(Tổ Quốc) - Vừa qua, có thông tin gửi hàng loạt cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo về sự bất ổn diễn ra tại chùa Tây Thiên trong thời gian qua, nhất là vấn đề quản lý tiền công đức lỏng lẻo dẫn đến nhiều tỷ đồng do nhân dân phát tâm không được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, đằng sau câu chuyện quản lý tiền công đức là nhiều vấn đề khác.
“Sư lạ” gom tiền?
Mới đây, trụ trì chùa Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) Thích Đàm Phú đã có đơn gửi nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo đề cập đến những bất ổn diễn ra tại chùa trong thời gian qua. Lá đơn gây chú ý với nội dung mập mờ trong quản lý tiền công đức.
“Lâu nay, tình hình bất ổn tại chùa Tây Thiên xảy ra do các sư không tôn trọng trụ trì, không tuân thủ quy định của Nhà nước về chính sách hộ khẩu, đi lại, sinh hoạt tùy tiện, tự do mở hòm công đức và thu vén toàn bộ tiền đem đi, không ghi sổ sách, không báo cáo trụ trì…”, đơn cho biết.
Cũng theo thông tin trả lời trên báo chí của sư trụ trì Thích Đàm Phú có nội dung: “Tiền công đức hàng chục tỉ đồng ở chùa Tây Thiên đi đâu trụ trì không hay biết”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi tại Khu di tích danh thắng Tây Thiên, sư Thích Đàm Phú lại cho biết: “Nhà chùa (danh xưng của sư Thích Đàm Phú) không nói chuyện mất hàng chục tỉ đồng. Nhưng từ khi trụ trì đến giờ đã 12 năm, các sư không thông báo, không công khai tài chính với nhà chùa…”.
Trả lời về vấn đề xuất hiện các “sư lạ” tại chùa Tây Thiên tự ý thu tiền công đức và mang đi nơi khác, trụ trì Thích Đàm Phú cho biết: “Theo quy định pháp luật liên quan đến hộ khẩu, cư trú thì các sư ở chùa nào phải có trách nhiệm quản lý tại đó, việc đến, ở hay đi của sư từ các nơi khác đều phải xin phép và được sự đồng ý của sư trụ trì. Việc này lực lượng công an đã giải thích cho nhà chùa và nhiều cơ sở thờ tự khác. Nhưng đến giờ các sư ở chùa Tây Thiên vẫn không chấp hành”.
Chùa Thượng Tây Thiên- tâm điểm của vụ việc tiền công đức vừa qua |
Cũng theo nhà sư Thích Đàm Phú, bà đã đề nghị các sư phải công khai, minh bạch việc thu, chi tiền công đức nhưng cũng không được chấp hành. “Bản thân nhà chùa cũng đã đề xuất những vấn đề này lên Giáo hội. Làm gì cũng phải đúng Hiến chương của Giáo hội và tuân thủ pháp luật. Đặc biệt trong vấn đề quản lý an ninh, hộ khẩu và tiền công đức…Lâu nay, tình hình bất ổn tại chùa Tây Thiên xảy ra do các sư không tôn trọng trụ trì, không tuân thủ quy định của Nhà nước về chính sách hộ khẩu, đi lại, sinh hoạt tùy tiện, tự do mở hòm công đức và thu vén toàn bộ tiền đem đi, không ghi sổ sách, không báo cáo trụ trì”- sư Thích Đàm Phú nói.
Mâu thuẫn nội bộ
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các chùa ở Tây Thiên được gọi chung là Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên gồm 5 cơ sở thờ tự là chùa Tây Thiên, chùa Bảng (Pháp Long Uyển Tự), Đại bảo tháp Madana, chùa Phù Nghì, chùa Thiên Ân. Trước đây, mỗi chùa có một sư trụ trì, trong đó, sư Thích Đàm Phú trụ trì chùa Tây Thiên (chùa Thượng), Sư Thích Thanh Tịnh quản lý chùa Phù Nghì, Thích Bảo Tâm trụ trì chùa Thiên Ân…Và tất cả chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên.
