Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, để tình trạng thiếu sách giáo khoa trước thềm năm học mới là rất phản cảm và không thể đổ lỗi rằng do học sinh tăng đột biến được
5.639 là số văn bản trái pháp luật mà các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh ban hành - theo báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ. [1]
Theo đó qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương đã ban hành 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm:
1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung;
3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản;
574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Ảnh minh hoạ: http://vietnamfinance.vn
Chỉ trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện và kết luận 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (gọi chung là “cấp bộ”) và 131 văn bản của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền, tổng cộng là 157 văn bản.
Tính bình quân năm 2017, chỉ riêng cấp bộ và cấp tỉnh, cứ hơn hai ngày có một văn bản trái pháp luật được ban hành, nếu chỉ tính những ngày làm việc (5 ngày/tuần) thì khoảng 1,5 ngày lại có một văn bản trái pháp luật được ban hành!
Theo quy định tại Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015, hiện có 15 loại văn bản quy phạm pháp luật, thấp nhất là “Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã” và cao nhất là Hiến pháp.
Khoản 8 điều 7 trong Luật này quy định:
“Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện”.
Như vậy các đối tượng phải chịu trách nhiệm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật là 05 người người đứng đầu năm cơ quan:
“Cơ quan chủ trì soạn thảo; Cơ quan thẩm định; Cơ quan trình; Cơ quan thẩm tra và Cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Thực hiện phép nhân một cách cơ học, với 5.639 văn bản trái pháp luật, số người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm sẽ là 5..195 người.
Có hai “sự thật” nói ra có thể mất lòng, thứ nhất khi “xung trận” hầu như chỉ là cấp phó, chẳng hạn các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì Phó chủ tịch tỉnh, Phó giám đốc sở tham gia trực tiếp, cấp trưởng có lẽ là chỉ đạo “vòng ngoài”.
Thứ hai là trong khâu chuẩn bị văn bản thì trực tiếp là các chuyên viên, các thư ký chứ thủ trưởng thường chỉ là người ký cuối cùng.
Như vậy cùng chịu trách nhiệm ngoài người đứng đầu sẽ phải thêm cấp phó và chuyên viên, vị chi là ba người.
Lúc này số người phải chịu trách nhiệm cho 5.639 văn bản sai phạm sẽ gấp ba lần, nghĩa là khoảng hơn 80.000 người.
Tuy nhiên có thể một số văn bản do cùng một đơn vị chủ trì nên số người phải chịu trách nhiệm thực tế sẽ ít hơn, dẫu thế thì số lượng người liên quan có lẽ cũng phải lên đến con số hàng chục nghìn.
Đây có phải chính xác là đội ngũ “cắp ô” mà vị lãnh đạo Chính phủ từng đề cập?
Có một điều cũng phải nói cho ra nhẽ, cấp bộ chính là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo các Dự thảo luật trình Quốc hội xem xét và được phép ban hành hai loại văn bản quy phạm pháp luật là:
Thông tư của Bộ trưởng và Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thế có nghĩa là Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ chính là người phải chịu trách nhiệm khi khi ban hành 26 văn bản trái pháp luật mà Bộ Tư pháp đã đề cập.
Liệu trong 26 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật được ban hành, có văn bản nào trong số đó được lồng ghép vào dự thảo luật hoặc liên quan đến lợi ích của bộ chủ quản?
Nêu câu hỏi này bởi câu chuyện thay đổi từ “thu phí” sang “thu giá” mà Bộ Giao thông thực hiện đã làm tốn kém quá nhiều thời gian của dân chúng, Chính phủ và Quốc hội.
Đội ngũ chuyên viên cấp bộ đa số là chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp, để được công nhận ngạch bậc này, họ đều phải học và tốt nghiệp các chương trình về “Quản lý hành chính nhà nước” và “Lý luận chính trị”.
Tham mưu để lãnh đạo bộ ban hành văn bản trái pháp luật nói lên điều gì về năng lực những chuyên viên này?
Kiến thức pháp luật yếu của họ khiến dư luận buộc phải đặt câu hỏi: “Vì sao họ vượt qua được các kỳ thi tuyển nâng ngạch cũng như các kỳ thi trong quá trình đào tạo “Quản lý hành chính nhà nước” và “Lý luận chính trị”.
