• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn tơ”: Câu chuyện bảo tồn các giá trị văn hóa cổ

12/10/2016 09:08

(Cinet) - Trở lại một buổi diễn với những người mê và yêu nghệ thuật dân gian cổ truyền Việt Nam thì “Chuyện nhạc phố cổ” với tiếng đàn tơ không cũ mà luôn tươi mới, gần gũi và thân quen.

(Cinet) - Trở lại một buổi diễn với những người mê và yêu nghệ thuật dân gian cổ truyền Việt Nam thì “Chuyện nhạc phố cổ” với tiếng đàn tơ không cũ mà luôn tươi mới, gần gũi và thân quen.

“Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” nằm trong chuỗi hoạt động văn hoá nghệ thuật của nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” được thành lập bởi NSND Ngô Xuân Hoạch, nghệ sỹ Vũ Nhật Tân, nhà nghiên cứu cổ nhạc Đàm Quang Minh và các nghệ sỹ tên tuổi, tâm huyết đã gắn bó với với nghệ thuật truyền thống dân tộc cả gần đời người.

Các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh Cổ nhạc. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Hơn một năm hoạt động vừa qua, chương trình đã làm lay động khán giả trong và ngoài nước bởi sự giản dị, mộc mạc, sự gần gũi và chạm tới sự nguyên bản âm thanh của những loại nhạc dân tộc truyền thống.



Tính nguyên bản là vậy nhưng vẫn có phần tiếc nuối, trăn trở bởi chất dân gian, thanh âm cổ ngày càng bị hiện đại hoá, chưa được bảo tồn đúng nghĩa và khán giả chưa thực sự hiểu rõ về cái gọi là "nguyên bản" vốn có còn hiện hữu. Với sự nỗ lực không ngừng cùng với tâm huyết và mục tiêu nhằm phục dựng thanh âm chất liệu cổ và quý trong nền ca nhạc cổ truyền Việt Nam đã thất truyền từ gần một thế kỷ, nhóm Đông kinh cổ nhạc vẫn tràn đầy hy vọng thông qua Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” sẽ phần nào gìn giữ lại được tính nguyên bản vốn có bằng việc phục chế lại các nhạc cụ cổ bằng dây tơ tự nhiên.

Chương trình đã làm lay động khán giả trong và ngoài nước bởi sự giản dị, mộc mạc, sự gần gũi.

Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á



Trên cả nước, các chương trình nhạc cổ đã và đang được nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn. Tuy nhiên, chương trình “Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ được diễn ra hàng tháng mang nhiều điểm khác biệt.

 

 “Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” được thiết kế trong cấu trúc âm nhạc như một câu chuyện kể nhiều chương hồi về nhạc cổ truyền thống của Việt Nam. Các trích đoạn mẫu mực của Ca Trù, Chèo, Chầu văn, Xẩm, Tuồng đan xen, tiếp nối nhau để tạo nên một dòng chảy âm nhạc mang nhiều hơi thở, màu sắc, cung bậc, cảm xúc. Chương trình đã tập hợp đông đảo các nghệ sỹ lão thành, nhiều tâm huyết với nghệ thuật dân gian truyền thống như NSND Xuân Hoạch, Thanh Hoài, Minh Gái, Mẫn Thu; NSƯT Thanh Bình, Thúy Ngần, Vũ Ngọc, Công Hưng, Mạnh Phóng, Xuân Diệu, nghệ nhân Trọng Quỳnh, nghệ sĩ Thanh Hà…

Tiết mục "Súy Vân". Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á



Tọa lạc tại khu vực náo nhiệt của phố cổ Hà Nội - nơi thu hút rất đông du khách quốc tế, giới trẻ Hà thành, Trung tâm Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ là địa điểm định kì tổ chức Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ”. Không gian diễn xướng của "Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ" là một khán phòng với kiến trúc âm thanh đặc biệt được xây trên nền của một trong những nhà hát Chèo đầu tiên tại Hà Nội - rạp Sán Nhân Đài. Với khán phòng đặc biệt này, hàng tháng luôn vang vọng những làn điệu âm nhạc xưakết hợp đa dạng của các bộ môn ca nhạc cổ truyền như được thể hiện hết sức cuốn hút bởi các nghệ sỹ dân gian nổi tiếng giàu kinh nghiệm thông qua các nhạc cụ cổ mắc dây tơ. Các nghệ sỹ trình diễn, thể hiện được âm thanh với tinh thần gốc của sân đình, chiếu làng - diễn xướng không có phóng thanh (không có bất kỳ thiết bị tăng âm nào) đã mang đến sự gần gũi, mộc mạc không còn khoảng cách giữa nghệ sỹ với khán giả.



