• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Có cán bộ không muốn phân cấp vì tâm lý không làm thì không sợ sai, không bị vướng"

Thời sự 18/01/2024 21:06

(Tổ Quốc) - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, câu chuyện muốn và không muốn phân cấp là một thực tế xảy ra ở các địa phương trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Có cán bộ không muốn phân cấp vì tâm lý không làm thì không sợ sai, không bị vướng. Còn người muốn thực hiện thật tốt lại muốn được phân cấp.

"Có cán bộ không muốn phân cấp vì tâm lý không làm thì không sợ sai, không bị vướng" - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành thông tin tại họp báo ngày 18/1

Ngày 18/1, trong phiên Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, với tỷ lệ đại biểu tán thành cao. 

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/01/2024 cho đến khi có quy định mới. Nghị quyết gồm 06 điều, quy định về 08 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các cơ chế, chính sách cụ thể bao gồm: Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án phát triển sản xuất; Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; Về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025; Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Trước đó, trong quá trình thảo luận dự thảo nghị quyết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết có cán bộ xã huyện xin không muốn được giao phân cấp, phân quyền trong quản lý và tổ chức thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. 

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này tại buổi Họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (sáng 18/01), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, trong quá trình giám sát tối cao của Quốc hội, qua tiếp xúc cử tri và làm việc với các địa phương, đại biểu cũng tiếp nhận được thông tin này.

“Câu chuyện muốn và không muốn phân cấp là một thực tế xảy ra ở các địa phương trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nằm trong từng hoàn cảnh cụ thể và điều kiện cụ thể, đây là vấn đề đặt ra trong thiết kế chính sách cần phải giải quyết. Có cán bộ không muốn phân cấp vì tâm lý không làm thì không sợ sai, không bị vướng. Còn người muốn thực hiện thật tốt lại muốn được phân cấp”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chia sẻ.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, với 8 cơ chế, chính sách sẽ giải quyết được cơ bản những vấn đề địa phương đang gặp khó hiện nay.

Liên quan đến quy định thí điểm phân cấp cho cấp huyện thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, đây là quy định rất mới. 

Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

“Đây là cơ chế rất thoáng, các địa phương cũng rất muốn được quyền chủ động để làm, trong quá trình triển khai thực tiễn rút ngắn nhiều khâu, quy trình thủ tục và thời gian. Việc quy định rõ ràng thẩm quyền giúp tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua” - ông Nguyễn Lâm Thành khẳng định.

Về một số ý kiến lo ngại quy định về phân cấp trong Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia hay không, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, việc phân cấp này hoàn toàn có thể thực hiện, bởi việc phân cấp được quy định rõ ràng liên quan đến thẩm quyền, pháp lý và trách nhiệm, thủ tục và thời gian. 

Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho cấp huyện tiến hành thí điểm nên sẽ có sự hỗ trợ, phối hợp và kiểm soát.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành bày tỏ hy vọng, với các cơ chế, chính sách này trong Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.

Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