Liệu chương trình đào tạo các “chuyên viên” này có gì cần phải xem xét cả về nội dung lẫn hình thức”?
Chính phủ có 22 bộ và cơ quan ngang bộ (gọi chung là “cấp bộ”), tạm trừ Văn phòng bộ thì còn 21 đơn vị có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chia bình quân trong năm 2017, mỗi đơn vị ban hành hơn một văn bản trái pháp luật!
Những văn bản trái pháp luật mà “cấp bộ” ban hành ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực mà Chính phủ quản lý (Hành pháp), trước hết là đến hơn 90 triệu người Việt, tiếp đó là 518.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, [2] rộng hơn là các quan hệ đối ngoại của nhà nước,...
Thiệt hại vô cùng to lớn không thể quy bằng tiền nhưng đó chưa phải là tất cả, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương xây dựng một “Chính phủ minh bạch, kiến tạo” trong giai đoạn hiện nay cũng không thể không đề cập bởi nó làm giảm niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và uy tín của Chính phủ.
Nó khiến cho câu hỏi “Người dân phải nuôi báo cô bao nhiêu cán bộ, công chức” càng trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.
Chỉ một chủ trương mua Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) của các cựu lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) “đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội…” (Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương).
Báo chí đưa tin: “Nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng". [3]
Cũng nên biết rằng năm 2014, số tiền thu được từ thuế sử dụng đất nông nghiệp là 61,1 tỷ đồng.
Năm 2016 số thu này chỉ còn 5,7 tỷ đồng và số đối tượng (người/cơ quan/doanh nghiệp) trong diện phải nộp thuế nông nghiệp là 77.354 đối tượng. [4]
Bình quân mỗi người nộp thuế trong một năm nộp 73.687 đồng.
Nếu không bị phanh phui, chỉ một nhóm cán bộ Bộ Thông tin Truyền thông, chỉ một thương vụ “làm ăn” mà họ tiến hành khiến vốn nhà nước suýt bị mất trắng 7.006 tỷ đồng.
Số tiền này tương đương với mức thuế nông nghiệp thu trong 1.229 năm, tương đương với số thuế nông nghiệp mà 90.570.623 người nộp trong một năm.
Điều này có nghĩa là gần toàn bộ dân số nước Việt từ trẻ sơ sinh đến người già trăm tuổi cùng nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng chỉ đủ bù đắp thiệt hại mà mấy cựu quan chức gây ra trong một vụ mua bán.
Thật khủng khiếp nếu biết rằng, những kẻ ăn tàn phá hại mà dân phải nuôi báo cô ấy không chỉ có một nhóm người mà là “một bộ phận không nhỏ”.
Cái bộ phận mà “Đảng nói là không nhỏ, bây giờ không biết nằm ở đâu. Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được” (lời một vị lãnh đạo cao cấp) thực ra nằm sờ sờ trước mặt, có điều dân không chỉ hỏi mà còn biết rõ ràng địa chỉ nhưng “quy trình” có muốn biết hay không?
Xin nói luôn địa chỉ của một nhóm nhỏ trong “một bộ phận không nhỏ” đó chính là những ai dính líu đến việc ban hành 5.639 văn bản trái pháp luật mà Bộ Tư pháp đã chỉ mặt, vạch tên.
Nếu thượng tôn pháp luật, nếu áp dụng ngay khoản 8 điều 7 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì việc lôi ra ánh sáng những người phải chịu trách nhiệm chỉ là việc “bé như cái móng tay”.
Vấn đề là ai sẽ cùng Tổng Bí thư gom đám “củi tươi” đó cho vào “lò” thì dân không biết, vả lại nếu có biết chăng nữa thì liệu có đủ “lò” để đốt?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.tienphong.vn/phap-luat/mot-nam-hon-5600-van-ban-trai-luat-duoc-ban-hanh-1310317.tpo
[2]http://www.gso.gov.vn/default.aspx?&
[3]https://www.vietnamplus.vn/vu-avg-xu-ly-dung-phap-luat-thu-hoi-tai-san-nha-nuoc-bi-that-thoat/492524.vnp
[4]https://baodautu.vn/mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-mien-it-thue-loi-duoc-nhieu-d53361.html