(Toquoc)-Doanh nghiệp và ngành thuế, hải quan vẫn mê mải đi tìm tiếng nói chung, nhưng...
(Toquoc)- Tại hội nghị đối thoại chính sách thuế và hải quan do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/6, như những lần tổ chức trước, hàng loạt kiến nghị, bức xúc lại được dịp “bung ra”.
Điểm nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ ra nhất vẫn là sự bất cập, thiếu đồng bộ giữa chính sách với thực tế. Ông Phí Văn Cương (Công ty Electronic Việt Nam) dẫn ra một ví dụ rằng dù đã áp dụng hải quan điện tử, giúp DN giảm được nhiều thủ tục, giấy tờ nhưng ngân hàng, thuế, kiểm toán vẫn yêu cầu những giấy giấy tờ đã giảm đi đó. Bên cạnh đó, dù khuyến khích thương mại điện tử nhưng DN vẫn được yêu cầu cung cấp giấy tờ gốc khi mua bán với DN nước ngoài qua email, fax.
Khai thuế, quyết toán thuế vẫn có nhiều điểm vênh giữa DN và cơ quan thuế (Ảnh minh họa)
Hay như trường hợp mà ông Nguyễn Cảnh Tuấn (tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Trà- chuyên nhậpkhẩu ô tô vận tải) đưa ra cũng là một minh chứng sống động cho thấy sự không đồng nhất trong cách thực thi, vận dụng chính sách của cả phía làm chính sách và phía thực thi chính sách. Đó là trường hợp cùng một loại ô tô DN nhập về, Hải quan Quảng Ninh áp thuế 10%, Hải quan Lạng Sơn áp 20% (?). Chưa dừng lại ở đó, sau khi kiến nghị vấn đề này lên Bộ Tài chính, tuy con mức thuế đã được thống nhất là 10% nhưng lại xuất hiện tình trạng có DN được hoàn số thuế chênh lệch, có DN lại không.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, chính sách vĩ mô tiếp tục được cải tiến theo hướng hạ mức thuế suất thu nhập DN từ 28% xuống còn 25%; bỏ thuế suất luỹ tiến để áp dụng thống nhất mức 25% đối với thu nhập từ bất động sản; mức khống chế về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại được điều chỉnh lên 15%... |
Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại quốc tế CDC bức xúc cho biết DN này "vướng" nhiều tình huống cụ thể, đặc biệt về chính sách thuế, nhưng câu trả lời của Bộ Tài chính chưa sát, thậm chí trả lời xong thì "sự đã rồi".
Đại diện của Ngân hàng BIDV lại phản ánh thực tế có những tình huống, khi DN hỏi một vấn đề nhưng mỗi cấp trả lời một cách khác nhau. Đã có DN đành dùng chiêu “ai to hơn thì áp dụng”. Chính vì vậy, vị đại diện này đề nghị, Bộ Tài chính nên có cơ chế phân cấp trong quản lý và đặc biệt phải có một kênh quản lý để việc trả lời được thống nhất.
Thừa nhận những vướng mắc trên là có thật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, vì việc giảm thủ tục cần có sự phối hợp giữa các bộ/ngành, vượt thẩm quyền của Bộ Tài chính nên hiện cơ quan này chỉ có thể kiến nghị điều chỉnh mà thôi.
Ông Tuấn cũng lý giải việc đưa ra chính sách và vận dụng vào thực tiễn lâu nay vẫn “lệch pha” còn do nhiều nguyên nhân trong đó có việc bản thân các DN cũng thờ ơ trong việc đóng góp để các chính sách thuế, hải quan thêm hoàn thiện (thuế giá trị gia tăng, sau hai tháng trưng cầu ý kiến mới nhận được ba ý kiến của DN…). Theo ông Tuấn, việc đóng góp ý kiến là phương cách tốt nhất và cũng là vấn đề DN cần quan tâm để chính sách đưa ra tốt hơn, phục vụ cho chính cộng đồng DN./.
Dao Trì