(Tổ Quốc) - Nhiều người dân và du khách thập phương đã rất ngỡ ngàng khi ở vùng khó khăn nhất, nơi không có sóng điện thoại, không có đường điện sáng của xã Kim Thuỷ (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) xuất hiện một Homestay do đôi vợ chồng trẻ xây dựng và đã đi vào hoạt động hơn 1 năm qua…
Đột phá trong cách nghĩ…
SON – Homestay nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua bản Rum Ho thuộc địa phận xã Kim Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình), mấy ai biết được rằng đó là ý tưởng độc đáo và đột phá của đôi vợ chồng trẻ người Bru – Vân Kiều nhằm phát triển kinh tế cho bản thân mình và mở ra hướng phát triển kinh tế cho các hộ dân ở bản làng này.
Bản Rum Ho với Chỉ với 109 hộ dân là người đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều sinh sống, làng hiện nay vẫn chưa có được tiếp cận với hệ thống lưới điện, trang bị cho cuộc sống của bà con vẫn vô cùng đơn sơ, chủ yếu tập trung lệ thuộc vào khai thác lâm sản cùng một số hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Quanh bản Rum Ho, ngoài cảnh đẹp núi rừng đại ngàn xanh ngắt với những con suối trong veo là "đặc sản", còn có thác Dương Cầm thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe nước Trong với những cảnh đẹp hút hồn đối với bất kỳ ai yêu thiên nhiên.
"Son – homestay là mô hình du lịch do chính bà con dân tộc Vân Kiều ở Kim Thuỷ làm chủ và hiện nay có những thay đổi rõ rệt khi lượng khách đang dần tăng, hiệu quả kinh tế của mô hình đang thay đổi hiện hữu và bà con sẽ đỡ vất vã hơn, ý thức hơn trong việc bảo tồn nét văn hoá đặc trưng và làm ăn kinh tế, bảo vệ môi trường du dự trữ Thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong ngày càng tốt hơn… "
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư huyện uỷ huyện Lệ Thuỷ
Hồ Thị Son là "bà chủ" của Son Homestay là người Bru – Vân Kiều ở bản Rum Ho tâm sự, cuộc sống của bà con nơi đây gặp quá nhiều khó khăn bởi điều kiện kinh tế, đất đai và gần như là nơi "biệt lập" nên cái nghèo, cái đói cứ quấn lấy bà con. Trong bản, thanh niên trai tráng thì cũng vào rừng sống kiểu "săn bắt hái lượm" còn phụ nữ trẻ em hàng này lên rẫy trồng tỉa được ít lương thực, ra suối kiếm dăm ba con cá khe để sống qua ngày chứ chưa nghỉ đến chuyện có của ăn của để và làm giàu.
Từ ngày Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong xuất hiện, việc đi rừng của trai tráng trong bản đã không còn nên họ tìm mọi cách để mưu sinh qua ngày. Cũng từ ngày có khu dự trữ thiên nhiên này, khách du lịch ở các nơi thường hay đến tham quan nhưng khi đến đây họ đều về xuôi nghỉ ngơi chứ không ở lại.
"Được sự giúp đỡ của dự án, sự động viên của chính quyền hai vợ chồng em hạ quyết tâm chuyển hướng sang làm du lịch và vay mượn để xây dựng homestay này. Nó cũng đã đi vào hoạt động hơn 1 năm và em cũng quen dần với công việc. Qua làm du lịch, tuy còn quá ít khách nhưng mỗi lần có khách thì bà con mừng lắm, bởi họ có thể bán con gà, lon nếp rẫy hay bán được ít cá khe, chai mật Ong… là những sản vật của địa phương để đổi tiền phục vụ mục đích khác cho cuộc sống của gia đình mình"… Son chia sẻ.
Son tâm sự: Lúc mới làm ra homestay này, quả thực mọi thứ thật khó khăn đối với gia đình em, em phải tham gia các lớp tập huấn về chế biến món ăn, phục vụ… và những điều cơ bản nhất để phục vụ khách du lịch. Nhiều khi em nghĩ "cứ làm như cách mình làm hàng ngày, làm ưng cái bụng là được rồi"… nhưng như thế lại sợ "mất khách". Tuy nhiên, khi đi vào thực tế đôi lúc chính cái chân chất của bà con là điều quyết định, là niềm vui của du khách.
"Nhiều đoàn đến tham quan ở đây, nhưng khi nghe vợ chồng em giới thiệu về cuộc sống, văn hóa của bà con thì họ rất hào hứng, và mong muốn được nghe nhiều hơn những câu chuyện về bản làng quê em"… Son chia sẻ.
