(Tổ Quốc) - Chỉ trong những tác phẩm viết về Đà Nẵng của Thái Bá Lợi, người đọc mới gặp trực tiếp những người Đà Nẵng dân dã, bình dị, lam lũ và nghĩa hiệp, như chính thành phố những tháng năm nghèo cực. Anh đã là một nhà văn Đà Nẵng, theo tôi, không thể thay thế. Nói theo cách người Đà Nẵng, thì Thái Bá Lợi đã là nhà văn "của Đà Nẵng mình".
Tháng 6 năm 1975, khi từ Sài Gòn lên Đà Lạt rồi xuống Phan Rang, tôi bám càng xe của đoàn nhà văn miền Trung do nhà văn Nguyên Ngọc và nhà văn Nguyễn Chí Trung dẫn đầu, đi dọc đường số Một qua các tỉnh miền Trung ra Đà Nẵng. Chỉ mấy ngày ở Đà Nẵng, nhưng tôi đã kịp quen và chơi với Thái Bá Lợi. Căn do là hồi ở chiến trường Nam Bộ, tôi đã được đọc truyện ngắn "Lòng cha" của Thái Bá Lợi in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn ấy khiến tôi rất xúc động. Không ngờ, ngay sau chiến tranh, tôi đã được gặp tác giả truyện ngắn tại Đà Nẵng. Chúng tôi lập tức thành bạn, như không thể khác. Tôi quen tính giang hồ tứ hải giai huynh, mà hình như Thái Bá Lợi cũng gặp tôi ở tính ấy. Chúng tôi chơi với nhau từ bấy tới nay đã giáp 47 năm. Nếu Trời còn cho sống, khéo kịp làm cái kỷ niệm nửa thế kỷ bạn bè ăn nhậu.
Tôi với Lợi giống nhau ở chỗ, đã gặp nhau là nói đủ chuyện trên trời dưới biển, chỉ trừ chuyện văn thơ. Những tác phẩm văn xuôi của Lợi, tôi chỉ đọc khi anh đã viết xong, đã in thành sách. Ngược lại, những thể loại thơ tôi viết, Lợi cũng chỉ đọc khi tôi đã viết xong, hoặc đã in sách.
Có một lần, gần như duy nhất, tôi nghe Thái Bá Lợi nhận xét thơ tôi: "Ông Thanh Thảo làm thơ rất chính xác, tới từng từ." Tôi cho đó là nhận xét rất đáng giá của một nhà văn xuôi với thơ mình, dù rất ít khi nghe người ta khen thơ ai đó viết rất chính xác.
Ngược lại, tôi mê văn xuôi Thái Bá Lợi vì nhiều khi nó không văn xuôi lắm. Tôi không nói nó là thơ hay là gì, chỉ biết, từng câu văn anh nhà văn này viết ra hình như đã được anh "nấu chín" trong đầu từ trước.
Chỉ vậy thôi. Còn hồi ở Trại sáng tác quân khu Năm đó, mỗi khi hai chúng tôi đi với nhau thì toàn bàn chuyện làm sao kiếm tiền uống rượu với bạn bè. Có lúc, trộm vía bác Nguyễn Chí Trung Trại trưởng, hai chúng tôi cùng vài ba bạn nhậu đã khiêng cả chiếc bàn bằng sắt của Mỹ để lại, kiểu bàn làm việc "rất dài và rất to", rất nặng, mang đi… bán. "Đầu ra" đã có người bạn lo, thậm chí, anh bạn còn ứng trước 80 đồng để mấy anh em liên hoan rượu tây hẳn hoi. Thì cũng là "chiến lợi phẩm" Mỹ để lại thôi mà, anh em chúng tôi quen cách ở chiến trường, ngồi đâu chả viết được, cần chi bàn sắt to nặng kềnh càng. Rượu vào lời ra, không phải chuyện văn chương, nhưng cứ nói đủ chuyện bá láp linh tinh, chúng tôi lại học được từ nhau khá nhiều. Những chuyện đó, sau này, đều vào được văn xuôi của Thái Bá Lợi và thơ của tôi. Ngoài những người bạn chung, Lợi có "kênh bạn" của Lợi, tôi có kênh bạn của tôi, nhưng nhiều lúc cũng nhập đàn luôn, cho vui.
Chúng tôi là những anh chàng, hồi ấy còn trẻ, rất ham vui. Thêm một anh bạn thi sĩ từ trong thành là Vũ Hữu Định lại "siêu ham vui", nên hay bày đủ chuyện, vui tới mức, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Huế cũng thích quá, thường bắt xe đò vào Đà Nẵng nhậu vui với chúng tôi. "Giàu vì bạn", câu ấy rất chân lý. Còn "nợ vì bạn" cũng chân lý luôn. Có lần, anh Trịnh Công Sơn vào Đà Nẵng với chúng tôi lúc đã gần 9 giờ đêm. Gặp rủi, đêm đó chúng tôi hết tiền, nhưng gặp may, tôi với Lợi biết tủ lạnh của cơ quan ở 10 Lý Tự Trọng có thịt heo dự trữ, hai chúng tôi bèn tới cơ quan. Lợi gác ngoài hàng rào, còn tôi leo rào vào "khoắng" vài miếng thịt heo của cơ quan, mang về xào xào nấu nấu thành mồi nhậu đãi anh Trịnh Công Sơn. Rượu thuốc mua chịu bà bán rượu gần nhà, rất ổn.
