(Tổ Quốc) - Ngày 11/4, tại phòng họp Tân Trào – Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Qua thảo luận, cho ý kiến, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cần cân nhắc, làm rõ hơn một số quy định trong nội dung này.
Toàn cảnh phiên họp (Nguồn: quochoi.vn) |
Kết luận số 10-KL/TW ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí đã chỉ rõ một trong 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.
Do đó, theo Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, quán triệt tinh thần này, dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội tháng 10 năm 2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng này. Dự thảo Luật quy định trách nhiệm PCTN nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số chế định về phòng ngừa tham nhũng đối với một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước…
Thay mặt Ủy ban Tư pháp (UBTP) trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW; đồng thời bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ; yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, cũng có ý kiến đề nghị trong khi còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp (Nguồn: quochoi.vn) |
Thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, kết luận 10-KL/TW của Trung ương là đường lối, chỉ đạo của Đảng, là tư tưởng chính trị rất đúng. Tuy nhiên, việc “từng bước mở rộng” ngay trong luật này hay luật chỉ mở rộng đến bước đó và “còn các bước khác đến bao giờ mở” là việc cần phải làm rõ.
Nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng, cần hết sức thận trọng khi mở rộng phạm vi ra ngoài cơ quan nhà nước. Cần tập trung trước hết là cơ quan nhà nước, nếu có mở rộng ra thì nên có một quy trình rõ ràng.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước trên cơ sở từng bước cụ thể hóa quy định của Đảng. Tuy nhiên, không phải tất cả những quy định trong luật này đều áp dụng đối với khu vực ngoài Nhà nước./.
Hà Giang