• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cô gái trẻ vẽ ước mơ bằng đôi chân tật nguyền

Thời sự 12/12/2017 14:56

(Tổ Quốc) - Dù không có được cuộc sống may mắn như nhiều người khác, thế nhưng Thảnh vẫn vui sống một cách đầy nghị lực bằng những bức tranh được vẽ từ chính đôi chân của mình.

Cuộc sống bất hạnh

Từ thành phố Huế, chúng tôi ngược đường lên thôn Hải Tân, xã Hương Bình, TX. Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) tìm đến ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con bà Huỳnh Thị Liên và em Huỳnh Thị Thảnh. Bà Liên năm nay vừa ngoài 60, nhưng bề ngoài trong khắc khổ và già hơn nhiều so với độ tuổi của mình. Câu chuyện về người mẹ già hơn 20 năm chăm sóc và nuôi dưỡng niềm đam mê vẽ tranh của cô con gái tật nguyền khiến không ít người xúc động.

Không may bị liệt tứ chi từ nhỏ, mọi sinh hoạt của Thảnh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm bên con đường tỉnh lộ, bà Liên không giấu được niềm vui bởi đã lâu lắm rồi nhà mới lại có khách đến chơi. Thảnh bị liệt tứ chi từ nhỏ nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến mẹ. Cũng vì bận bịu theo con mà bà Liên cũng chẳng đi đâu được nhiều. Cuộc sống của hai mẹ ngày qua ngày dường như chỉ quanh đi quẩn lại trong căn nhà nhỏ này.

Khi chúng tôi đến, Thảnh vẫn đang mải mê bên những bức vẽ của mình. Thấy có khách, em vội xếp gọn lại tranh và bút màu nằm vương vãi trên nền nhà nhưng không rồi quên nở nụ cười chào. Rót nước mời khách, bà Liên vội giải thích: “Những bức tranh đó là công sức nó vẽ suốt hơn 10 năm nay đấy. Thấy con như vậy tôi cũng mừng dù tranh nó vẽ không bán được đồng nào”.

Nói đến đây, bà Liên bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Thảnh và về cuộc đời mình. Bà Liên cho hay, trước đây bà và chồng vốn là người miền biển. Sau khi lập gia đình, vì cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng đã quyết định khăn gói lên vùng cao TX. Hương Trà để lập nghiệp. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua ở vùng đất mới, bà Liên và chồng không khỏi xót xa khi biết mình bị phơi nhiễm chất độc màu da cam từ chính vùng đất này. Đau lòng hơn khi những đứa con của hai vợ chồng sau này cũng bị ảnh hưởng.

Sau nhiều lần mang nặng đẻ đau, những người con của bà Liên đều không may mất đi khi vừa chào đời không lâu. Chỉ có Thảnh là ở được với với bà đến hôm nay nhưng số phận trớ trêu khi từ nhỏ em đã bị liệt tứ chi, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải có người thân ở bên hỗ trợ.

“Những đứa trẻ lên hai, lên ba đã chạy nhảy, còn con mình thì chỉ nằm quấy khóc. Nhìn con nằm một chỗ không thể đi lại, tôi như đứt từng khúc ruột”, bà Liên nói.

Thương con bệnh tật, không được như bạn bè cùng trang lứa. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà Liên vẫn cố gắng vay mượn đưa con đi khắp nơi để chữa trị. Thế nhưng bà cũng đành ngậm ngùi đưa con về vì đã chạy chữa nhiều nhưng bệnh tình không thuyên giảm được bao nhiêu.

Vẽ ước mơ từ đôi chân

Thảnh vẽ ước mơ từ chính đôi chân tật nguyền của mình.

Dù tứ chi bị tật nguyền phải nằm một chỗ nhưng bằng niềm đam mê và nghị lực sống phi thường, Thảnh đã làm được điều khiến nhiều người phải khâm phục. Bằng đôi chân, em đã vẽ nên những bức tranh, vẽ nên ước mơ và tô thêm những màu sắc tươi đẹp cho chính cuộc sống vốn dĩ kém phần may mắn của mình.

