khách hàng. Dù vậy, làm thế nào để chọn lựa đúng và trúng đối tượng cần được hỗ trợ mới là vấn đề đáng bàn. Bởi trên thực tế, trong khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều hộ kinh doanh vẫn còn đang chật vật trong quá trình xét duyệt để mong nhận được gói hỗ trợ thì có trường hợp lãnh đạo một Ủy ban lại xin được tiếp cận gói hỗ trợ với thời hạn tối thiểu 03 năm, mức lãi suất 0% cho các tổng công ty, các tập đoàn…,
Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, gói cứu trợ này không phải tiền ngân sách nhà nước mà là tiền của các ngân hàng với ưu đãi ở đây là sẵn sàng giảm lãi suất ở mức 0,5-2,5%/năm. Về đối tượng, bất kỳ doanh nghiệp nào kể cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gồm các tập đoàn, Tổng Công ty bị ảnh hưởng do Covid-19 cũng có thể hưởng lãi suất này, tuy nhiên, vấn đề là phải chứng minh được họ bị tác động từ covid -19 đến sản xuất kinh doanh như thế nào.
Trước thông tin gần đây lãnh đạo một cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xin gói hỗ trợ 3 năm với mức lãi suất 0%, ông Cấn Văn Lực chia sẻ: "Không thể có chuyện "đòi hỏi" lãi suất 0% vì đây không phải tiền ngân sách, kể cả tiền ngân sách mà lãi suất ở mức 0% cũng chỉ dành cho gói an sinh xã hội...
Gói hỗ trợ này dành cho những doanh nghiệp nào thì cần phải có minh chứng rõ ràng rằng doanh nghiệp đó bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, gồm cả doanh nghiệp lớn, nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ... tất nhiên cũng có ưu tiên một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên mà lâu nay Chính phủ và NHNN vẫn đang thực hiện.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong đợt đại dịch Covid-19 này, những doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp nhỏ và vừa đều bị ảnh hưởng theo các mức độ khác nhau. Nhưng gói hỗ trợ này ưu tiên đặc biệt cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản, trả nợ, những doanh nghiệp thực sự lao đao trên thị trường. Bởi những doanh nghiệp này không phải là "đứa con" của Chính phủ nên họ có thể "chết" bất kỳ lúc nào, vì thế họ rất cần ưu đãi của Chính phủ trong thời điểm này.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu giải thích thêm, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay doanh nghiệp khác nếu trong diện bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 đều có thể được hỗ trợ căn cứ theo mức độ nghiêm trọng mà doanh nghiệp mắc phải.
Còn về chương trình trả nợ thì có thể áp dụng đồng đều cho các doanh nghiệp là 4 năm. Một năm đầu là ân hạn lãi và gốc, 3 năm sau thì phải trả cả gốc và lãi và mức này sẽ quy định theo lãi suất thương mại trong 3 năm sau.
"Còn việc một lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn xin vay trong 3 năm với mức lãi suất 0% là không hợp lý, bởi vì, các ngân hàng thương mại khi huy động vốn họ phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế nếu họ cho vay với mức lãi suất 0% thì họ sẽ bị lỗ", ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Nếu cứ thả lỏng sẽ dễ xảy ra lợi dụng chính sách
Về cơ chế giám sát, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, NHNN cần ban hành đầy đủ thông tư và hướng dẫn thực hiện, đồng thời cũng nên giao một số trách nhiệm cho các ngân hàng thương mại, đó là tự thẩm định đánh giá hồ sơ của doanh nghiệp.
"Vì đây là tiền vốn của họ chứ không phải tiền ngân sách. Tất nhiên sau đó phải có cơ chế kiểm tra, đánh giá qua nhiều kênh, ví như các ngân hàng phải báo cáo định kỳ, nghe ngóng những phản ảnh từ phía doanh nghiệp cũng như phương án kiểm tra đột xuất...
Cùng chung nhận định giám sát là khâu vô cùng quan trọng, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, gói hỗ trợ này chắc chắn là có một phần để các ngân hàng giãn nợ, gia hạn thời gian trả nợ, gia hạn thời gian khoanh nợ....
"Vì thế, nếu không có khâu giám sát chặt chẽ thì sẽ xảy ra trường hợp ngân hàng lợi dụng chính sách. Ví như, họ có những khách hàng vốn dĩ đã hoạt động yếu kém (có thể phải chuyển đến nhóm 5 rồi) chứ không phải yếu kém vì tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong trường hợp này, ngân hàng có thể lợi dụng chính sách này để không chuyển nhóm nhằm tiết kiệm dự phòng rủi ro, nhằm tiết kiệm dự phòng nợ xấu.. với mục đích để cho bảng cân đối kế toán đẹp. Tóm lại là họ có thể dùng tiền tái cấp vốn của NHNN để bơm tiền vào những doanh nghiệp thực sự rất yếu kém.
Vì thế, lạm dụng chính sách là điều có thể xảy ra nếu chúng ta không giám sát", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Theo ông, NHNN phải có một bộ phận để thường xuyên kiểm tra các ngân hàng thương mại trong việc sử dụng gói hỗ trợ. Việc giãn nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất... phải được báo cáo thường xuyên cho NHNN. Còn nếu cứ thả lỏng thì vấn đề lợi dụng chính sách là rất dễ xảy ra.