(Tổ Quốc) - Giữ gìn những chứng tích, di tích của chiến tranh để gửi gắm khát vọng hòa bình, đó là thông điệp mà Bảo tàng Di tích chiến tranh ở Vườn nghệ thuật Sông Thương muốn lan tỏa.
Với đất nước trải qua hai cuộc chiến trường kỳ kéo dài gần một thế kỷ, chiến tranh đã để lại nhiều mất mát, đau thương. Bởi vậy, những bảo tàng về di tích chiến tranh không ít. Ngoài Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh, tại Hà Nội và rải rác nhiều tỉnh cũng có những bảo tàng về di tích chiến tranh của các cá nhân, tổ chức. Giữ gìn những chứng tích, di tích của chiến tranh để gửi gắm khát vọng hòa bình, đó cũng là thông điệp mà Bảo tàng Di tích chiến tranh ở Vườn nghệ thuật Sông Thương (Sông Thương Garden- số 64, Tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) muốn lan tỏa.
Thông điệp hòa bình từ di tích chiến tranh
Không gian lưu giữ di tích chiến tranh tại Sông Thương Garden |
Từ ý tưởng của nhà văn Sương Nguyệt Minh với mong muốn tạo lên một không gian xanh, sạch, đẹp cho thế hệ trẻ vui chơi, giải trí, trải nghiệm lành mạnh tại Bắc Giang, Vườn nghệ thuật Sông Thương đã ra đời và hoạt động hơn 1 năm qua. Cho đến nay, đây không chỉ là khu vui chơi cho giới trẻ mà còn là nơi gìn giữ nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật của vùng đất Kinh Bắc.
Ngày 29/8, Bảo tàng Di tích chiến tranh được khánh thành và đi vào hoạt động tại Vườn Sông Thương góp thêm một điểm nhấn quan trọng vào góc Văn hóa của Sông Thương Garden.
Một góc đồn Phồn Xương |
Tại đây, được trưng bày sơ đồ trận đánh sông Như Nguyệt lừng lẫy năm 1077 do Lý Thường Kiệt chống quân Tống xâm lược; sơ đồ Chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang gây trấn động của nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh; hình ảnh một phần đồn Phồn Xương- căn cứ của nghĩa quân Đề Thám.
Bảo tàng cũng lưu giữ, phục dựng những đau thương mất mát của chiến tranh theo các chủ đề: Nhà tù; Chất độc màu da cam; Chiến trận; Hành trang người lính; Chiến trường – máu và hoa … cùng với nhiều hiện vật đặc sắc và phong phú như: Máy chém thời thực dân Pháp; các vỏ bom của Mỹ; Vỏ đạn phảo “Vua chiến trường”; Vỏ đạn cối; Những hình ảnh của các cánh rừng bị tàn phá do chất độc màu da cam gây ra …
Mô hình máy chém của Thực dân Pháp được trưng bày tại Di tích chiến tranh |
Những hiện vật tại bảo tàng không chỉ được sưu tầm từ những chiến trường xưa mà còn được các tướng lĩnh, sĩ quan và nhà văn – nhà thơ nổi tiếng trao tặng lại như: Chiếc ống nhòm của lính Mỹ được nhà văn Nguyễn Trọng Luân lưu giữ; Mũ sắt, ăng gô của nhà văn Nguyễn Hữu Thọ sử dụng trong mặt trận Quảng Trị; và đặc biệt là cuốn sổ nhật ký nhỏ được người lính ở hai bên chiến tuyến cùng sử dụng của ông Luân nhặt được từ một trưởng xe thiết giáp Quân đội Việt Nam cộng hòa.
Với những hiện vật được chọn lọc kĩ lưỡng, được sắp xếp theo từng chủ đề riêng biệt mà hài hòa, Bảo tàng Di tích chiến tranh tạo nên một không gian hoài niệm về những quãng thời gian máu lửa mà đất nước và con người Việt Nam đã trải qua.
