• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Có công bằng không khi chỉ soi vào “sạn sỏi” của sách giáo khoa mà không nhắc đến sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo?

Thời sự 11/11/2021 15:14

(Tổ Quốc) - Đặt vấn đề chúng ta thường biết nhiều qua phương tiện thông tin đại chúng khi cứ có một “viên sạn”, “viên sỏi” trong sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ băn khoăn “trong đó là sản phẩm trí tuệ của trăm nhà giáo, nhà khoa học thì lại rất ít ai nói đến đến, liệu có công bằng không?”

Có công bằng không khi chỉ soi vào “sạn sỏi” của sách giáo khoa mà không nhắc đến sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/11.

Có công bằng không khi chỉ soi vào "sạn sỏi"?

Sáng nay 10/11, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn.

ĐB Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) chất vấn, xung quanh vấn đề SGK, nhiều cử tri cho rằng còn "lỗi, sạn", Bộ trưởng trả lời thế nào, có đúng không?. Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để khắc phục?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để có được bộ SGK chất lượng cần có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người rất quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến,…

Có công bằng không khi chỉ soi vào “sạn sỏi” của sách giáo khoa mà không nhắc đến sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo? - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Bộ đang sửa đổi Thông tư 33 về quy định biên soạn, thẩm định SGK. Trong đó chủ trương là không đợi các tác giả mang bản mẫu đến mới tổ chức thẩm định mà Bộ sẽ cùng các nhóm tác giả làm ngay từ đầu.

Bộ trưởng cho biết sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn đối với đội ngũ biên soạn, các tổ chức cá nhân phải đăng ký trước và sẽ điều chỉnh tiêu chuẩn các thành viên hội đồng. Người biên soạn sẽ không tham gia hội đồng. Bên cạnh đó, hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào SGK và cùng chịu trách nhiệm.

Tranh luận về những bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục trong SGK, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục. Bà Thúy nói, SGK sai thì học sinh đã mua, đã học. Nên dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy và sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cũng đặt vấn đề chúng ta thường biết nhiều qua phương tiện thông tin đại chúng khi cứ có một "viên sạn", "viên sỏi" trong SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng "trong đó là sản phẩm trí tuệ của trăm nhà giáo, nhà khoa học thì lại rất ít ai nói đến đến, liệu có công bằng không?"

Không đưa các em ra đánh giá ngay việc học trực tuyến

Vấn đề mà nhiều ĐB quan tâm đó là chất lượng của việc dạy, học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 thời gian qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, biện pháp này là cách ngành giáo dục ứng phó với dịch bệnh, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn.

Có công bằng không khi chỉ soi vào “sạn sỏi” của sách giáo khoa mà không nhắc đến sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo? - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Theo thống kê, không phải 1,5 triệu em mà chính xác là 1,867 triệu em hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Thậm chí, có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại. Thực trạng này đã khiến nhiều học sinh dần bỏ học.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học trực tuyến chỉ là giải pháp nên "chất lượng không thể nói sẽ như học trực tiếp". Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý các trường "không đưa các em ra đánh giá ngay".

"Chúng ta đừng căng thẳng quá, đầu tiên phải cho các em làm quen môi trường, tự phòng chống dịch, rồi sau đó mới bắt đầu. Không nên nhồi nhét, đặt vào tay các em các phiếu đánh giá, khảo sát. Việc cân đo đong đếm còn ở phía trước", Bộ trưởng nói.

Sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được?

ĐB Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) nêu thực trạng dạy học thêm trực tuyến đang có xu hướng gia tăng, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT nghiêm cấm dạy thêm trong mùa dịch. ĐB đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này?

Có công bằng không khi chỉ soi vào “sạn sỏi” của sách giáo khoa mà không nhắc đến sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo? - Ảnh 4.

ĐB Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu)

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc dạy thêm học thêm trong điều kiện bình thường đã cần phải ngăn chặn thì trong học trực tuyến giữa dịch bệnh rất đáng lên án.

"Quan điểm của Bộ là tăng cường thanh tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc này. Bộ sẽ yêu cầu các Sở GDĐT địa phương tổ chức thanh tra xem có hiện tượng này hay không" - ông Sơn nói.

Tranh luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề mà nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống như thế nào?

Tại phiên chất vấn hôm qua, có đại biểu ví von tại sao ngành giáo dục cấm dạy thêm mà y tế không cấm bác sĩ làm thêm ở ngoài. "Vậy hôm nay tôi đặt vấn đề lại là tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục không được?", ông Long nêu quan điểm.

Trả lời câu hỏi của ĐB Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới có thể điều tiết được. Năm 2016, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên nhiều điều trong thông tư về dạy thêm học thêm mà Bộ GDĐT ban hành đã không còn hiệu lực.

"Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