(Tổ Quốc) - Tục thờ “thần cẩu” dưới hình dạng một chú chó đá không phải là hiếm gặp, ở Thừa Thiên – Huế hiện tại vẫn còn nhiều ngôi làng duy trì nét văn hóa độc đáo này.
Nếu những linh vật ngoại lai được dùng để gác cửa tại các công sở, di tích, đền chùa dần bị loại bỏ, di dời thì ở nhiều địa phương tục thờ chó đá vẫn được người dân gìn giữ. Nhiều nơi người dân còn kính cẩn gọi là linh khuyển, thần cẩu, thiên cẩu.. Chúng tôi đã có dịp tìm về những làng quê ở Thừa Thiên – Huế để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo này.
Giai thoại về “thần cẩu” làng Bao La
Nằm cách TP. Huế chừng 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) không chỉ nức danh về nghề đan lát truyền thống. Nơi đây còn nổi tiếng về tục thờ “thần cẩu” với những giai thoại kỳ bí.
Những ai lần đầu đến làng Bao La ắt hẳn sẽ tò mò về một ngôi miếu nhỏ nằm khuất sau lũy tre già bên cạnh con đường vào làng. Ngôi miếu rộng chừng 9m2 này là nơi đang thờ tượng “thần cẩu”, một linh vật bao đời nay rất được người dân làng Bao La xem trọng.
Miếu thờ thần cẩu nằm bên con đường vào làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế). |
Theo quan sát, tượng “thần cẩu” được làm bằng đá cao khoảng 70cm, bề ngang khoảng 50cm và nặng chừng 40kg. Bức tượng được dân làng kính cẩn đặt trên bệ cao trong tư thế ngồi uy nghi bệ vệ, mặt hướng ra cánh đồng của làng nơi con sông Bồ chảy qua.
“Thần cẩu” có dáng ngồi nhổm khoan thai, trên cổ đeo một tấm bài to bằng bàn tay của người lớn. Trên miếu thờ có ba chữ Hán tạm dịch là “Thiên Cẩu Thần”. Dân làng Bao La tin rằng, tấm bài này chính là tín vật được Ngọc Hoàng phái thần xuống để giúp đỡ dân làng.
Người dân làng Bao La không ai rõ miếu “thần cẩu” có từ bao giờ, chỉ biết ngôi miếu này đã gắn liền với cuộc sống của dân làng qua rất nhiều thế hệ. Theo lời kể của những vị cao niên, nguồn gốc của miếu thờ “thần cẩu” cũng gắn liền với những giai thoại hết sức kỳ bí.
“Thần cẩu” làng Bao La được tạc bằng đá, cổ đeo lệnh bài ngồi uy nghị, bệ vệ giữa ngôi miếu. |
Tương truyền, hơn 500 năm trước làng Bao La từng gặp phải hạn hán kéo dài khiến ruộng vườn khô cạn, mất mùa liên miên. Dân làng Bao La ngày đó dù đã dùng mọi cách nhưng không tìm ra nguồn nước. Thế rồi tưởng chừng như tuyệt vọng, trong một lần đào giếng dân làng phát hiện một vật bằng đá hình thù giống một chú chó nằm sâu dưới lòng đất. Kỳ lạ là khi đưa vật này lên thì mạch nước xuất hiện giúp dân làng thoát khỏi đại nạn.
Cho rằng bức tượng chó đá là vị thần được phái đến để giúp đỡ, bảo vệ cuộc sống bình an cho làng, người dân đã lập miếu, làm lễ rước tượng vào để thờ. Miếu “thần cẩu” đã xuất hiện từ đó.
Ông Nguyễn Văn Kỳ (86 tuổi, người dân làng Bao La) cho biết, dân làng cũng truyền tai nhau về giai thoại có một lần tất thảy gia súc trong vùng bị bệnh dịch lạ. Quá sợ hãi, người dân mới đến miếu “thần cẩu” để khấn cầu.
