(Tổ Quốc) - Trong bài viết được Topwar đăng tải gần đây, nhà phân tích Evgeny Fedorov đã chỉ ra ưu và nhược của đạn pháo hiệu chỉnh mà Quân đội Nga đang tích cực sử dụng.
Đạn pháo hiệu chỉnh - Những ưu điểm không cần bàn cãi
Giống như bất kỳ loại vũ khí nào từng được sản xuất, đạn pháo hiệu chỉnh có cả ưu và nhược điểm. Để bắt đầu chúng ta hãy nhìn vào mặt tích cực. Đầu tiên là việc biến một khẩu pháo dã chiến thông thường - ví dụ như lựu pháo 152 mm 2A65 thành một vũ khí chính xác.
Có thể nói rằng các kíp pháo đã được bổ sung một tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) tầm xa vào kho vũ khí của họ - thứ có khả năng bắn trúng ngay cả các mục tiêu đang di chuyển.
Mặc dù giá thành sản xuất đạn khá cao - nhưng nó được bù đắp bằng tổng số đạn thông thường tiết kiệm được - tính trung bình mỗi đạn pháo hiệu chỉnh tương đương 1 trận pháo kích kéo dài 3 phút của một khẩu đội pháo.
Việc khai hỏa đạn cối 240 mm "Daredevil" (Kẻ liều lĩnh) hoặc đạn lựu pháo 152 mm "Centimet" sẽ hiệu quả tương đương 1 đợt pháo từ 15-20 phút - tiết kiệm vài tấn đạn pháo thông thường và giúp khẩu đội pháo rời vị trí bắn nhanh hơn.
Cối tự hành 240 mm 2S4 Tyulpan và pháo tự hành 203 mm 2S7M Malka trong một cuộc tập trận phối hợp với UAV Orlan-10 của Quân đội Nga vào năm 2020 (Nguồn: Tvzvezda).
Các đối thủ của Quân đội Nga hiện được trang bị số lượng lớn pháo phản lực phóng loạt (MLRS) có khả năng phản ứng nhanh khi bị phản pháo.
Ngoài ra theo tính toán, để chế áp một tiểu đoàn pháo binh đối phương ở khoảng cách từ 15-20 km sẽ cần phải sử dụng từ 600 đến 800 cơ số đạn thông thường.
Tuy nhiên sẽ chỉ cần không quá 30 đạn pháo hiệu chỉnh 152 mm cho mục tiêu tương tự. Tiết kiệm và hiệu quả là điều hiển nhiên có thể nhận thấy.
Không giống như tên lửa, đạn pháo hiệu chỉnh không thể bị đánh chặn khi đang bay - chúng là "bất khả xâm phạm" trước phòng không đối phương.
Ưu điểm này khiến chúng cũng được sử dụng để tiêu diệt chính phòng không đối phương.
Nhược điểm và cách khắc phục
Để nói về đạn pháo hiệu chỉnh - đây là một tập hợp công nghệ và rút gọn lại là việc mục tiêu cần phải được "chiếu sáng" bởi tia laser trước khi khai hỏa.
Trong quá khứ xạ thủ pháo binh sẽ phải sử dụng các khí tài định tầm và chiếu bắn 1D20, 1D22 hoặc 1D26. Các khí tài này có khả năng trinh sát quang học các mục tiêu trên mặt đất, đo tọa độ cầu (phạm vi, góc định hướng và góc nâng) cũng như "chiếu sáng" mục tiêu bằng tia laser.
1D22 có thể tháo rời và điều khiển từ xa. Nó cũng được lắp trên các hệ thống chỉ huy bắn Mashina-M và Kapustnik-B. 1D20 có thể "nhìn thấy" mục tiêu tương đương kích cỡ xe tăng ở khoảng cách lên đến 5 km, còn ở 1D22 thì lên đến 7 km.
Tuy nhiên các biến thể "xách tay" của các khí tài nói trên khá cồng kềnh - một bộ chân máy, bộ thu phát và pin thường nặng từ 30 đến 42 kg.
Ngay cả khí tài định tầm và chiếu bắn hiện đại nhất của Nga là "Malachite" hay "Tổ hợp các phương tiện điều khiển hỏa lực tự động của các đơn vị pháo binh" - thứ được trang bị thêm một kênh truyền dẫn ảnh nhiệt và có thể tháo rời thành 3 phần - cũng có tổng trọng lượng là 42 kg.
Theo nhà sản xuất, các khí tài nói trên có thể lắp đặt trên trực thăng hoặc máy bay không người lái (UAV). Ví dụ cụ thể là việc các UAV có khí tài định tầm và chiếu bắn đã hoạt động trong chiến dịch ở Syria.
Một máy đo khoảng cách và chỉ thị mục tiêu tự động của các đơn vị pháo binh "Malachite" (Nguồn: Roe.ru).
Nhược điểm ở đây là rõ ràng, quá trình con người hoặc phương tiện cơ động triển khai khí tài được đánh giá là vất vả và mạo hiểm khi họ là mục tiêu ưu tiên của các đơn vị chuyên đối phó với hỏa lực chính xác của đối phương.
Phương pháp để khắc phục nhược điểm nói trên đó là trên là đồng bộ hóa hoạt động của khí tài định tầm và chiếu bắn, hệ thống liên lạc và hỏa lực - thông qua một đường dây liên lạc được mã hóa, giúp nhanh chóng chuyển phát lệnh "khai hỏa" từ khí tài tới pháo.
