(Cinet) - Từ ngày 27 - 28/10, tại TP Quy Nhơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Ðịnh - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI- XV)”.
Gốm Chawmpa. Ảnh: Dân Trí |
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu tham dự sẽ cùng tập trung vào các vấn đề: Nghiên cứu một cách có hệ thống lịch sử hình thành, phát triển của các trung tâm sản xuất gốm cổ ở tỉnh Bình Định và vấn đề chủ nhân của các lò gốm này; Nghiên cứu so sánh làm rõ loại hình, đặc trưng, niên đại và vai trò của gốm Bình Định trong đời sống văn hóa, xã hội Champa và Đại Việt trong lịch sử; Nghiên cứu làm rõ vai trò và vị thế của gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á; Tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ mối quan hệ của vương quốc Vijaya với kinh đô Thăng Long - Đại Việt và với các vương quốc ở Đông Nam Á, châu Á trong lịch sử.
Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả quốc tế. Trong số này, tiêu biểu có PGS.TS Mariko Yamagata, giảng viên ĐH Khoa học Okayama (Nhật Bản); PGS.TS Jose Eleazar R.Bersales, giảng viên ĐH San Carlos (Philippines); PGS.TS Sakai Takashi, Viện sau đại học về Lịch sử Nghệ thuật, ĐH Quốc gia Đài Loan; TS Yokkaichi Yasuhiro, giảng viên ĐH Nghệ thuật Okinawa (Nhật Bản); TS Besatrice Wisniewski, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Pháp)...
Ngoài ra, Ban tổ chức Hội thảo còn mời thêm hàng chục đại biểu quốc tế đến từ Hội nghiên cứu Gốm sứ Đông Nam Á (Singapore), là chuyên gia nghiên cứu gốm sứ cổ, những người chuyên nghiên cứu nghệ thuật cổ Đông Nam Á, chuyên gia khảo cổ học.
Theo chương trình Hội thảo, ngày 27/10, các đại biểu, nhà nghiên cứu dự Hội thảo sẽ tham quan các di tích văn hóa Champa trên địa bàn tỉnh (di chỉ gốm cổ Gò Sành, Trường Cửu, Gò Cây Me, tháp Dương Long...) và phòng trưng bày hiện vật văn hóa Champa tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ðây được xem là cơ hội quảng bá rộng rãi hơn giá trị di sản văn hóa Champa ở Bình Ðịnh.
Lan Anh (t/h)