(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Hội sách Bản quyền Hàn Quốc 2018 đang diễn ra, ông Lê Hoàng- Hội Xuất bản VN và ông Kim Yeongjin - Chánh Văn phòng, Viện Xúc tiến Công nghiệp Xuất bản HQ đã cùng nhận định chung về thị trường xuất bản phẩm của cả hai nước; trao đổi ý kiến về những bước tiến cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vức xuất bản trong tương lai.
Ông Kim YeongJin cho biết Viện Xúc tiến Công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Chính quyền Hàn Quốc rất quan tâm, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản và việc phát triển văn hóa đọc. Ông Lê Hoàng và ông Kim YeongJin chia sẻ những cố gắng của chính quyền Việt Nam trong phát triển văn hóa đọc cũng như sự thay đổi không ngừng trong hoạt động kinh tế xuất bản cũng như tính thực thi trong hoạt động bản quyền ngày càng chuyên nghiệp của các nhà xuất bản, doanh nghiệp sách Việt Nam.
Nhận diện về thị trường sách Việt Nam và Hàn Quốc, ông Kim Yeongjin cho rằng tiềm lực phát triển và khả năng hợp tác về xuất bản phẩm giữa 2 nước đang tiến triển và có nhiều cơ hội, tiềm năng. Về các giao dịch tác quyền, khả năng dịch thuật của đội ngũ phiên/biên dịch viên của cả hai nước là rất mạnh. Mặt khác, sự tương đồng trong văn hóa Việt - Hàn, thị hiếu của đọc giả cũng là một trong những yếu tố thuận lợi khách quan sự hợp tác về ngành xuất bản giữa 2 nước. Hàn Quốc hiện nay đang đẩy mạnh việc phát triển thói quen, phong trào đọc sách cho người trẻ Hàn Quốc. Một số mô hình sách đạt được thành công tại Hàn Quốc dành cho người trẻ như “Thư viện trên tàu” (book train - the small library on tracks) sách được đặt trên tàu, người dân có thể đọc sách và chỉ phải trả giá cho vé tàu di chuyển.
Ông Lê Hoàng cho biết so với các nước, số đầu sách trên đầu người của Việt Nam chưa cao nhưng mãi lực trong thị trường xuất bản phẩm Việt Nam hiện nay có xu hướng tăng, hoạt động mua bán tác quyền quốc tế của các nhà xuất bản trong nước cũng đang tiến triển tốt. Đặc biệt nguồn sách từ Hàn Quốc đang là mối quan tâm của một số nhà xuất bản Việt Nam. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật Việt Nam cũng tăng cường kiểm soát và xử lý gắt gao các vi phạm bản quyền. Do vậy, ông Lê Hoàng kỳ vọng giao dịch, trao đổi bản quyền của 2 nước sau hội sách sẽ có những bước phát triển ngày càng tốt hơn.
Ông Kim YeongJin chia sẻ Viện Xúc tiến Văn hóa Xuất bản Hàn Quốc thấy rất cần những những ấn phẩm từ Việt Nam đến với người đọc Hàn Quốc, trong đó có nhu cầu về xuất bản phẩm Việt Nam dành cho thế hệ F2 của người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Ông Lê Hoàng nói sẽ giới thiệu cho phía bạn những đầu sách có chất lượng về tập quán, văn hoá, đất nước, con người Việt Nam để các nhà xuất bản Hàn Quốc giao dịch bản quyền, dịch và xuất bản phục vụ bạn đọc Hàn Quốc. Ông Kim còn nhấn mạnh việc Viện Xúc tiến Công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc sẽ hỗ trợ cho việc trao đổi, mua bán bản quyền sách tại Việt Nam.
Một đơn vị xuất bản Hàn Quốc giới thiệu phiên bản sách điện tử trong Hội sách |
Nhận định về thị trường sách điện tử, ông Kim YeongJin cho rằng đây là một thị trường còn mới nhưng có nhiều cơ hội, người trẻ hiện nay tập trung vào công nghệ, smartphone càng nhiều. Ông cho rằng những “người tiêu dùng sách” đang sử dụng điện thoại di động rất nhiều và công việc của những người làm sách tại Hàn Quốc là chuyển đổi phương thức sử dụng sách từ sách truyền thống sang sách có thể sử dụng tiện lợi trên điện thoại di động.
