(Tổ Quốc)- Những câu chuyện của một thời, chuyện về sáng tác, chuyên về tác phẩm... vừa được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ với bạn bè và độc giả yêu mến các tác phẩm của ông.
(Tổ Quốc)- Những câu chuyện của một thời, chuyện về sáng tác, chuyên về tác phẩm... vừa được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ với bạn bè và độc giả yêu mến các tác phẩm của ông.
Các diễn giả tham gia tọa đàm (từ trái sang): nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Phạm Toàn, nhà phê bình Mai Anh Tuấn
Nhân dịp cuốn sách Chuyện ngõ nghèo của tác giả Nguyễn Xuân Khánh được xuất bản, Công ty Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace đã tổ chức tọa đàm Chuyện của một thời tại Thư viện L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: tác giả Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Châu Diên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình Mai Anh Tuấn. Ngoài ra, nhiều nhà văn đã tới dự chương trình như nhà văn Trung Trung Đỉnh, dịch giả Dương Tường, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Phụ Nữ Khúc Thị Hoa Phượng, Phó Giám đốc công ty Nhã Nam Vũ Hoàng Giang…
Nói đến nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, độc giả sẽ nhắc ngay tới các tác phẩm như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa… đoạt được nhiều giải thưởng lớn. Ông cũng được cho rằng là một nhà văn có nhiều bản thảo viết từ những thời gian khó.
Buổi tọa đàm được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói vui là một vụ “mổ lợn”, con lợn này đã được nuôi tận hơn 30 năm, tác phẩm được viết ra những năm 1981-1982 nhưng đến tháng 10/2016 mới được ra mắt với tên Chuyện ngõ nghèo. Nói về tác phẩm của mình, tác giả chia sẻ rằng ông viết tác phẩm bắt đầu từ tên tác phẩm và từ đó, những liên tưởng kết nối với nhau đã tạo ra cuốn sách. Tác phẩm cũng được nhà văn giải thích là viết theo phong cách chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt vì phản ánh thực tại xã hội thực tế đời sống. Buổi tọa đàm là những chia sẻ hết sức chân thật của tác giả về hoàn cảnh sáng tác, về những thăng trầm theo thời gian và biến cố cho đến khi cuốn sách được chính thức xuất bản với cái tên gọi mới Chuyện ngõ nghèo. Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác phẩm này được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất, là câu chuyện gợi nhớ Hà Nội những năm tháng khốn khó, người người phải nuôi lợn để mưu sinh. Những tiếng ụt ịt vang lên ở dưới gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể hai mươi mét vuông khắp nơi. Hài hước mà rờn rợn, câu chuyện là một cuộc giễu nhại lớn, đưa ra một cật vấn đau đáu về ‘chất lợn’ ấy trở lên lây lan ô nhiễm…
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tác phẩm "Chuyện ngõ nghèo"
Trong buổi tọa đàm nhà văn Châu Diên- người bạn thân thiết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh- cũng đã chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả; nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cũng đưa ra những ý kiến đánh giá khách quan của mình về tác phẩm Chuyện ngõ nghèo nói riêng cũng như văn phong qua các tác phẩm khác của Nguyễn Xuân Khánh nói chung.
Nhà phê bình trẻ Mai Anh Tuấn cho rằng đây là tác phẩm rất quan trọng trong sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Việc sử dụng lối viết cắt dán, một sự xếp chồng các văn bản khác nhau, cụ thể viết cuốn sách theo dạng nhật ký, theo ngày tháng, và tác giả của cuốn nhật ký tên là Nguyễn Hoàng, đã qua việc nuôi lợn để viết về những vấn đề lớn hơn về đời sống xã hội, về thể chế thời bấy giờ…; sử dụng những chi tiết nghiên cứu, khảo cứu để qua đó biến tiểu thuyết hư cấu thành tiểu thuyết có tính chất khảo cứu. Đây là một lối viết độc đáo, mới mẻ, vượt lên so với các tiểu thuyết đương thời lúc bấy giờ. Cái hay của tiểu thuyết còn thể hiện ở việc tác giả đã sử dụng những biểu tượng, những phương thức có tính chất huyền thoại- là 2 phương thức gắn liền với văn chương hiện đại của thế giới để viết tác phẩm này.
Những chia sẻ và nhận định trong tọa đàm dường như đã mở ra một phần còn bị ‘khuất bóng’ trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà văn, nhà báo và những người yêu văn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
VK- Thu Huế