Bà Liên kể, do phải nằm một chỗ nên cuộc sống của Thảnh chỉ có mẹ với căn nhà nhỏ. Nhà nghèo, suốt ngày phải nằm trên nền nhà, nhiều lần bà chứng kiến con dùng chân cố vẽ lên ngay trên nền nhà đó. Biết con thích vẽ, bà Liên đã đi xin giấy, xin bút màu về cho con với ý định giúp con tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống.

Thế nhưng bằng niềm đam mê, sau một thời gian miệt mài tập luyện Thảnh khiến nhiều người phải bất ngờ. Từ những nét vẽ ngoạch ngoạc, tranh của em dần có hồn với nhiều thể loại, màu sắc. Trong những bức tranh của Thảnh, chủ đề chủ yếu hướng về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình,.. Mỗi bức tranh đều có một tên gọi với những ý nghĩa rất riêng.

Đưa cho tôi xem những bức tranh mà Thảnh vẻ được, bà Liên không giấu được niềm vui và tự hào về con: “Nó thích vẽ lắm nên cứ ăn uống xong lại bắt tôi soạn dụng cụ ra để vẽ. Nhiều lúc nó vẽ cả ngày mà không biết chán là gì”.

Biết chúng tôi tò mò, Thảnh không ngại trước đề nghị được xem em vẽ. Nhìn cách em xoay xở đủ cách để vẽ thành từng nét, tô từng mảng màu cho khớp với niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt, chúng tôi mới thấy được nghị lực phi thường của em.

Chủ đề trong tranh của Thảnh hướng về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình,.. Mỗi bức tranh đều có một tên gọi với những ý nghĩa rất riêng.

Trò chuyện với chúng tôi, Thảnh nói bằng lời không tròn giọng: “Em sẽ cố gắng vẽ thật nhiều tranh rồi đem bán để lấy tiền sửa nhà, mua thuốc cho mẹ rồi mua thuốc cho cả em nữa. Liệu tranh em bán có ai mua không anh?”

Không để chúng tôi trả lời, bà Liên vội chen ngang: “Tranh con vẽ nhiều người hỏi mua lắm, con yên tâm đi”. Dứt lời, bà Liên không quên quay sang nói nhỏ: “Phải nói vậy con bé mới vui, chứ tranh nó ai mà mua”, nói đến đây bà Liên giọng đượm buồn.

Một điều đáng ngạc nhiên hơn nữa được bà Liên chia sẻ là dù không được đi học hay qua một trường lớp nào nhưng Thảnh vẫn có thể tự viết được tên mình và mẹ. Điều này em học được chỉ bằng cách nhìn và viết theo nét chữ trong giấy chứng minh nhân dân.

“Con bé dùng chân vẽ tôi đã thấy lạ, với người bình thường dùng tay chưa chắc đã vẽ được như thế, vậy mà giờ con còn viết được cả chữ. Thấy con như vậy tôi cũng cảm thấy vui hơn nhiều”, bà Liên tâm sự.

Dù vui nhưng bà Liên cho biết mình cũng rất trăn trở bởi tuổi tác ngày càng cao, không còn lao động được nữa thì tương lai không biết ai sẽ lo cho con  mỗi bữa ăn, giấc ngủ.

Cho chúng tôi xem những tập giấy A4 được viết và tô màu đầy tên của mình và con, những bức tranh đầy màu sắc về gia đình mà Thảnh đã vẽ, bà Liên không giấu được nỗi buồn. Trong những bức tranh Thảnh vẽ không chỉ có niềm đam mê, nghị lực của Thảnh mà còn có cả ước mơ về một ngôi nhà lành lặn, một cuộc sống mà ở đó hai mẹ con vơi bớt đi phần nào vất vả.

Thế Trung

 

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