(Tổ Quốc) - Một làng ốc đảo được hình thành từ 400 năm trước đang có nguy cơ bị “xóa sổ” khi người dân lần lượt bỏ làng mà đi.
- 24.10.2018 Lan tỏa những khoảnh khắc đẹp của đất và người Hà Tĩnh
- 07.12.2009 “Ốc đảo” nơi phố thị
Hồng Lam là 1 trong 7 thôn của xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đây được xem là vùng khó khăn nhất của huyện bởi khu vực này tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài 4 bề là sông nước. Để đến được với Hồng Lam, người đi phải trải qua một quá trình "hành xác" khi vượt gần 15 phút đường sông mới sang vùng đất khó bên kia.
Khác với những nơi khác, người dân trong thôn chỉ có thể "giao lưu" được với thế giới bên ngoài khi con đò độc nhất vô nhị ở bến Hồng Nhất hoạt động. Từ bên này sông nhìn sang, thôn nổi lên như một ụ đất giữa mênh mông sóng nước.
Con đường thủy duy nhất để đi sang ốc đảo.
Làng không đám cưới?
Trên con đường ngoằn nghèo vào làng Hồng Lam, từ đầu ngõ hình ảnh lá cờ tổ quốc bay phất phới cùng tiếng à ơi gọi đò khiến khung cảnh nơi đây trở nên bình yên khó tả.
Biết có khách lạ tới làng, ông Nguyễn Thế Lục, Trưởng thôn Hồng Lam chạy ra chào đón và dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm. Khuôn mặt ràng ngời vừa mới bắt gặp ít phút trước lại trở nên rầu rĩ khi chỉ về những ngôi nhà hoang ở làng.
"Họ bỏ đi hết rồi, trước đây có 350 nhưng nay chỉ còn 182 hộ và 442 nhân khẩu sinh sống tại đây. Ở đây khổ nhất là quá trình đi lại, còn kinh tế dân đây chăm lắm, không bao giờ nghỉ nên quanh năm không lo đói", ông Lục nói.
Theo ông Lục, ốc đảo này hình thành từ khoảng 400 năm trước nhưng vì nhiều lý do khác nhau dân bỏ làng đi nơi khác sinh sống.
Thế nên khi hỏi đến chuyện cưới xin, dân nơi đây chỉ biết lắc đầu. Bởi khoảng hơn chục năm nay, họ chưa được ăn đám cưới, chưa được nghe tiếng nhạc đám cưới ở làng này. Những thanh niên ở làng, khi học xong cấp 3 đứa vào Nam, đứa ra Bắc để làm việc. Khi gặp được ý trung nhân phù hợp, họ sẽ tổ chức tại nơi làm việc, bởi theo ông Lục thì về quê đường xá khó khăn.
"Lâu lắm rồi không thấy ai đám cưới, nếu có thì chỉ về liên hoan tại đây, bởi đường xá đi lại khó khăn về đây lại phức tạp. Những cụ ở làng thường cười đùa bảo người già chờ mòn răng để ăn cưới mà chẳng thấy ai", ông Lục chia sẻ.
Những ngôi nhà bỏ hoang rêu phong, cỏ dại mọc đầy rẫy.
Ốc đảo trăm tuổi dần bị "xóa sổ"
Cạnh ba bốn ngôi nhà hoang mà dân làng bỏ đi, ông Đinh Hải Long (SN 1940) vẫn cần mẫn ngồi khâu lưới. Vừa làm việc, ông Long kể về ký ức ngày làng bị lũ nhấn chìm.
Ngày ấy vào năm 1988, một cơn lũ lớn kinh hoàng ập đến đúng nửa đêm, nước sông Lam dâng lên sát nóc nhà. Trẻ em, người già, phụ nữ khi ấy được đưa lên bờ còn cánh đàn ông ở lại để chống chọi với lũ dữ để bảo vệ làng.
"Nước dâng lên tới nóc, lúc ấy ngồi trên mái ngói nhìn xuống xùng quanh màu trắng của nước bao trùm. Tôi lúc ấy nghĩ mình không thể sống nổi nếu như nước sông Lam tiếp tục dâng. Đến sớm mai, cả ốc đảo là khung cảnh tan hoang như bãi chiến trường", ông Long nhớ lại.
Ông Long sống bằng nghề chài lưới ở thôn.
Lũ cuốn đi hàng trăm ngôi nhà ở đảo, và cái đói, cái rét, bệnh dịch lại bủa vây thế rồi dân làng đồng loạt bỏ đi. Họ bỏ lại đảo những ngôi nhà hoang, bỏ lại vườn tược, bỏ lại những kỷ niệm và giấc mơ giang dở.
"Từ những năm 1990, dân bỏ đi rất đông, nhiều người thấy thế cũng dần bỏ làng mà đi. Còn những người ở lại đây có nhiều lý do, người thì vì dòng họ tổ tiên, người lại nghĩ vì bất đắc dĩ…Nhưng sống đây bình yên lắm, đi sao nổi", ông Long ngậm ngùi.
Nói xong ông Long chỉ tay ra phía cuối làng, nơi đó một ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang nhưng bỏ hoang do không có trẻ học. Hiện nay, duy chỉ có lớp học Mầm non Xuân Giang 2 cho trẻ mầm non từ 3-5 tuổi còn hoạt động, nên đây được xem là lớp học đặc biệt ở vùng ốc đảo. Lớp học này chỉ có 14 em học sinh đủ độ tuổi khác nhau. Chúng là những đưa trẻ tội nghiệp, thiếu thốn tình thương khi phải xa bố mẹ, sống với ông bà.
Sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều diện tích ốc đảo đang dần bị thu hẹp.
Ông Lê Hồng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết, trước đây ở ốc đảo có đến hàng ngàn nhân khẩu, nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, hằng năm phải sống chung với lũ nên dân bỏ làng đi biệt xứ rất nhiều. Hiện tại đang có dự án phát triển du lịch ở ốc đảo này, tuy nhiên chỉ mới lên phương án chứ chưa triển khai.
"Những cụ già thì chỉ muốn ở ốc đảo vì họ sinh ra và lớn lên tại đây, còn những thanh niên thì muốn rời đi vì đường xá, sóng và mạng bên ấy kém nên chán. Kinh tế ở ốc đảo nay dần ổn định, họ trồng lạc, cói và chăn nuôi gia súc nhiều nên không lo cái ăn cái mặc như ngày xưa. Tuy nhiên đến mùa mưa lũ là khổ nhất, luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ", ông Lưu chia sẻ.