Những hiện vật của chiến tranh |
Bảo tàng Di tích chiến tranh ở Sông Thương Garden không quá nặng về những hiện vật liên quan đến những sự kiện lịch sử. Ở đây, người xem có thể gặp những mảnh vỏ bom được dùng để trồng hoa, biểu trưng cho khát vọng vươn lên từ sự hủy diệt. Hay những vỏ bom được sắp đặt nghệ thuật để không mang những ám ảnh, nặng nề. Những người thiết kế đã dùng những hiện vật chiến tranh không chỉ để gợi mở, mà còn là những chủ thể thẩm mĩ. Cùng với đó là những bức tranh, tượng... được các họa sĩ sáng tạo từ quá khứ chiến tranh. Như bức họa được vẽ lại từ bức ảnh Em bé Nalpal nổi tiếng quen thuộc nhưng khi đặt ở Bảo tàng Di tích chiến tranh vẫn có sức ám ảnh, day dứt người xem.
Bà Nguyễn Thị Mười, Tổng Giám đốc doanh nghiệp Mười Duyên, đơn vị đầu tư Vườn nghệ thuật Sông Thương chia sẻ: “Chiến tranh đã qua đi, và thời gian sẽ xóa nhòa tất cả nếu như không có những sự lưu giữ. Những hiện vật chiến tranh luôn có tiếng nói tự thân, sinh động và thuyết phục. Chúng tôi muốn khách tham quan sẽ tự cảm nhận về chiến tranh, về hòa bình từ những hiện vật ở đây”.
Những vỏ bom được sắp đặt nghệ thuật để không mang những ám ảnh, nặng nề |
Hiểu quá khứ để trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai, đó là thông điệp của những nghệ sĩ làm Bảo tàng Di tích chiến tranh của Sông Thương Garden.
Một góc văn hóa bên Sông Thương
Ngoài Bảo tàng Di tích chiến tranh, một trong những điểm nhấn của Sông Thương Garden là Khu vườn tái hiện các nhân vật trong truyện của Nam Cao và Vũ Trọng Phụng. Những nhân vật trong sách vở như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, giáo Thứ, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, Nghị Hách, Thị Mịch... được kết bằng cây xanh, bằng tượng hiển hiện giữa đời thực khiến các học sinh, sinh viên có thêm một địa điểm học ngoại khoá sống động.
Bức tranh Em bé Nalpal đầy ám ảnh |
Bên cạnh đó, một khung cảnh mang đậm Văn hóa Kinh Bắc với vườn cải bên sông, những lũy tre thấp thoáng cánh cò trắng mỗi buổi hoàng hôn… tạo nên một khung cảnh thơ mộng hiếm có giữa nhịp sống đô thị hóa hiện nay. Cùng với đó, khu nhà trưng bày văn hóa Kinh Bắc và thời bao cấp với những bộ bàn ghế cũ, xe đạp, nong nia, cối gạo, khung cửi dệt thổ cẩm; ga tàu điện Đồng Xuân; sân phơi với chum tương, hàng rào cúc tần, giếng cổ, giàn thiên lý, vườn hoa ven song, cầu tình yêu... đưa con người về với một không gian xưa cũ đầy hoài niệm. Định kỳ hàng tuần có các buổi biểu diễn văn nghệ như ca trù, quan họ, ngâm thơ….dành cho khán giả yêu nghệ thuật.
Một nửa vỏ quả bom được dùng để trồng hoa |
Tại Vườn nghệ thuật Sông Thương, du khách cũng sẽ được trải nghiệm các loại hình du lịch: chăm sóc rau tại nông trại rau sạch, vật nuôi, cắm trại, câu cá, vườn hoa.... trong một không gian đẹp, lãng mạn…
“Người ta không thể ước ao một buổi sáng đẹp hơn – Trời xanh lơ, tươi màu như vừa quét sơn. Một vài túm mây trắng lửng lơ. Không gian như rộng quang ra, ánh nắng chan hoà rực rỡ”- câu văn của “ông giáo Thứ”- nhân vật trong "Sống mòn" của Nam Cao (cũng là bức tượng được đặt ở Sông Thương Garden) từng nói dường như đúng để tả cảm xúc của mỗi người khi đặt chân đến nơi đây./.
Bài, ảnh: Dạ Minh