(Tổ Quốc) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng ông không ủng hộ việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng. Điều này khiến người dân phải đóng 2 lần thuế, tạo gánh nặng cho nhiều người.
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi không ủng hộ việc đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng” (Nguồn: Internet) |
Cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở của Bộ Tài chính là không hợp lý. Một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng phải phù hợp với chủ trương của Chính phủ là giúp người dân có nhà ở. Hiện, nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không?
Nguyên tắc thứ hai là phải công bằng.
Dựa trên 2 nguyên tắc này, TS Trí Hiếu cho rằng đánh thuế đối với nhà ở ngay từ căn nhà đầu tiên là không hợp lý, đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân
“Việc đóng thuế chỉ áp dụng đối với những căn nhà trị giá 700 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, những ngôi nhà dưới 700 triệu đồng toàn là ở những vùng nông thôn, xa xôi. Điều này đồng nghĩa với những ai sở hữu nhà tại đô thị đều phải đóng thuế. Mà đóng thuế trên giá trị tài sản thì rất lớn. Ngoài ra, giá trị tài sản là căn nhà xây dựng trên đất đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.Vậy nên tôi đề nghị chỉ nên đóng thuế sử dụng đất!”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc thu thuế là cần thiết nhưng phải hợp lý. Và quan trọng hơn là sử dụng tiền thuế như thế nào để hiệu quả.
“Chính sách thuế gồm đầu vào và đầu ra. Việc tăng thuế chỉ là “đầu vào” trong khi người dân muốn biết về “đầu ra”, để xem việc sử dụng thuế hiệu quả như thế nào? Quan trọng là sử dụng thuế hiệu quả chứ không chỉ cứ gia tăng đầu vào”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, một số chuyên gia khác cũng nhận định thuế tài sản là một sắc thuế phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng thì cũng cần có lộ trình. Thuế suất đưa ra phải được tính toán kỹ bởi việc thu thuế tài sản ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của người dân.
Ủng hộ việc đánh thuế tài sản song Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu xét về cách thức, đối tượng… theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính thì lại là “ngược đời” vì người dân sẽ phải chịu cảnh “thuế nặng”.
"Ở Hà Nội, nhiều người đang ở trong những căn nhà 2-3 tỷ đồng nhưng cũng nghèo xơ xác, chẳng có nguồn thu nhập gì...". (Ảnh: Nam Nguyễn). |
“Ở Hà Nội, nhiều người đang ở trong những căn nhà 2-3 tỷ đồng nhưng cũng nghèo xơ xác, chẳng có nguồn thu nhập gì. Nhiều người về hưu đang còn phải chắt chiu từng đồng… thì lấy đâu ra tiền đóng thuế”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Ông Đức cũng bày tỏ quan điểm thêm rằng, quan trọng hơn cả vẫn là cách sử dụng tiền thuế sao cho hiệu quả chứ không phải cứ thu thật nhiều. Người dân “dù phải nộp thuế nhưng sử dụng toalet công cộng vẫn phải nộp tiền, gửi xe vẫn phải nộp tiền... “.
Vì thế, theo vị luật sư này, việc đóng thuế tài sản cần phải có lộ trình, phải được bàn thảo và cân nhắc kỹ lưỡng.
“Và quan trọng là phải xác định rõ đối tượng đóng thuế. Đặc biệt, cần miễn thuế, miễn giảm cho các đối tượng chính sách, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…”./.
Hà Giang