Các lớp diễn được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể và kỹ thuật diễn xướng đặc thù của từng bộ môn với các màn trò đặc trưng như tiết mục: Hồ nguyệt cô hoá cáo (do NSND Minh Gái thể hiện); tiết mục Hề phù thuỷ do NSND Mạnh Phóng hay vai diễn Suý Vân do NSUT Thuý Ngần và Bích Liên thể hiện… Đây là những vai mẫu để đời trong cuộc đời của các nghệ sỹ này. Khi biểu diễn trên sân khấu đều nhận được sự đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt của nhiều đối tượng khán giả…

Tiết mục "Hề phù thủy" của NSND Mạnh Phóng. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á



Chúng ta biết rằng, thanh âm tiếng tơ đã là biểu tượng của âm nhạc Á Đông từ hàng ngàn năm nay. Sợi dây đàn bằng chất liệu tơ tằm tự nhiên mang đến một âm sắc đã vắng bóng trong nền ca nhạc truyền thống của Việt Nam từ gần thế kỷ nay. Sự mềm mại và ấm áp của tiếng tơ bén quyện với thanh âm của ca nhạc Việt kết nối cùng sự phong phú về tiết tấu của bộ gõ truyền thống tre, gỗ, trúc và đồng đã tạo nên một diện mạo vô cùng đặc trưng của thanh âm ca nhạc Việt cổ qua tiếng đàn Đáy ca trù, giọng hát mượt mà của các đào nương; tiếng phách sắc sảo và tiếng trống chầu đanh thép. Sợ dây tơ đã được phụng dựng dưới bàn tay tài hoa của NSND Xuân Hoạch và nhóm Đông kinh cổ nhạc. Đây cũng chính là điểm khác biệt mang lại sự thành công của chương trình nhằm phục hồi, gìn giữ một trong tám chất liệu gốc của nhạc cổ xưa.

 

Nói đến NSND Ngô Nguyễn Xuân Hoạch - ông là nhạc công hàng đầu của các cây đàn gảy của ca nhạc dân tộc (đàn Đáy - đàn Nguyệt - đàn Tam). Với niềm đam mê của mình, ông tham gia tích cực trong việc phục dựng các bộ môn ca nhạc cổ (hát Xẩm - Ca Trù); nghiên cứu và tái tạo lại được sợi dây đàn bằng tơ tằm cho một số nhạc cụ cổ.

 

Một trong những tiết mục được khán giả đón nhận nồng nhiệt đó là tiết mục Tuồng “Nguyệt cô hóa cáo” do NSUT Minh Gái thể hiện. Đây là trính đoạn Tuồng cổ Việt Nam. Cùng với sự hấp dẫn về giá trị tư tưởng, tính nhân văn sâu sắc của trích đoạn, khán giả thấy nghệ sỹ Minh Gái thể hiện kỹ thuật nhuần nhuyễn đan xen giữa hát, múa, âm nhạc, diễn xuất khi thể hiện quá trình chuyển hoá.
 

“Uồng ngàn năm thâu góp báu cầu khôn

Sẩy một chút tan tành trường phong nguyệt”….


Một trong những bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc của miền Bắc Việt Nam, thì Chèo là môn nghệ thuật tổng hợp, có sức sống lâu bền, độc đáo và phổ biến mang tính trữ tình, khôi hài với phong cách ước lệ cao với những lời ca bình dị cùng kho tàng giai điệu tiết tấu phong phú đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, giáo dục và phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần của nhân dân bởi Chèo bắt nguồn từ những làn điệu dân ca, trong các tác phẩm văn học dân gian ở vùng đồng bằng bắc bộ. Ngoài ra các làn điệu Chèo còn chịu những ảnh hưởng từ hát Văn, hát Xẩm, hát Ca trù, hát Xoan, hát Quan họ...

Các nghệ sĩ chào khán giả sau đêm diễn. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Là người có cơ hội thưởng thức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật Việt Nam tại nước ngoài, tôi không khỏi hối tiếc, bùi ngùi, trăn trở và đặt câu hỏi chưa lời giải đáp rằng: “Tại sao các bộ môn nghệ thuật cổ truyền này chưa thực sự đến được với thế giới”. Ngay tại quê hương - nơi một số bộ môn nghệ thuật dân gian từng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới của nhân loại lại chưa có nhiều cơ hội đứng trong các nhà hát lớn; được biểu diễn trong những chương trình quốc gia do Việt Nam đăng cai tổ chức… Đã là vốn cổ, đối với các nghệ sỹ trẻ, đẹp cần có đủ bản lĩnh, sự ham mê nghệ thuật dân tộc mới có thể học, để chơi nhạc cụ dây tơ, hay biểu diễn nhuần nhuyễn các tiết mục/trích đoạn cổ của các bộ môn nghệ thuật đỉnh cao quốc gia này.

 

Xuất phát từ ý tưởng bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống, nhóm các nghệ sỹ của Đông Kinh Cổ nhạc cùng sự bảo trợ của Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ đã tổ chức thành công chương trình “Chuyện nhạc phố cổ - tiếng Tơ”, tạo tiếng vang và dần trở thành món ăn tình thần của công chúng yêu mến các bộ môn nghệ thuật dân gian này.

 

Qua đây, nhóm Đông Kinh Cổ nhạc mong muốn sẽ phục dựng lại thanh âm chất liệu cổ và quý trong ca - nhạc cổ truyền Việt Nam đã thất truyền từ gần một thế kỷ nay, góp phần nâng cao hiểu biết, khơi gợi niềm đam mê, ý thức phục hồi sử dụng nhạc cụ dây tơ, hát nhạc truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Đây cũng là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn cũng như sự quan tâm, ủng hộ của khán giả khắp cả nước.



Linh Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