Mong muốn bảo tồn được nét văn hóa đặc trưng
Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang hỗ trợ người dân bản Rum Ho xây dựng sinh kế bền vững, nhằm bảo tồn rừng và bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng. Người dân đã được tiếp cận các lớp tập huấn giúp người dân làm quen với khái niệm du lịch sinh thái, học các kỹ năng nấu ăn, phục vụ khách du lịch, cũng như cách chụp ảnh, quay phim cơ bản bằng điện thoại, sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh du lịch.
Hồ Đua - trưởng bản Rum Ho tâm sự: "Bản làng còn khó khăn lắm, bà con cũng muốn thoát được cái nghèo, cái khó nhưng hiện tại vẫn chưa thể vượt qua được bởi điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Nhiều khi cũng muốn nuôi một đàn gà, đàn vịt nhưng nuôi ra bán cho ai? Và quan trọng là nguồn vốn ở đâu? Suy nghĩ luẩn quẫn thế cứ kéo bà con ở một chỗ… buồn lắm chú à"…
Thực sự đã có thay đổi nhiều từ ngày xuất hiện Son – homestay bởi vì khi khách du lịch đến nơi đây họ thường tìm hiểu đời sống của bà con, những nét văn hóa bản địa. Họ hứng thú khi cùng dân bản ca hát, uống rượu cần hay chụp những bức ảnh kỷ niệm với trang phục của bà con.
Cái quan trọng nhất đó chính là ý thức của bà con dần thay đổi nhiều từ ngày "cấm rừng". Thanh niên trai tráng đã không thể vào rừng nên họ ở nhà và bắt đầu nuôi con gà, chăm vườn rau hay ra suối câu con cá… Những lúc có khách, họ chính là những người phục vụ du khách với việc mang vác đồ để khách đi khám phá, những trai bản khỏe mạnh, thông thạo đường rừng đã có việc làm mới, có thu nhập và có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường mình sống…
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư huyện uỷ huyện Lệ Thuỷ chia sẻ: "Thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương chúng tôi những tài nguyên giá trị như suối nước nóng Bang, khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong… và những hang động được đánh giá cao, đảm bảo khai thác được du lịch để phát triển kinh tế phía Tây của huyện nói riêng và phía Tây Nam của tỉnh Quảng Bình nói chung. Trong những năm qua, chúng tôi đã có những kế hoạch, chính sách nhằm hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc phát triển kinh tế theo hướng làm du lịch ở các điểm du lịch đã định hình bằng nhiều phương án cụ thể. Trong kế hoạch phát triển du lịch, huyện Lệ Thuỷ đã trích một phần ngân sách nhằm hỗ, xây dựng các mô hình, các điểm du lịch cộng đồng và đặc biệt là hỗ trợ bà con dân tộc bảo vệ và phát triển nét văn hoá đặc trưng riêng của vùng đồng bào mình… từ đó, việc phát triển du lịch kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch thích khám phá, tìm hiểu về văn hoá đồng bào dân tộc và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn trong tương lai…".
Ông Trần Xuân Cương, giám đốc Công ty TNHH Netin tâm sự: Đơn vị chúng tôi được phép khai thác thử nghiệm tuor du lịch ở nơi đây và bước đầu an tâm về cách tiếp cận và làm du lịch của bà con. Bà con hỗ trợ rất tốt những chuyến thám hiểm, khám phá trong rừng và để lại ấn tượng cho du khách… đó là điều chúng tôi luôn mong muốn.
"Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cũng đã có những buổi tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn cho bà con cách làm du lịch cộng đồng và hướng phát triển kinh tế cho bà con dân bản đó chính là chiếc chìa khóa mở ra việc thoát nghèo cho bà con bản Rum Ho khi tới đây lượng khách du lịch đến tham quan ngày một nhiều"… ông Cương chia sẻ.
Chuyện ở bản Rum Ho có thể khẳng định rằng, từ Son – homestay và việc bà con đồng bào Bru – Vân Kiều bản Rum Ho ở xã Kim Thủy mong muốn làm du lịch đã cho thấy được khát vọng vươn lên trong cuộc sống của bà con nơi đây. Nguồn tài nguyên vô tận của Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong với những điểm nhấn chắc chắn sẽ thu hút du khách khám phá trải nghiệm trong tương lai đồng nghĩa với việc giúp bà con đồng bào Bru – Vân Kiều cải thiện được cuộc sống của mình từ những hoạt động du lịch trong tương lai…