Ngày 17/1/2018, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức ban hành quyết định Bổ nhiệm và phê chuẩn Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên. Theo đó, Ban Trị sự tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm, phê chuẩn Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên gồm 21 vị, đại diện cho toàn bộ Ni chúng đang quản lý, sinh hoạt tại 5 chùa gồm: Chùa Tây Thiên, Đại bảo tháp Madana, Chùa Phù Nghì, Chùa Thiên Ân, Long Uyển Tự.
Cũng theo quyết định này, Ni trưởng Thích Đàm Tịnh được bổ nhiệm làm Viện chủ và Ni sư Thích Nữ Bảo Tâm được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên. Theo quyết định này, Viện chủ Thích Đàm Tịnh và Trưởng Ban quản trị Thích Nữ Bảo Tâm có trách nhiệm điều hành, chỉ đạo mọi mặt hoạt động Phật sự tại 5 cơ sở thờ tự (như đã nêu ở trên) thuộc Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên quản lý theo đúng Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước hiện hành.
Theo Ni sư Thích Linh Quang, Ủy viên Thường trực Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên, Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên có Ban Quản lý Tài chính riêng. Ban Quản lý Tài chính sử dụng tiền đúng theo giới luật và những quy định nghiêm ngặt khác của tịnh thất. Tất cả tiền công đức thu được từ 5 cơ sở thờ tự đều do Ban Quản lý Tài chính của Tịnh thất giữ và quản lý. Chi tiêu, sử dụng tiền ấy như thế nào thì đều phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực Ban Quản trị Sơn môn.
Tiền công đức ở Tây Thiên thuộc Ban Quản lý Tài chính của Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên giữ và quản lý, không thuộc các sư trụ trì |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, nguyên nhân của dư luận vừa qua là do mâu thuẫn giữa hai sư (đều giữ chức trụ trì ở các chùa thuộc Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên).
Ông Hiệp cũng cho biết, mâu thuẫn này đã xảy ra từ đầu năm 2017 đến nay, UBND huyện đã nhận thấy những bất ổn và có trao đổi cùng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo, tuy nhiên, Ban trị sự Giáo hội huyện cho rằng đây là mâu thuẫn giữa các nhà sư, và yêu cầu được giải quyết nội bộ.
Tuy nhiên, dường như mâu thuẫn đã không được giải quyết mà câu chuyện đã vượt ra ngoài khuôn khổ ở một huyện. Trước mắt, để bảo đảm an ninh trật tự tại khu di tích danh thắng Tây Thiên, ông Nguyễn Hồng Hiệp cho biết, ngày 9/3, UBND huyện Tam Đảo đã có buổi làm việc với Giáo hội Phật giáo Huyện Tam Đảo do sư Thích Thanh Phương chủ trì thống nhất một số việc.
Trong đó, UBND huyện Tam Đảo và GHPG huyện thống nhất khẳng định vai trò trụ trì chùa Thượng đối với ni sư Thích Đàm Phú. Đề nghị ni sư Thích Đàm Phú nêu cao vai trò, trách nhiệm quản lý, thực thi đúng trách nhiệm của mình tại chùa Thượng theo đúng nhiệm vụ được Giáo hội phân công.
Bên cạnh đó, UBND huyện Tam Đảo sẽ bổ sung bảo vệ, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu di tích danh thắng Tây Thiên. Đồng thời, UBND huyện cũng đã chỉ đạo xã Đại Đình kiểm tra, rà soát toàn bộ hộ khẩu, hồ sơ tạm trú, tạm vắng của các vị sư đang có mặt ở chùa. Trường hợp nào chưa đủ điều kiện thì gia hạn để họ hoàn thiện hồ sơ. Khi hết thời hạn gia hạn, nếu không đủ điều kiện thì yêu cầu các sư chuyển đi nơi khác.
Cũng theo ông Hiệp, UBDN huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động ở các đền, chùa trong Khu di tích danh thắng Tây Thiên để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ… trước mùa lễ hội Tây Thiên đang đến gần./.