Đã từ lâu lắm rồi, khoảng hơn 30 năm trước, tôi may mắn được xem những bức tranh đầu tiên của hoạ sĩ Lê Bá Đảng ở VN. Đó là những bức in độc bản màu của ông gửi tặng cố Giáo sư Tôn Thất Tùng.
Đã từ lâu lắm rồi, khoảng hơn 30 năm trước, tôi may mắn được xem những bức tranh đầu tiên của hoạ sĩ Lê Bá Đảng ở VN. Đó là những bức in độc bản màu của ông gửi tặng cố Giáo sư Tôn Thất Tùng.
Ngày ấy, khi mà hội hoạ nước nhà vẫn trong một khuôn mẫu thì những hoà sắc mới mẻ trong tranh của ông thật ấn tượng. Từ đó đến giờ ông vẫn xuất hiện, vẫn sáng tác với sức làm việc thật đáng khâm phục.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật VN đang có một triển lãm của ông, những tác phẩm tiêu biểu cho cuộc đời sáng tạo không ngừng nghỉ của người hoạ sĩ đã qua tuổi 80 nhưng vẫn luôn luôn mới.
Cái luôn luôn mới của ông chính là sức sống luôn lạc quan, luôn tìm đến những biến tấu mới trên một chủ đề quen thuộc của chính ông đã theo đuổi suốt cuộc đời. Chủ đề đó là đất nước, là con người VN qua rất nhiều chặng đường. Ông có tham vọng tạo nên một không gian nghệ thuật của riêng ông trên chủ đề này. Và có thể nói ông đã thành công như ông từng tuyên bố: "Không gian Lê Bá Đảng không giống bất kỳ một không gian hay một phong cách nào của hội hoạ thế giới. Ông không phải trừu tượng cũng không phải siêu thực v.v... Ông là Lê Bá Đảng!".
Trong Bảo tàng Mỹ thuật lần này, những tấm tranh lớn của ông có thể nhận ra một kỹ thuật dùng màu không giống ai, ông vẽ mỏng, trong, kiệm màu nhưng chú trọng nhiều đến sắc độ. Điều này gợi cho người ta liên tưởng đến kỹ thuật thuỷ mạc. Tuy nhiên phần duy lý vẫn nặng hơn duy cảm, có thể thấy rõ thủ pháp này của ông trong những bức vẽ mèo.
Ông dùng bút đại tự đi những nét khoáng đạt như cách làm thư pháp. Bảng màu của ông uyển chuyển tế nhị, ông tránh không dùng những màu nguyên hoặc đối lập để tạo hiệu quả mà ông dùng độ đậm nhạt để làm nên bố cục của bức tranh. Hầu như tất cả những tác phẩm hội hoạ của ông đều để phụ hoạ cho một ý tưởng có sẵn và mang nhiều tính văn học, đôi khi là tính triết lý, vậy nên, dường như đứng trước những bức tranh của ông, người xem thán phục một kỹ thuật mới lạ còn phần xúc cảm lại bị hạn chế bởi chính ý tưởng ban đầu của ông quy định.
Trong hội hoạ, ý tưởng và đề tài là hai phạm trù khác hẳn nhau nhưng tương hỗ nhau. Đề tài sẽ đẻ ra một ý tưởng hội hoạ hoặc nói khác đi, một ngôn ngữ tạo hình.
Đề tài chiến tranh đến với danh hoạ Nguyễn Sáng để có được một ngôn ngữ của riêng ông trong bức "Kết nạp Đảng" chẳng hạn. Cảm xúc mãnh liệt của người hoạ sĩ đã hình thành nên, trong quá trình sáng tạo, một bố cục chặt chẽ, những đường nét khoẻ khoắn và một bảng màu sắc đậm.
Nhiều người nhận định rằng hội hoạ Lê Bá Đảng thu phục được một số đông quần chúng thích thưởng thức theo xu hướng tìm những ẩn dụ đôi lúc ngọt ngào, đôi lúc khắc nghiệt của một cấu tứ văn học, còn giới tạo hình trong nước, những người cùng bếp núc với ông lại chẳng mặn mà gì. Theo tôi điều này chưa hẳn là đúng, đành rằng ông luôn theo đuổi một ý tứ mà hình như đã đến trước khi ông cầm bút vẽ, nhưng ông cũng đã thành công ở chỗ đã hoá giải được nó bằng màu, bằng ánh sáng trong tranh, phải là người có tay nghề cao mới làm được việc này và chí ít màu sắc đã mang được trọn vẹn thông điệp của ông.
Để tạo nên một không gian riêng mang tên Lê Bá Đảng, ông đã bày những tác phẩm điêu khắc của mình rất đúng chỗ. Chỉ có điều tượng của ông, quả thật, mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn. Ông làm nhiều chất liệu, kim loại, gỗ, đá nhưng hơi thở, tiếng nói riêng của từng loại lại không thấy mà chỉ là những hình hài cụ thể, dễ dãi, đó là người đàn ông, đàn bà, là ngựa, hay là những nét chạm khắc cầu kỳ. Thế mới biết nghệ thuật khó khăn làm sao.
Nhưng điều đáng quý ở ông là một tấm lòng với cố hương và ông đã mang hết mình ra để giãy bày chân thành bằng đúng sức của mình.