(Tổ Quốc) - Câu chuyện hy hữu và éo le trên xảy ra tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Những tưởng xưa nay hổ dữ cũng không ăn thịt con, vậy nhưng câu chuyện này lại cho người ta một góc nhìn khác. Giữa đạo lý, tình cảm và sức mạnh của đồng tiền, để đem ra xem cái nào mạnh hơn quả là điều không dễ.
Lá đơn của bà Đào Thị Hòa gửi tới báo điện tử Tổ Quốc
Có chồng hờ hững cũng như không
Số phận và cuộc đời của người đàn bà ngoài sáu mươi đang ngồi trước mặt tôi có thể tóm ngọn trong hai chữ "đắng cay". Ở vào cái tuổi đáng nhẽ ra bắt đầu có thể được an nhàn, thì hàng ngày bà vẫn phải bươn chải ngược xuôi chạy chợ và đáng buồn hơn là còn phải "chạy theo đơn kiện của đức ông chồng".
Sở dĩ lại gọi là đức ông chồng, bởi bà và người đàn ông đó đã chính thức không còn là vợ chồng hợp pháp kể từ năm 2014. Tuy nhiên, trên thực tế thì bà có chồng mà cũng như không đã từ cách đây gần 30 năm.
Câu chuyện giữa tôi và bà Đào Thị Hòa thi thoảng lại bị đứt quãng bởi những cơn ho dai dẳng. Được biết bà Hòa vừa mới xuất viện trở về nhà để kịp "trát" hầu của tòa – Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, nơi thụ lý giải quyết vụ chia tài sản sau ly hôn theo đơn kiện của ông Phan Văn Pẩu (chồng cũ của bà Hòa).
Theo lời kể của bà Hòa, bà quê mãi tận Bắc Ninh, năm 1982, gặp gỡ và tiến tới hôn nhân với ông Phan Văn Pẩu. Qua quá trình sinh sống, vợ chồng bà đã có được với nhau tới 4 mặt con (hai trai, hai gái). Tuy nhiên, từ năm 1991, ông Phan Văn Pẩu đã tự ý bỏ nhà đi theo một người phụ nữ khác, bỏ mặc vợ con. Suốt từ đó cho đến nay (gần 30 năm), mặc dù chỉ sống cách vợ con khoảng 4, 5km, nhưng ông Pẩu đã coi như không có vợ và 4 người con của mình, để mặc nhiên sống như vợ chồng với lần lượt hai người phụ nữ khác (một người sau đó đã bỏ đi).
Năm 2014, ông Pẩu quay trở về nhà, nhưng không phải để gia đình đoàn tụ mà là để đòi làm thủ tục ly hôn. Trước đó, ông Pẩu cũng đã nhiều lần đòi ly hôn, nhưng với mong muốn các con có đủ cả bố và mẹ nên bà Hòa đã không đồng ý và luôn tâm niệm "rồi sẽ có ngày ông ấy quay trở lại".
Gần 30 năm bỏ nhà ra đi là chừng ấy thời gian ông bỏ bẵng con cái, không nhòm ngó tới. Những tưởng vợ chồng không còn tình thì cũng còn cái nghĩa và còn phải có trách nhiệm lo cho con cái. Vậy nhưng, chừng ấy thời gian, một tay bà Hòa phải chạy chợ, ngược xuôi để nuôi dạy 4 người con. Rồi lần lượt dựng vợ, ngả chồng cho 3 người con. Tất cả những lần ấy, ông Pẩu dù được các con tìm đến nhưng đều không xuất hiện để đứng ra làm tròn bổn phận của bậc làm cha, làm mẹ, lo dựng vợ, gả chồng cho con cái.
Thiếu sự bảo ban của người cha, nên dù cho bà Hòa đã cố gắng nuôi dạy, nhưng người con trai cả của vợ chồng bà đã vướng phải vòng lao lý. Nay, sau khi hoàn thành nghĩa vụ với pháp luật, đã được trở về với gia đình nhưng hiện vẫn chưa có công ăn việc làm ổn định nên bà Hòa vẫn phải lo toan.
