(Tổ Quốc) - Năm 2022 đánh dấu một bước tiến quan trọng của lĩnh vực bản quyền Việt Nam khi Việt Nam gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Bảo vệ sự sáng tạo và văn hóa
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý giải quyết những vấn đề này, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 02 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT).
Sau quá trình xem xét, ngày 17/02/2022 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước WCT và từ ngày 01/7/2022 là thành viên của Hiệp ước WPPT. Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Với hành lang pháp lý phát triển như vậy, trong sân chơi chung, chúng ta cũng không là ngoại lệ. Để đảm bảo việc bảo hộ trong nước cũng như quốc tế, các Hiệp ước này đã tạo điều kiện cho mọi người đưa tác phẩm của mình tới thế giới cũng như bảo vệ các tác phẩm ở những nước khác.
Trong kỷ nguyên số, Hiệp ước WCT chính là "Thừa nhận sự cần thiết đưa ra những quy định quốc tế mới và xác định rõ nội dung của các quy định hiện có nhằm đặt ra các giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề nảy sinh do sự phát triển mới về nền kinh tế, xã hội, văn hóa và công nghệ". Đồng thời, thừa nhận ảnh hưởng sâu rộng của sự phát triển và thành tựu của công nghệ tin học và truyền thông đối với việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học và nghệ thuật…
Hiệp ước WPPT "Thừa nhận nhu cầu đưa ra những quy tắc quốc tế mới để tạo ra những giải pháp thỏa đáng đối với những vấn đề do sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và kỹ thuật đặt ra. Thừa nhận ảnh hưởng sâu rộng của sự phát triển và thành tựu của công nghệ tin học và truyền thông về sản xuất và sử dụng các cuộc biểu diễn và bản ghi âm…".
Việt Nam gia nhập 2 Hiệp ước quốc tế sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức như, khuyến khích sáng tạo trong môi trường số, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút đầu tư và bảo vệ sự sáng tạo và văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội có được từ việc gia nhập 2 Hiệp ước này thì Việt Nam cũng phải chuẩn bị tâm thế, khắc phục những hạn chế, thách thức bởi đây là 1 "sân chơi" quốc tế, chẳng hạn như năng lực thực thi trong môi trường số của chúng ta chưa hoàn toàn đáp ứng hay ý thức tuân thủ pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên Internet chưa cao.
Mở rộng phạm vi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan
Việt Nam gia nhập 2 Hiệp ước sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước ta với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong quá trình chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời thể hiện việc Việt Nam thực hiện nghiêm túc cam kết trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như các Hiệp định CPTPP, EVFTA, VKFTA, VNEAEUFTA…
Việc gia nhập và thực hiện 2 Hiệp ước WCT và WPPT không ảnh hưởng tới hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam vì các quy định cơ bản của 2 Hiệp ước đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Việc Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua đã làm rõ quy định chi tiết nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số, đảm bảo cho việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan thuận lợi hơn.
Khi gia nhập 2 Hiệp ước WCT và WPPT cũng góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trên phạm vi quốc tế thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giáo dục… làm phong phú khả năng phục vụ đời sống tinh thần của công chúng. Đồng thời, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, giới hiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và tinh hoa văn hóa nhân loại tới Việt Nam.
Việc gia nhập 2 Hiệp ước WCT và WPPT cũng góp phần thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho thương mại điện tử phát triển lành mạnh.
Đối với quốc phòng, an ninh, Việt Nam gia nhập 2 Hiệp ước WCT và WPPT góp phần ổn định an ninh, trật tự thông qua việc bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Trong trường hợp thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan phương hại đến chủ thể và an ninh quốc gia thì Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền thực hiện quyền của mình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 7, Luật Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh các tác động kể trên thì việc Việt Nam gia nhập 2 Hiệp ước WCT và WPPT còn có 1 số tác động khác như, cơ quan quản lý, thực thi sẽ phải xử lý nhiều vụ việc liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.