Ngay đêm đó trong làng xuất hiện một con chó trắng, nó vừa chạy vừa sủa quanh làng, hai chân trước vờn lên như đang chiến đấu với kẻ thù. Đến sáng hôm sau thì bệnh dịch bỗng nhiên chấm dứt. Từ đó trở đi mỗi khi có dịch bệnh, đau ốm người dân tin rằng đến miếu “thần cẩu” thành tâm cầu xin thì sẽ được thần phù hộ cho sớm tai qua, nạn khỏi.
“Thực hư của những giai thoại không biết như thế nào nhưng thần cẩu được người dân ví như vị thần trấn giữ làng, vậy nên người dân ở đây rất tôn kính. Hàng tháng cứ vào dịp mười bốn, ngày rằm, ngày 30 và mồng 1 (Âm lịch) người dân thay nhau hương khói, quét dọn miếu thờ sạch sẽ. Thói quen này đã được dân làng gìn giữ bao đời nay”, ông Kỳ nói.
Ông Nguyễn Văn Kỳ kể những giai thoại về “thần cẩu” làng Bao La mà mình được thế hệ trước truyền tai lại. |
Nét văn hóa tâm linh độc đáo
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, trong quan niệm của người Việt xưa thì chó là loài vật gần gũi, trung thành và mang lại nhiều may mắn. Nghe tiếng sủa của chó thì ma quỷ không dám đến gần nhà, vậy nên nhiều địa phương có tục thờ “thần cẩu” hoặc đặt tượng chó đá trước cổng như một linh vật để cầu phúc, trừ tà.
Dân gian xưa cũng quan niệm chó nhổm dậy mừng rỡ mỗi khi có người học trò đi qua là điềm báo cho người đó biết rằng kỳ thì sắp tới sẽ đỗ đạt cao. Vì vậy nhiều người cũng tin rằng việc thờ “thần cẩu” là cầu may mắn trong khoa danh, thi cử.
Ở Thừa Thiên – Huế, tục thờ “thần cẩu” không chỉ có ở làng Bao La mà còn xuất hiện ở một số làng quê khác như tại làng Phổ Trung và Phổ Đông (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Tại hai ngôi làng này, tượng “thần cẩu” cũng được đặt ngay ở đầu xóm. Miếu thờ cũng có mái che, có bát nhang và được người dân hương khói đàng hoàng.
Những bậc cao niên trong làng Phổ Trung cho hay, ngày xưa do các điện thờ linh thiêng của làng đối diện chiếu qua nên trong làng ít có người đỗ đạt, thành danh. Để phá thế chiếu của làng bên mà dân làng thỉnh “thần cẩu” về thờ. Ngoài ý mong cầu con em trong làng học hành đỗ đạt cao còn là để nhờ ngài trấn giữ, bảo vệ cho làng.
Miếu thờ thần cẩu ở làng Phổ Đông (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế). |
Ban đầu, tượng “thần cẩu” chỉ là phiến đá lớn được tạo hình sơ sài. Về sau khi có điều kiện, miếu và tượng “thần cẩu” đã được người dân tu bổ, tạo hình mới với dáng vẻ đẹp hơn.
Cũng như người dân làng Bao La, mỗi năm đến dịp cúng xóm hay ngày rằm, lễ tết, người dân trong làng Phổ Trung hay Phổ Đông thường đến miếu kính cẩn thắp hương, cúng dâng các lễ vật như xôi, gà, hoa quả.
“Việc dựng miếu xong có nhiều người đỗ đạt hay không không biết sử sách ghi chép thế nào. Thế nhưng những thế hệ sau này tôi thấy cũng có nhiều người thành danh, đó là cũng điều đáng vui mừng”, một người dân sống cạnh miếu thờ “thần cẩu” làng Phổ Trung chia sẻ.
Ngày nay, tục thờ “thần cẩu” ở các địa phương được thể hiện dưới nhiều hình thức. Tuy xuất phát từ những giai thoại, những câu chuyện khác nhau nhưng ý nghĩa của việc thờ “thần cẩu” là khá tương đồng.
Dù đến nay chưa thể lý giải một cách xác đáng tính hiệu quả và sự linh thiêng của tục thờ “thần cẩu” nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một nét văn hóa tâm linh độc đáo đã được người dân gìn giữ qua dòng chảy thăng trầm của thời gian.
Lê Chung – Đức Hoàng