(Tổ Quốc) - "Cô Đào Hát" là tập kịch bản sân khấu của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc lần đầu tiên được xuất bản. Buổi giao lưu, ra mắt sách do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Sân khấu tổ chức thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, những người yêu mến nghệ thuật sân khấu đến dự.
Nguyễn Thị Minh Ngọc là nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên Việt Nam, bà còn tham gia giảng dạy về nghệ thuật sân khấu. Tại buổi giao lưu, ra mắt sách "Cô Đào Hát", xúc động khi nói về những đóng góp của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, bà Trịnh Bích Ngân- Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM chia sẻ, lâu rồi mới có một sự kiện tập hợp đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, những người thầm lặng đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam như sự kiện này. "Người đàn bà giữ lửa và truyền lửa đam mê nghề" là những lời nhà văn Bích Ngân dành cho đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Nhà văn Bích Ngân cho biết, cuốn sách được xuất bản đúng dịp Giỗ Tổ nghề Sân khấu, và đúng dịp nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc bước vào tuổi 70, với gần 50 năm tuổi nghề- gần 50 năm sống trọn với đam mê sáng tạo của mình, nhà văn, đạo diễn, diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc đã khẳng định tài năng và sự tận tâm dành cho sân khấu, điện ảnh và cho cả văn chương.
Tình yêu nghệ thuật và tác phẩm sáng tạo của bà còn là sự hiện thân của tình yêu con người, xứ sở, cội nguồn, dân tộc, Tổ quốc. Tập sách phần nào minh chứng cho sự đóng góp không nhỏ của tác giả cho văn học, cho sân khấu Việt Nam. "Không có một kịch bản văn học hay thì khó có thể có được một vở diễn hay", các kịch bản được chọn in trong tập sách là những kịch bản có giá trị văn học và trở thành những vở diễn được khán giả yêu thích, nhà văn Bích Ngân nhận định.
Bà cũng cho rằng, "Nguyễn Thị Minh Ngọc là một tài năng hiếm hoi khi tụ lại ở chị một người làm văn chương, làm sân khấu, điện ảnh và cả một người thầy, vai nào chị cũng sắm hết mình, đam mê đến tận cùng và có lẽ, chị cũng tìm thấy niềm hạnh phúc trong cô đơn sáng tạo , trong sẻ chia và trong vỡ òa của thăng hoa mà chỉ có thành quả của sáng tạo nghệ thuật mới có thể đem lại được".
Nhân buổi giao lưu, nhà văn Bích Ngân cũng bày tỏ, sự kiện được tổ chức cũng còn là mong muốn của Hội Nhà văn TP.HCM và NXB Sân khấu là, "Cô Đào Hát" có thể "quyến rũ" được nhiều tác giả, nhiều nhà văn nhích lại gần hơn với sân khấu bằng những kịch bản văn học không chỉ để đọc, mà còn để diễn trên sân khấu, góp phần cùng sân khấu trong hành trình nhọc nhằn tìm kiếm khán giả, tìm kiếm sự thăng hoa cũng như lan tỏa từ ánh đèn sân khấu, từ ánh sáng của những trái tim cho nghệ thuật, một thiên đường sáng tạo chỉ mở cửa chào đón những tài năng và phẩm hạnh.
Nói về tác phẩm ra mắt độc giả, Giám đốc NXB Sân khấu Phạm Thị Ngọc Anh cho biết, tập kịch bản chọn in 6/70 kịch bản sân khấu của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, gồm, Cô Đào Hát, Vầng trăng ai sẻ, Tía ơi má dìa, Giữa hai bờ sương khói, Hãy khóc đi em, Người đàn bà thất lạc. Đó đều là những kịch bản hay, được dàn dựng ở nhiều sân khấu kịch nói và cải lương, chứa đựng nội dung nhân văn, phong phú, sâu sắc, đầy cảm hóa và chứa đựng những nét nổi bật trong phong cách biên kịch của tác giả.
Bà Ngọc Anh cũng cho biết thêm, NXB Sân khấu sẽ tiếp tục thực hiện những tập sách giới thiệu, quảng bá các tác phẩm kịch bản của nhà văn, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc đã chứng tỏ được sức sống trên sân khấu kịch và cải lương TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam. Các tập sách trong kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc sẽ là những đóng góp giá trị trong kho tàng kịch bản sân khấu Việt Nam, cung cấp cho các nhà biên kịch một nghệ thuật biên kịch độc đáo, cho những người yêu sân khấu một tư liệu để tham khảo và là nguồn kịch bản quý cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước khai thác, dàn dựng và làm phong phú thêm cho dàn kịch mục của mình.
Tham dự buổi giao lưu, nhà phê bình Ngô Thảo nhận định, trong văn học nghệ thuật, sân khấu chính là "mặt tiền", chỉ trên sân khấu thì mới nhìn được nhân vật, linh hồn của vở diễn. Ông bày tỏ tiếc nuối khi gần đây, các tác giả sân khấu tài năng không còn nhiều, nhưng cũng vui mừng khi nói, Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn là một gương mặt sáng trên sân khấu và hy vọng từ đây, những vở diễn như vậy sẽ được nhân mạnh lên trong thực trạng sân khấu đang thiếu vắng những kịch bản và những nhân vật sống động, mách bảo với cuộc đời rằng, cuộc đời có rất nhiều điều thú vị, cay đắng nhưng cũng rất đáng sống, đáng để hy sinh.