(Tổ Quốc) - Các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam sẽ là ứng cử viên sớm nhất cho "bong bóng du lịch" quốc tế khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới.
Vừa qua, bất chấp những tác động tiêu cực do Covid-19 lên hợp tác quốc tế, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và chính quyền Bang Tây Úc đã ký kết trực tuyến Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai địa phương. Đây là dấu hiệu tích cực cho mối quan hệ gắn bó giữa hai bên.
Chuyên gia phân tích tại Trung tâm Perth USAsia , Đại học Tây Úc, ông Kyle Springer cho biết Bà Rịa-Vũng Tàu có thể mở ra nhiều cơ hội kinh tế cho địa bàn bang Tây Úc.
Bà Rịa-Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc vùng Đô thị Thành Phố Hồ Chí Minh. Theo ông Kyle Springer, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn chưa được "dập" hoàn toàn, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nền kinh tế châu Á được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng tích cực vào năm 2020.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Úc là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn cuối những năm 1980.
Ngay từ năm 1994, BHP đã có các dự án kinh doanh dọc theo sông Thị Vải, qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngày nay, nhiều doanh nghiệp Úc đã có mặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Ví dụ, tập đoàn Interflour có nhà máy sản xuất mạch nha Intermalt tại khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 2017. Bên kia vịnh, Công ty Austal đã mở một xưởng đóng tàu vào năm 2018.
Ngoài ra, nhu cầu về khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) của Việt Nam trong ngành công nghiệp sản xuất điện ngày càng tăng cao. Hiện nay, ngành nhập khẩu LNG còn "non trẻ" này đang tập trung chủ yếu ở Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận.
Tháng 6/2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hợp tác với Samsung C&T (Hàn Quốc) xây dựng một trong những cảng khí đầu tiên của Việt Nam trên sông Thị Vải. Bến sẽ cung cấp máy phát điện cho tỉnh Đồng Nai lân cận.
Theo chuyên gia, những phát triển trong khu vực sẽ càng ngày phù hợp với mục tiêu mở rộng kinh doanh đối với các doanh nghiệp Úc.
Căng thẳng thương mại Mỹ Trung cũng đã thúc đẩy nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng của Úc. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Úc đều lựa chọn chuyển đổi định hướng thương mại sang tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển nhanh khu vực Đông Nam Á.
Ông Kyle Springer nhận định Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng của Úc trong quá trình chuyển đổi này.
Đặc biệt, các hiệp định thương mại như AANZFTA, CPTPP và RCEP đều có sự góp mặt của hai bên Việt Nam và Úc. Các hiệp định này đã mở rộng 'cánh cửa' hội nhập giữa hai bên, cụ thể bao gồm việc xoá bỏ hàng rào thuế quan, các khuôn khổ đầu tư mới và các yêu cầu pháp lý mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng sau khi có các chính sách phù hợp, cần phải tìm cách thu hút doanh nghiệp, xây dựng kết nối và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Mặc dù Covid-19 đã làm chậm quá trình này, nhưng khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới, Việt Nam được xem là ứng cử viên sớm nhất cho "bong bóng du lịch" quốc tế do những thành công nhất định trong việc kiểm soát làn sóng dịch bệnh đến thời điểm hiện tại.
Đây sẽ là chìa khoá kích hoạt mối quan hệ giữa hai bên bằng việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.