Bản án còn nhiều dấu hỏi
Trụ sở của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình
Từ năm 1991, bỏ mặc vợ cùng 4 người con bơ vơ, ông Phan Văn Pẩu đã chuyển đến khu trang trại Nà Mướp (khu đất này trước đây của người Hoa, sau năm 1979, họ về nước, bà Hòa và ông Pẩu vào sử dụng và khai phá thêm, đào ao, thả cả, trồng cây ăn quả…). Cùng với đó, ông cũng "chặn luôn" mọi người sống của vợ con. Cụ thể là vợ chồng ông có khối tài sản chung gồm căn nhà số 52 , 47 và lô đất số 33 tại thị trấn Lộc Bình. Sau khi bỏ nhà ra đi, ông Pẩu chỉ để lại cho vợ con ngôi nhà số 52, còn ông quản lý và sử dụng số đất đai, nhà cửa còn lại…Ông Pẩu đã tự ý bán một nửa diện tích đất tại lô 44 (nay là số nhà 44, thị trấn Lộc Bình). Sau đó, ông này cho xây dựng ngôi nhà 2 tầng tại diện tích còn lại và cho thuê nhà cùng lô đất 33 để lấy tiền và một mình sử dụng, quản lý số tiền ấy trong suốt những năm qua.
Năm 2016, khi người con trai út của bà Hòa lấy vợ và muốn chuyển ra ở riêng vì tại ngôi nhà số 52 mà bà và các con sinh sống trước đây nay đã quá chật chội, hơn nữa lại còn người anh trai chưa lấy vợ, nên việc chung sống một nhà rất bất tiện…Vì thế, người con trai út này đã đến gặp để đặt vấn đề với bố của mình (ông Pẩu) xin được chuyển về ngôi nhà số 47 nhưng ông Pẩu không đồng ý. Thời điểm đó, ông Pẩu đang cho người cháu thuê ngôi nhà này. Sau khi người cháu này trả lại nhà, vợ chồng người con trai út của ông đã chuyển về đó để sinh sống. Lúc này, ông Pẩu làm đơn kiện ra tòa đòi chia tài sản và quyết lấy lại ngôi nhà 47, chứ nhất định không đồng ý cho vợ chồng con trai sinh sống ở đó.
Trở lại với phiên tòa xét xử ly hôn của hai vợ chồng ông Pẩu bà Hòa năm 2014. Vào thời điểm đó, theo lời bà Hòa hai vợ chồng bà đã thỏa thuận để lại toàn bộ tài sản chung như nhà ở, đất vườn, đất ruộng cho con cái, chính vì vậy đã không xử phân chia tài sản mà chỉ tiến hành xử ly hôn.
Nay, ông Pẩu làm đơn ra tòa kiện và đòi xử phân chia tài sản. Theo đó, ông Pẩu tự nhận toàn bộ các tài sản nhà, đất, ruộng vườn trước kia của hai vợ chồng gây dựng nên, một phần do ông cha để lại là tài sản riêng của mình. Chỉ để cho bà Hòa cùng 4 người con ngôi nhà cấp 4 số 52 khu nhà thờ thị trấn Lộc Bình có diện tích (77,5m2)
Ngày 20/11 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình đã tiến hành xét xử và tuyên án, phần thắng thuộc về ông Pẩu.
Với bản án này,vợ chồng người con trai út của bà Hòa sẽ phải ra đường để trả lại nhà cho bố đẻ của mình. Khu trang trại Nà Mướp trước đây là tài sản chung của hai vợ chồng, nay được "hô biến" thành đất của ông bà ông Pẩu để lại.
Có mặt chứng kiến tại phiên tòa này mới thấy sự "bất lực" của công lý và lẽ phải. Mặc dù bà Hòa đã có ý kiến xác nhận của nguyên chủ nhiệm HTX về nguồn gốc đất của khu trang trại Nà Mướp đúng là đất của người Hoa và do vợ chồng bà Hòa khai phá thêm …nhưng tại phiên tòa, nó vẫn bị "bẻ cong" thành đất của ông bà bên ngoại ông Pẩu để lại.
Một điều trớ trêu nữa tại phiên tòa này, khi vị thẩm phán đặt câu hỏi về năm mất của bố ruột ông Pẩu là năm nào, thì bản thân ông Pẩu cùng 4, 5 người em gái, em trai khác có mặt tại phiên tòa đều không nhớ nổi. Người thì nói năm này, kẻ nói năm kia….Vậy nhưng lại đều "vanh vách" việc được ông bà, để lại khu đất tại trang trại Nà Mướp này.
Phiên tòa đã khép lại, bản án đã tuyên, mặc dù còn nhiều dấu hỏi đặt ra cho phiên tòa cùng bản án này. Pháp luật thì đã xử về mặt lý, còn xét về góc độ cái tình thì sao? Một người bố sau gần 30 năm bỏ nhà gia đình theo nhân tình, nhân ngãi, bỏ mặc vợ con "sống chết" không quan tâm. Nay quyết kiện đòi đất, đòi nhà để đẩy con trai, con dâu và cháu nội ra cảnh màn trời, chiếu đất. Chuyện tưởng đùa, nhưng lại là thật, một sự thật khiến người trong cuộc không khỏi đau lòng và những người biết chuyện không khỏi xót xa ái ngại./.