• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Có một Hà Nội đi vào hội họa từ cảm hứng văn chương của Nguyễn Đình Thi

Văn hoá 21/04/2023 14:55

(Tổ Quốc) - Chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức sự kiện giao lưu ra mắt sách "Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương". Cuốn sách đã dành những trang văn học và hội họa về một Hà Nội đầy mới mẻ, cảm xúc.

Những bức tranh của Hà Nội từ cảm hứng văn chương

Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương là artbook tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam kết hợp với những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác.

Có một Hà Nội đi vào hội họa từ cảm hứng văn chương của Nguyễn Đình Thi - Ảnh 1.

Cuốn sách "Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương"

Với 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại dẫn lối độc giả đi đến các miền đất trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu. Nhờ có văn chương, độc giả có khả năng đặt chân đến những nơi chốn mình chưa từng được tới. Chúng ta thấy mình ngồi trên tảng đá rêu, dưới bóng râm Côn Sơn khi ngâm ngợi vần thơ Nguyễn Trãi, chúng ta trầm trồ trước vẻ đẹp của miền đất Tây Tiến nhờ những câu thơ của Quang Dũng, chúng ta ghi nhớ dáng hình của sông Đà qua ngòi bút Nguyễn Tuân... và được đến Hà Nội với Nguyễn Đình Thi, Vũ Bằng.

Có một Hà Nội đi vào hội họa từ cảm hứng văn chương của Nguyễn Đình Thi - Ảnh 2.

Tranh màu nước của họa sĩ Trương Văn Ngọc trong tác phẩm "Mùa xuân của tôi" - Vũ Bằng (ảnh chụp lại)

Đọc "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi với những câu thơ: Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy… mang đến cho người đọc một bức tranh đầy cảm xúc. Và từ những câu thơ tài hoa này đã được họa sĩ Kim Duẩn thể hiện với một tác phẩm tranh màu nước với nhiều suy tưởng.

Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Minh Ngọc khi đọc lại Đất nước của Nguyễn Đình Thi và ngắm tranh của họa sĩ Kim Duẩn đã cho biết, bức tranh Đất Nước gợi cho tôi giàu suy tưởng, được vẽ bằng phong cách hội họa trừu tượng và hơi có chút siêu thực. Trong đó ký ức Hà Nội được tái hiện qua khuôn mặt, con mắt, cái nhìn hoài niệm quá khứ.

Có một Hà Nội đi vào hội họa từ cảm hứng văn chương của Nguyễn Đình Thi - Ảnh 3.

Hà Nội được họa sĩ Kim Duẩn vẽ từ cảm hứng bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (ảnh chụp lại)

Còn trong "Mùa xuân của tôi", Vũ Bằng viết: Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Việt Bắc thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng, Tết hết mà chưa hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác… được thể hiện bằng tranh màu nước của họa sĩ Trương Văn Ngọc.

Khi văn chương và hội họa "bắt tay"

Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương là hành trình mà cảnh sắc Việt đã bước vào văn chương để rồi tiếp tục trở lại trước mắt ta với những bức tranh. Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác. Đó là những bức tranh phong cảnh màu nước hay acrylic, bột màu hay sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kĩ thuật số… Mỗi tác giả một phong cách: lãng mạn của Trương Văn Ngọc, ấn tượng của Chu Hồng Tiến, hùng tráng của Vũ Xuân Hoàn… Tất cả hòa chung giai điệu ngợi ca vẻ đẹp Tổ quốc.

Có một Hà Nội đi vào hội họa từ cảm hứng văn chương của Nguyễn Đình Thi - Ảnh 4.

Các diễn giả chia sẻ việc văn chương và hội họa cùng bắt tay

Những vùng đất qua ngòi bút văn chương mang cách nhìn, tình cảm, sự tưởng tượng và sáng tạo của mỗi tác giả. Vì thế, các tác phẩm văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn đưa độc giả đi xa hơn những gì mình thấy hằng ngày. Hội họa tiếp bước những áng văn để tiếp tục hành trình đó, cho người đọc cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về những miền đất trên quê hương mình.

Chia sẻ thêm về sự bắt tay thú vị giữa văn chương và hội họa, Tiến sĩ Ngọc Minh cho rằng: Tác phẩm văn học là nguồn cảm hứng, sự gợi ý cho tác phẩm hội họa và có sức sống riêng của nó. Hội họa sẽ là tác phẩm độc lập, thậm chí có thể trở nên nổi tiếng như trường hợp họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ Truyện Kiều. Vì thế thưởng thức tác phẩm hội họa song song với việc đọc tác phẩm văn học không có gì chênh nhau, có thể cẩn thiết.

Đặc biệt khi cuốn sách "Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương " với phần lớn là tác phẩm trong sách giáo khoa, được giới thiệu đến các em học sinh thì sẽ thúc đẩy cảm xúc sáng tạo cho học sinh, ý thức được quyền năng sáng tạo, tiếp nhận sáng tạo, tiếp nhận văn học… Họa sĩ sáng tạo được hoàn toàn tự do sáng tạo qua tiếp nhận văn học của mình – tiến sĩ Ngọc Minh nhận định.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng cũng rất thích thú với sự bắt tay của văn chương và hội họa. Nhà văn cho rằng, để thành công thì họa sĩ vượt qua rào cản đây là minh họa nội dung để trở thành một bức tranh vừa đứng được độc lập vừa gắn kết nội dung.

Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện vẽ tranh qua tác phẩm văn chương, họa sĩ Trương Văn Ngọc cho rằng: "Trải nghiệm, nhận thức mỗi người một khác nhau . Bản thân tôi khi minh họa một chủ đề nào đó tôi sẽ tìm hiểu, cộng với trước đó nếu đã được đi thực tế. Nên khi nhận vẽ về một tác phẩm, chủ đề nào đó thì lập tức hình ảnh xuất hiện ngay trong đầu. Thực ra tôi không thể tuyệt đối hóa cảm xúc của mình để đem đến cho người đọc được vì mỗi người có cảm nhận, liên tưởng khác nhau. 

Nhưng thông qua câu chuyện, chi tiết đó, tôi cũng cố gắng cộng hưởng ngôn từ làm cho người đọc cảm nhận rõ nhất về hình ảnh đó. Khi minh họa tôi tìm hiểu tâm lý nhân vật để vẽ, đừng "trượt ra ngoài quá" vì mọi người sẽ không hiểu, tuy nhiên cũng không nên "bán quá" để có những khoảng trống cho độc giả".

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