• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ Việt - Mỹ

Thời sự 15/05/2022 12:04

(Tổ Quốc) - Ngày 14/5, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc, tại thủ đô Washington, D.C, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, các cơ quan đại diện trực thuộc Đại sứ quán; tiếp đại diện cộng đồng người Việt ở khu Bờ Đông Mỹ, thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson. Ảnh: TTXVN.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan công trình Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson. Ảnh: TTXVN.

Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và các cơ quan đại diện trực thuộc Đại sứ quán, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã có nhiều nỗ lực, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên đất nước Mỹ; đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả; gần đây nhất là chuẩn bị tốt cho chuyến công tác của Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại và Liên Hợp Quốc.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ - Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị, Đại sứ quán với vai trò đại diện cho đất nước tại Mỹ và các cơ quan đại diện, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tốt đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; Việt Nam là bạn, đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Chung tay vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Mỹ ngày càng đơm hoa, kết trái; có lợi cho nhân dân hai nước và cho hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới. Trước mắt, cần triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận giữa hai nước sau chuyến công tác này.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã có nhiều nỗ lực, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước - Ảnh: VGP.

Thông báo với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện, Thủ tướng cho biết, năm 2021 cũng như tình hình chung của thế giới, Việt Nam gặp không ít khó khăn do đại dịch COVID-19. Nhưng nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của toàn dân, sự hỗ trợ của bạn bè thế giới, chúng ta giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước nhà tiếp tục đạt nhiều kết quả đáng mừng. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Việt Nam là 1 trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Theo Thủ tướng, thành công của đất nước, có đóng góp của ngành Ngoại giao và của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Mỹ nói riêng.

Tiếp đại diện cộng đồng người Việt ở khu Bờ Đông Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với đồng bào khi ở xa quê hương, xa Tổ quốc và trân trọng cảm ơn sự đóng góp của kiều bào đối với đất nước và góp phần vun đắp mối quan hệ Việt Nam – Mỹ.

Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt cộng đồng người Việt Nam ở Bờ Đông Hoa Kỳ - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt ở khu Bờ Đông Mỹ- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo thống kê, hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ là đông nhất với 2,2 triệu người và đa dạng, phong phú về ngành nghề, tuổi tác, dân tộc. Đặc biệt, đội ngũ trí thức, doanh nhân rất đông đảo, nhiều người tham gia, có nhiều đóng góp trong chính quyền và văn hóa của Mỹ.

Thủ tướng cho biết, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vừa thành công tốt đẹp, thể hiện mối quan hệ giữa hai bên ngày càng hiệu quả; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên; phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.

Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng và Đoàn công tác Việt Nam có nhiều hoạt động song phương với Mỹ. Trong đó hai bên dành cho nhau sự tôn trọng, bình đẳng, xây dựng quan hệ ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả hơn, trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt cộng đồng người Việt Nam ở Bờ Đông Hoa Kỳ - Ảnh 6.

Hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ là đông nhất với 2,2 triệu người và đa dạng, phong phú về ngành nghề, tuổi tác, dân tộc - Ảnh: VGP.

Kết thúc buổi nói chuyện, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ thực hiện tốt mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nhiễu điều phủ lấy giá gương; con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng".

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts.

Harvard đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua, chú trọng vào việc góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn. Nhấn mạnh những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn phát triển mới, Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy cho biết các cử tọa rất muốn lắng nghe các quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả - Ảnh 2.

Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy. Ảnh: VGP

Trong bài phát biểu quan trọng tại đây, sau khi điểm lại những kết quả chính của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard. Ảnh: VGP.

"Tôi đến đây với tình cảm kép, tình cảm của Đại học Havard dành cho đoàn và tình cảm của mối lương duyên, sự kết nối giữa Việt Nam và Mỹ. Quan hệ Việt Nam-Mỹ trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ toàn diện này vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng nói.

Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tới thăm Việt Nam. Tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau tại Hội nghị COP 26 tại Anh.

Trong quan hệ hai nước, lĩnh vực thương mại đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2021, kim ngạch thương mại Mỹ-ASEAN đạt 362 tỷ USD thì kim ngạch giữa Việt Nam và Mỹ đạt 112 tỷ USD, chiếm gần 1/3.

Việt Nam và đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Mỹ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Mỹ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng tập trung làm rõ 3 vấn đề:

Thứ nhất, vì sao phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng?

Thứ hai, một số quan điểm, mục tiêu, tư tưởng chủ yếu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam.

Thứ ba, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Cụ thể, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng xuất phát từ 3 lý do chủ yếu.

Một là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng chính là để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam.

Hai là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia. Đây là tất yếu khách quan của việc mở cửa, hội nhập quốc tế.

Ba là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ giúp nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng nhắc tới một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, trước hết là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ hai là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thứ ba là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hội nhập sâu rộng, thực chất.

Thứ tư là tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm tài nguyên, tăng trưởng xanh.

Thứ năm là huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ sáu là phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại. Thủ tướng nhắc tới một số mục tiêu cụ thể hằng năm để phấn đấu đến năm 2025 như năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; phát triển bền vững (của UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu; năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu hoặc cao hơn; Chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu; hiệu quả logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc; năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; an toàn an ninh mạng (của ITU) tăng ít nhất 3 bậc].

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của Đại học Fulbright và Chương trình Lãnh đạo quản lý cấp cao (VELP) do Đại học Harvard và các cơ quan Chính phủ Việt Nam phối hợp triển khai. Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn nhân rộng mô hình này với các trường đại học nổi tiếng khác của Mỹ và thế giới, với cách làm mới hơn, hiệu quả hơn.

Sau phần thuyết trình của Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, thành viên đoàn công tác đã phát biểu, tham gia chương trình tọa đàm với các giáo sư Đại học Harvard về định hướng phát triển của Việt Nam.

An Bình (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