Ông Kim cho biết dự kiến tháng 12/2018 Viện Xúc tiến Công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc sẽ cho ra mắt website cập nhật các đầu sách đang xuất bản, giới thiệu các nhà xuất bản của Hàn Quốc bằng nhiều ngôn ngữ quốc tế để nhà xuất bản các nước trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận hơn với nền xuất bản Hàn Quốc.
Bàn về giao dịch tác quyền, ông Lê Hoàng cho biết vừa qua có một số khó khăn nhất định trong việc mua bán bản quyền giữa các doanh nghiệp xuất bản của hai nước: đó là phía Hàn Quốc định giá bản quyền cao từ lần bán đầu tiên, trong khi số ấn phẩm xuất bản cho lần đầu của các nhà xuất bản Việt Nam không cao (tầm 2,000 bản), việc định giá cao sẽ hạn chế cơ hội để có thể mua bán được nhiều hơn bản quyền sách.
Ông Lê Hoàng gợi ý, bên bán bản quyền có thể đưa ra mức giá gợi ý tương đối và chào bán ở nhiều nhà xuất bản, tạo điều kiện bên mua chủ động đưa ra mức giá mua khi có sự cạnh tranh giữa các đơn vị với nhau; hoặc phương án khác là giá tác quyền không định mức quá cao cho một số lượng cụ thể sách in lần đầu với thời hiệu cụ thể (1 hay 2 năm). Từ lần tái bản sau trở đi thì căn cứ trên mãi lực của thị trường và sự cạnh tranh của các nhà xuất bản bên mua, bên bán có thể đưa ra mức giá bán thích hợp.
Tiếp thu ý kiến gợi ý của ông Lê Hoàng, ông Kim YeongJin sẽ truyền đạt thông tin với các nhà xuất bản Hàn Quốc, đặt biệt là 23 đơn vị đang tham gia trong ngày hội sách bản quyền năm nay tại TP. Hồ Chí Minh. Phía Viện Xúc tiến Văn hóa Xuất bản Hàn Quốc chia sẻ thêm, khi có nhu cầu giao dịch bản quyền, các nhà xuất bản Việt Nam có thể mua bản quyền sách Hàn Quốc hoặc giao dịch trực tiếp hoặc thông qua công ty kết nối về bản quyền, hoặc có thể liên hệ với Viện Xúc tiến Văn hóa xuất bản Hàn Quốc để được hỗ trợ tư vấn thêm.
Bên cạnh đó, ông Kim Yeong giới thiệu thêm về chương trình huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ xuất bản, mà các đơn vị xuất bản Việt Nam có thể tham gia. Ông cho rằng các chương trình đào tạo nghiệp vụ như marketing, thiết kế sách, phân tích và nhận định thị trường sách là một trong những nội dung đào tạo mà ông nghĩ sẽ phù hợp với các đơn vị xuất bản Việt Nam. Đặc biệt, Viện Xúc tiến Công nghiệp Xuất bản Hàn Quốc có nguồn ngân sách cho chương trình này, Hàn Quốc có hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị xuất bản Việt Nam khi Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp xuất bản Việt, muốn sang Hàn Quốc để học tập nghiệp vụ.
Ngoài ra, các chuyên viên ngành xuất bản Hàn Quốc sẵn sàng sang Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm trong các workshop hoặc hoàn toàn có thể kết nối để tổ chức đoàn các nhà xuất bản Việt Nam sang Hàn Quốc để giao lưu về phương pháp sản xuất mới, tìm hiểu ngành xuất bản Hàn Quốc từ giai đoạn đầu đến khi phát hành sách, hoặc làm thế nào để xuất bản sách với số lượng ít…
Hai bên cũng thống nhất, sau Hội sách bản Quyền 2018 tại TP.HCM lần này, Viện Xúc tiến Văn hóa Xuất bản Hàn quốc sẽ định kỳ cung cấp thông tin về những đầu sách bán chạy trên thị trường cũng như giới thiệu các nhà xuất bản có mảng nội dung xuất bản phẩm phù hợp với nhu cầu đọc của người đọc Việt Nam để các nhà xuất bản, doanh nghiệp sách Việt Nam tiếp cận, thuận lợi cho việc hợp tác cho cả hai bên.
Minh Thư (t/h)