Tại khu vực mục tiêu, một bộ đếm ngược sẽ hoạt động từ thời điểm đạn được khai hỏa và sau đó từ 1-3 giây khí tài định tầm và chiếu bắn sẽ chiếu tia laser để hướng đạn đến mục tiêu.
Thời gian chiếu laser ngắn sẽ làm tăng cơ hội sống sót của con người lẫn phương tiện vận hành khí tài định tầm và chiếu bắn.
Không những vậy, nó còn giúp nhanh chóng tiêu diệt sinh lực hoặc cơ giới có khả năng cơ động nhanh của đối phương - ví dụ như một chiếc xe tăng được trang bị hệ thống cảnh báo laser có thể xả một đám khói đen và thậm chí là khai hỏa vào vị trí khí tài định tầm và chiếu bắn.
Đồ họa miêu tả đồng bộ hóa hoạt động của máy chỉ thị mục tiêu laser, liên lạc và pháo.
Một nhược điểm khác đó là mặc dù có khả năng hiệu chỉnh nhưng đạn pháo vẫn chủ yếu bay theo đạn đạo - tức là những đám mây thấp sẽ cản trở việc đạn phát hiện tia laser chỉ thị mục tiêu. Vì vậy, điều kiện thời tiết tốt nhất để sử dụng đạn pháo hiệu chỉnh là khi trời quang.
Đạn pháo hiệu chỉnh cũng kém chính xác hơn so với đạn pháo có điều khiển. Trung bình vòng tròn tản mát (CEP) của "Daredevil" và "Centimet" là từ 0,8 đến 1,5 mét (ở đạn có điều khiển "Krasnopol" là 0,7 - 0,8 mét).
Như vậy là với một số mục tiêu nhỏ và được bảo vệ tốt - có thể cần không phải 1 mà là 2 hoặc 3 đạn loại này.
Tuy nhiên cách tính này có lẽ sẽ không áp dụng với đạn nổ mạnh phá mảnh 240 mm "Smelchak" - thứ nặng 135 kg và có thể mang theo 32 kg thuốc nổ vào công sự đối phương ở khoảng cách từ 3,2 đến 9,2 km.
Cối tự hành 240mm 2S4 Tyulpan có thể khai hỏa đạn hiệu chỉnh di chuyển ở Mariupol, Ukraine.
Quá khứ và tương lai
Đạn pháo hiệu chỉnh được Liên Xô phát triển vào đầu những năm 1980 - đây được gọi là công nghệ RCIC.
Các đại diện nổi tiếng nhất của loại đạn này là đạn cối hạng nặng 240 mm "Daredevil" và đạn lựu pháo 152 mm "Centimet".
Bản chất của RCIC là thay đổi quỹ đạo bay của đạn do khí thuốc được đốt cháy được phun ra ở phương vuông góc với trục của đạn. Các vị trí phun khí thuốc được đặt ở đuôi đạn -Centimet có 2 vị trí còn Daredevil có 3 - chúng có giá thành rẻ nhất trong số các loại đạn "thông minh".
Không giống như đạn pháo có điều khiển, đạn pháo hiệu chỉnh không yêu cầu con quay hồi chuyển (thiết bị dùng để đo đạc hoặc duy trì phương hướng) phức tạp bên trong thân.
Việc chuẩn bị khai hỏa cũng rất nhanh - thực tế là chỉ cần chọn thời gian khí tài định tầm và chiếu bắn bật tia laser (1–3 giây) và chế độ của ngòi nổ (nổ ngay lập tức hay nổ chậm).
Các loại đạn hiệu chỉnh hiện có trong trang bị của Quân đội Nga (Nguồn: Bách khoa toàn thư thế kỷ XXI - Vũ khí và công nghệ của Nga.)
Đối với xe tăng, đạn pháo hiệu chỉnh 125 mm Sokol-1 cho phép xe tăng bắn chính xác vào mục tiêu ở khoảng cách lên đến 12 km (thiết bị chỉ thị mục tiêu ở bên ngoài xe tăng). Theo một số nguồn tin, loại đạn thế hệ tiếp theo Sokol-V đang ở giai đoạn phát triển.
Có lẽ phần cuối cùng của bài viết sẽ về đạn pháo hiệu chỉnh 152 mm "Centimet".
Trái "Centimet" đầu tiên được đưa vào sử dụng là vào đầu những năm 1980 và ở chiến trường Afghanistan. Quả đạn ấn tượng này khi đó dài 1,2 mét, nặng gần 50 kg và được nạp 8,5 kg thuốc nổ.
Ở biến thể Centimet-M tiếp theo - chiều dài đạn được rút ngắn còn 0,94 mét, trọng lượng giảm xuống 43 kg, nhưng lượng thuốc nổ lại tăng lên 12 kg.
Tùy thuộc vào loại đạn và hệ thống pháo, tầm bắn của "Centimet" có thể thay đổi từ 12 đến 20 km. Một biến thể 155 mm (đạn lựu pháo thông dụng của NATO) được đặt tên là Centimet-1M cũng đã ra đời để xuất khẩu.
Có thể thấy đạn hiệu chỉnh đang, đã và sẽ được Quân đội Nga phát triển và sử dụng tích cực trên chiến trường.
Tương lai đang rộng mở với đạn hiệu chỉnh - đây là thứ vũ khí khá phù hợp với các yêu cầu quân sự của Nga - đó là chỉ phá hủy các mục tiêu quân sự và điều đó được thực hiện với lượng đạn tiêu thụ tối thiểu.
Một đồ họa miêu tả đạn pháo hiệu chỉnh 125 mm Sokol-1.