(Tổ Quốc) - Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2019.
Diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 18/11 đến 23/11/2019, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2019 được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn, để hiểu rõ hơn kế hoạch tổ chức cũng như công tác chuẩn bị cho các hoạt động, phóng viên Báo Điện tử Tổ quốc đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Chung - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam về vấn đề này.
PV. Ông có thể cho biết, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2019 có những hoạt động gì đặc sắc?
Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2019 do Bộ VHTTDL, phối hợp với Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2019).
Sự kiện năm nay sẽ có nhiều nét mới và thu hút nhiều thành phần dân tộc tham gia hơn so với các năm trước. Trong đó, những hoạt động đặc sắc: Chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện; Giới thiệu các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua một số Lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc Pu Péo, Tày; Giới thiệu văn hóa, du lịch tỉnh Gia Lai; Các hoạt động của đồng bào với "Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc".
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động "Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre" nhằm quảng bá giới thiệu với đại biểu, du khách trong nước và quốc tế bức tranh sinh động về miền đất và con người Bến Tre thông qua các hoạt động diễn xướng dân gian, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hát sắc bùa Phú Lễ; giới thiệu ẩm thực, nghề truyền thống từ dừa; trưng bày chế tác nhạc cụ, trình diễn các sản phẩm từ dừa,…
Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2019 là hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
PV. Với một chuỗi hoạt động như vậy thì đâu là điểm nhấn của chương trình năm nay, thưa ông ?
Điểm nhấn của Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2019 là Chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề: "Âm vang đất Việt" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ VHTTDL chỉ đạo nội dung. Chương trình gồm các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cùng một số đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương biểu diễn vào 20h00 ngày 18/11/2019 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đêm Khai mạc dự kiến sẽ có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Các Ban, Bộ, ngành; Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Du lịch một số tỉnh thành…
PV. Ông có thể chia sẻ về công tác chuẩn bị cho các hoạt động đến thời điểm hiện tại?
Đến thời điểm hiện tại, Ban Tổ chức đang tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị cho các hoạt động của sự kiện như: nội dung chương trình, kịch bản tổng thể, kịch bản lễ khai mạc, kế hoạch chi tiết từng hoạt động…. Kết nối tới các đơn vị, địa phương để huy động nghệ nhân, đồng bào dân tộc, nghệ sĩ, diễn viên… tham gia sự kiện. Công tác tuyên truyền và chuẩn bị mặt bằng tổ chức các hoạt động, phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và y tế được chuẩn bị tích cực, chu đáo, đảm bảo an toàn, tiết kiệm để Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2019 sẽ được diễn ra thành công, ý nghĩa và tạo sự lan tỏa lớn.