• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cô gái bị nhiễm chất độc màu da cam và ước mơ được đứng trên bục giảng

Thời sự 19/10/2017 08:43

(Tổ Quốc) - Dù là nạn nhân của chất độc màu da cam, mang trên mình nhiều khiếm khuyết nhưng Hương đã nỗ lực đạt được tấm bằng đại học loại giỏi. Em ao ước trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng.

Em là Hồ Thị Hương (SN 1992) tại thôn Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

nạn nhân của chất độc màu da cam, Hương mang trên mình nhiều khiếm khuyết, đi lại khó khăn nhưng em luôn cố gắng, nỗ lực để học tập thật tốt. Hương tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm Lịch Sử tại trường Đại học Quảng Bình năm 2014 với tấm bằng loại giỏi.

Khi mới ra trường, Hương xin được dạy hợp đồng 1 năm tại Trường tiểu học và THCS Hưng Trạch (huyện Bố Trạch). Tuy nhiên, khi hết thời hạn hợp đồng thì em rơi vào tình trạng thất nghiệp, ở nhà phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.

 Ba người con bị di chứng chất độc màu da cam cùng với ông Hồ Trung.

Hương tâm sự, từ nhỏ em đã biết cơ thể mình thua thiệt hơn so với nhiều bạn bè. Vì vậy, em luôn cố gắng học thật tốt, sau này kiếm được một cái nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Thế nhưng, hiện tại để xin được công việc đúng chuyên ngành em học thì khó quá.

“Em muốn có một công việc gì đó để làm, tự mình kiếm ra tiền. Nhưng bây giờ công việc gì người ta cũng đòi hỏi phải có ngoại hình. Những công việc không cần ngoại hình mấy thì lại phải có sức khỏe, mà sức khỏe của em yếu thế này nên em rất khó khăn trong việc tìm việc làm.

Mong muốn lớn nhất của em hiện tại là có thể được đứng trên bục giảng, được trở thành một cô giáo, làm việc đúng với chuyên ngành mà mình đã được học”, Hương bày tỏ.

 Hương luôn ao ước có được công việc đúng với chuyên ngành mình đã học.

Em Hồ Thị Hương là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em. Trong số 5 anh chị em thì có đến 3 người là nạn nhân của chất độc màu da cam.

Bố mẹ của Hương là ông Hồ Trung (SN 1954) và bà Phan Thị Hoa (SN 1956) đều là cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 186, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vợ chồng ông Trung thực hiện nhiệm vụ khôi phục vết thương chiến tranh tại mặt trận Quảng Trị. Cả hai vợ chồng cũng chưa từng nghĩ rằng, những đứa con của họ ra đời lại phải gánh chịu thiệt thòi với những khiếm khuyết trên cơ thể như vậy.

 Tấm bằng cử nhân loại giỏi của Hương.

“Vợ chồng tôi đều nhập ngũ từ năm 1974, đến năm 1978 thì ra quân. Thời đó, chúng tôi ăn rau, ăn măng rừng, ăn uống đều dùng nước suối có chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống.

3 đứa con của chúng tôi bị di chứng chất độc này. Đứa đầu thì bị tật ở chân, đi lại khập khiễng, mắt lại bị vảy cá. Đứa thứ ba thì bị câm điếc, còn Hương bị dị tật ở chân, sức khỏe yếu, dáng dấp đi lại cũng không được như những người bình thường khác”, ông Trung nói.

Trong số 5 đứa con, ông Trung kỳ vọng nhất vào Hương vì từ nhỏ tới lớn em luôn có thành tích học tập rất tốt.

Bây giờ, cả gia đình chỉ có một mong muốn là Hương có được công việc ổn định, được cống hiến và làm việc có ích cho xã hội với những kiến thức mà em đã được học.

Hải Thanh

Hải Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