• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​“Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” tháng 11: Câu chuyện của nghệ thuật chèo

10/11/2016 08:44

(Cinet)- Đến với chiếu Chèo để cảm được hết cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc và đặc biệt, nếu thuộc được một số làn điệu thì mới thấy được sức cuốn hút lạ kỳ của Chèo.

(Cinet)- Đến với chiếu Chèo để cảm được hết cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc và đặc biệt, nếu thuộc được một số làn điệu thì mới thấy được sức cuốn hút lạ kỳ của Chèo.



Những làn điệu chèo truyền thống là chủ đề của ‘Chuyện nhạc phố cổ” tháng 11. Chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 11/11 tới đây tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố Cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

NSND Mạnh Phóng với Hề chèo. Ảnh: Nguyễn Á

Chèo là kịch hát cổ truyền của nông thôn Đồng bằng Bắc bộ có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm. Tổ nghề hát chèo là bà Phạm Thị Trân, người được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu bà, nay còn đền thờ tại Ninh Bình.



Hát Chèo là loại hình nghệ thuật dân tộc có sức sống lâu bền, độc đáo và phổ biến. Nó đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, giáo dục và phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần của nhân dân nên Chèo luôn được nhân dân yêu mến, gìn giữ. Vì tất cả nhưng cung bậc tình cảm vui buồn, thương nhớ của con người đều có những nét nhạc trong Chèo để thể hiện.



Với lối hát sân khấu, hát Chèo có thể một người, có thể nhiều người hát đồng ca. Giai điệu của các làn điệu hát Chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt. Ngoài ra các làn điệu Chèo còn chịu những ảnh hưởng từ hát Văn, Xẩm, Ca trù, Xoan, Quan họ... Gắn liền với đời sống nông nghiệp từ ngàn đời nay, diễn xuất của Chèo khắc hoạ những hình tượng người Việt trong xã hội nông nghiệp rất đặc trưng và độc đáo.

NSƯT Thúy Ngần trong vai diễn Súy Vân. Ảnh: Nguyễn Á

Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong Chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Những nhân vật phụ của Chèo có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, nên hầu như không có tên riêng. Có thể gọi họ là thầy đồ, phú ông, thừa tướng, thư sinh, hề v.v...Tuy nhiên, qua thời gian, một số nhân vật như Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân đã thoát khỏi tính ước lệ đó và trở thành một nhân vật có cá tính riêng.



"Hề chèo" là một vai diễn thường có trong các vở diễn Chèo. Anh hề được phép chế nhạo thoải mái cũng như những anh hề trong cung điện của vua chúa Châu Âu. Các cảnh diễn có vai hề là nơi để cho người dân đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến hay kể cả vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã. Có hai loại hề chính bao gồm: hề áo dài và hề áo ngắn.



Chèo sử dụng tối thiểu là ba loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt, đàn nhịđàn bầu đồng thời thêm cả sáo. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trốngchũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, . Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Có câu nói "phi trống bất thành chèo" chỉ vị trí quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo. Trong chèo hiện đại có sử dụng thêm các nhạc cụ khác để làm phong phú thêm phần đệm như đàn thập lục, đàn tam thập lục, tiêu v.v...

Các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Ảnh: Minh Khánh

Chuyện hát Chèo, chuyên mục của “Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” tháng 11 sẽ kể về một câu chuyện nghệ thuật kịch hát Việt, qua những màn trò diễn mẫu mực của các vở Chèo cổ như vở Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham….) và các màn trò nhời của các bài ca nhạc đặc trưng của hát Chèo để giới thiệu với khán giả những nét đẹp văn hoá độc đáo của bộ môn nghệ thuật này.



“Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” là chương trình ca nhạc được nhóm Đông kinh cổ nhạc xây dựng với mục đích giới thiệu tổng quan về âm nhạc xưa của đất kinh kỳ, thủ đô “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”.



Chương trình bao gồm các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu của từng thể loại. Lựa chọn những trích đoạn tác phẩm kinh điển nhất, đặt trong khán phòng được xây trên nền của một trong những nhà hát Chèo đầu tiên tại Hà Nội (rạp Sán Nhân Đài, nay là Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ). Chúng tôi hy vọng mang đến cho khán giả những trải nghiệm nguyên bản và gần gũi nhất về nhạc cổ Việt Nam.



Buổi biểu diễn này hoàn toàn không dùng các phương tiện khuếch đại âm thanh. Các nhạc cụ bộ dây trong chương trình được làm từ dây tơ tằm nguyên chất - một trong những thành công trong dự án phục chế nhạc cụ truyền thống sử dụng dây tơ của nhóm Đông kinh cổ nhạc.



Với sự tham gia của các nghệ sỹ hàng đầu của nghệ thuật Chèo như: NSND Thanh Hoài, Mạnh Phóng; NSUT Thanh Bình, Thuý Ngần, Bích Liên, Vũ Ngọc Văn Chính…, chương trình chắc chắn sẽ mang đến những giây phút say mê, lắng đọng của nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng đến khán giả Thủ đô.



Linh Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