(Tổ Quốc) - Theo kịch bản tồi tệ nhất, các chuyên gia kinh tế của JP Morgan dự đoán nền kinh tế Mỹ quý II/2020 có thể suy giảm đến 40% so với năm trước, mức suy giảm mạnh nhất kể từ khi BEA bắt đầu theo dõi tăng trưởng GDP theo quý kể từ năm 1947.
Theo số liệu mới nhất của tổng cục thống kê phân tích kinh tế Mỹ (BEA), quốc gia này đã có quý suy giảm đầu tiên sau gần 6 năm tăng trưởng liên tục do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Trong quý I/2020, GDP của Mỹ đã giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm lần đầu tiên kể từ quý I/2014 và là mức giảm mạnh nhất kể từ quý IV/2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra.
Nguyên nhân chính cho sự suy giảm này là mảng đầu tư và chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp rất lớn cho GDP của Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng của người dân đã giảm 7,6% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước do mọi người buộc phải ở nhà tránh dịch. Đây là mức giảm mạnh nhất của tiêu dùng kể từ quý II/1980 tại Mỹ.
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề đóng góp cho GDP của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng vì người dân hạn chế chi tiêu hay đi lại vì dịch bệnh.
Báo cáo kết quả quý I là một cảnh báo cho nền kinh tế Mỹ khi phải đến giữa tháng 3/2020, các lệnh cách ly quyết liệt mới được áp dụng khiến hàng loạt hàng quán, doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh. Điều này khiến các chuyên gia lo lắng cho quý II/2020.
Kết quả công bố trên của BEA cũng nghiêm trọng hơn so với các dự đoán trước đó. Nhiều chuyên gia từng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ chỉ giảm khoảng 4% trong quý I/2020 nhưng thực tế lại đáng lo hơn nhiều.
Dẫu vậy, những số liệu này vẫn cần điều chỉnh và phải chờ đến 28/5/2020 thì BEA mới có đủ số liệu để tinh chỉnh lại tỷ lệ này.
Bất chấp điều đó, thông điệp mà BEA đưa ra là vô cùng rõ ràng. Quãng thời gian 6 năm tăng trưởng theo quý tại Mỹ đã chấm dứt và nền kinh tế số 1 thế giới gần như chắc chắn sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng sâu.
"Nền kinh tế đang rời khỏi quỹ đạo tăng trưởng và quay đầu đi xuống do người dân giờ đây chỉ chú ý mua những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm hay nước uống", Chuyên gia kinh tế Chris Rupkey của MUFG nhận định.
Tệ đến mức nào?
Trước đây, các cuộc khủng hoảng tại Mỹ chủ yếu do nguồn cung quá lớn hay quá ít mà ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên lần này tình hình đã khác khi cả nguồn cung lẫn cầu đều giảm do lệnh cách ly khiến người tiêu dùng phải ở nhà còn các nhà máy phải tạm dừng hoạt động.
Tính từ giữa tháng 3 đến nay, khoảng 26,5 triệu người Mỹ đã phải nộp đơn trợ cấp thấy nghiệp do làn sóng sa thải tăng cao. Điều này sẽ làm giảm thu nhập và khiến người dân tiết kiệm hơn là chi tiêu.
"Chúng tôi đi đến kết luận khủng hoảng dựa trên những bằng chứng khắp thế giới. Mỗi tuần đóng cửa cách ly sẽ khiến tăng trưởng GDP hàng năm suy giảm khoảng 0,5-1 điểm phần trăm", Chuyên gia kinh tế trưởng Michael Grady của Aviva Investors lo lắng.
Thậm chí số liệu của quý II cũng được dự báo không mấy khả quan bởi kể cả có nới lỏng lệnh cách ly thì nền kinh tế Mỹ cũng đã trải qua nửa quý áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Theo kịch bản tồi tệ nhất, các chuyên gia kinh tế của JP Morgan dự đoán nền kinh tế Mỹ quý II/2020 có thể suy giảm đến 40% so với năm trước, mức suy giảm mạnh nhất kể từ khi BEA bắt đầu theo dõi tăng trưởng GDP theo quý kể từ năm 1947.
Cũng theo JPMorgan, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 có thể đạt 20% với 25 triệu người mất việc.
Hiện một số bang của Mỹ đang nhanh chóng nới lỏng cách ly để mở cửa lại thị trường nhưng các chuyên gia cho rằng cần thêm thời gian để hoạt động kinh doanh có thể trở lại như trước đây.
Một câu hỏi nữa khiến nhiều người quan tâm là liệu người tiêu dùng Mỹ sẽ chi tiêu như thế nào khi kinh doanh hoạt động trở lại. Sau nhiều tuần giãn cách xã hội với thu nhập giảm và lo lắng về dịch bệnh chưa tan, nhiều người dân Mỹ có khả năng sẽ hạn chế tham gia các hoạt động giao thương, giải trí. Những nhà hàng, rạp chiếu phim... có khả năng sẽ tiếp tục trống vắng một thời gian dài trước khi khôi phục trở lại.
Chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley của ING cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm sâu và hồi phục lại mạnh do người tiêu dùng phải đối mặt với một trật tự mới sau dịch Covid-19. Điều đáng buồn ở đây là công cuộc hồi phục có khả năng sẽ chưa diễn ra cho đến tận cuối năm 2022.