Cứ như thế, mấy năm ở Trại sáng tác Đà Nẵng, Thái Bá Lợi viết được cả truyện vừa lẫn tiểu thuyết gây được tiếng vang. Hồi đó, nói "vang" là vang trái chiều, không êm như vang Pháp hay vang Chile bây giờ. Nhưng chẳng sao. Chúng tôi vẫn vui, mặc ai nói thế nào thì nói. Riêng tôi cũng viết được 2 cái trường ca, in được một tập thơ đầu tay viết từ hồi chiến tranh nhưng "tồn đọng" tới sau hòa bình. Như thế, với Trại trưởng anh minh Nguyễn Chí Trung, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính. Còn ba cái lẻ tẻ như nhậu nhẹt vui chơi, không tính. Tôi đặc biệt biết ơn anh Nguyễn Chí Trung vì sự hào hiệp này.
Những năm ấy, các tác phẩm của Thái Bá Lợi chủ yếu viết về chiến tranh, nhưng đều "dính" rất sâu tới Đà Nẵng. Khi tôi đọc tiểu thuyết ngắn "Bán đảo" của Lợi, tôi đã sửng sốt. Vì tiểu thuyết này quá hay. Lại viết về những người bạn chung và riêng của hai chúng tôi, nên đọc rất thú vị. Trước đó, tôi đã về Quy Nhơn tạm cư, còn Thái Bá Lợi thì ra Hà Nội học ở trường viết văn Nguyễn Du khóa 1. Tôi không nhớ rõ "Bán đảo" Lợi viết xong năm nào, nhưng khi anh in sách, thì tôi đã về định cư ở Quảng Ngãi. Tôi có viết một bài báo ngắn về tác phẩm mà tôi yêu thích này, in ở báo Văn nghệ, hình như in cả ở tạp chí Sông Hương, nhưng bản thảo bây giờ đã hoàn toàn thất lạc. Dạo đó, có lần ra Hà Nội, tôi gặp nhà văn Ma Văn Kháng ở Hội Nhà văn. Anh Kháng rất khen bài viết về tiểu thuyết "Bán đảo", và muốn tôi viết cho tiểu thuyết của anh một bài "hay như thế". Tôi chỉ cười, vì cú "đặt hàng" này hơi bị khó với tôi.
Đó là tiểu thuyết ngắn viết về Đà Nẵng của Thái Bá Lợi, mà theo tôi, nó đã khiến Đà Nẵng có dáng dấp một "Thành phố đáng sống" ngay từ ngày ấy. Dù hồi ấy Đà Nẵng còn rất nghèo. Song những nhân vật trong tiểu thuyết của Lợi còn nghèo hơn. Nghèo mà vui, rất ân tình, và hào hiệp. Những phẩm chất sau này đã đưa Đà Nẵng chính thức lên hàng "Thành phố đáng sống". Và đó là thời của "Câu chuyện Đà Nẵng", một tiểu thuyết viết về một nhân vật có công rất lớn với Đà Nẵng, được viết sau khi nhân vật ấy qua đời… Nhưng đã nói tiểu thuyết, thì đó là câu chuyện của rất nhiều người, nhiều nhân vật, nhiều hoàn cảnh, và đủ những "hỉ nộ ái ố ai lạc", những thăng trầm của những phận người, những được mất của cả một thành phố đang thay hình đổi vóc. Trong tiểu thuyết của Thái Bá Lợi, nhân vật chính bao giờ cũng là những thường dân, là nhân dân, là bạn bè hay đồng đội của tác giả. Chính những nhân vật "phó thường thường" ấy tạo nên sự gần gũi, tạo nên cảm xúc cho tác phẩm, dù tác giả luôn giữ cho mình một giọng điệu bình tĩnh, không sướt mướt.
Đó là câu chuyện về việc xây cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, khi cây cầu vừa xây xong, thì ông chủ nhà thầu phải đi tù, ông chủ đầu tư suýt bị bắt, cùng bao nhiêu chuyện dở cười dở khóc khác.
Cách đây ít lâu, một số vị trí thức ở ta đã khen Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer vì ông này đã có công xây cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, cây cầu mang tên ông, về sau đổi thành cầu Long Biên.
Đúng là cầu Long Biên là cây cầu dài nhất ở Việt Nam vào thời Toàn quyền Paul Doumer, nhưng khi tôi đọc trong từ điển mở Wikipedia về vị Toàn quyền thực dân này, tôi đã chóng cả mặt vì được biết:
"Năm 1895, khi làm Bộ trưởng tài chính Pháp, Paul Doumer đã ban hành thuế thu nhập. Từ những quan hệ chằng chịt nơi hậu trường, ông rời chính phủ sang Đông Dương làm Toàn quyền. Dưới thời cai trị của ông, Đông Dương lần đầu tiên trở thành thuộc địa tạo ra lợi nhuận cung ứng cho Pháp chứ không cần rót tiền sang đầu tư, nhưng cái giá phải trả chính là sự đau khổ của người Việt Nam, khi mà Doumer đã tăng cường đánh thuế, bóc lột triệt để các nguồn lực ở thuộc địa để lấy đó làm lợi nhuận cho chính quốc Pháp." ( Mục Paul Doumer-Wikipedia nguồn mở).
Nói thêm, có một thời, trước khi đi chiến trường vài năm, hàng ngày tôi đều có dịp đi bộ hoặc đi xe đạp qua cầu Long Biên. Cây cầu già nua này đã nằm trong ký ức của tôi, và ở tận chiến trường Nam Bộ, tôi vẫn luôn nhớ về nó như nhớ một người thân của mình.
Khi xây cầu Long Biên, dĩ nhiên ông Paul Doumer có mục đích cho dân thuộc địa Việt đi qua lại, nhưng rõ ràng ông ta còn thêm nhiều mục đích khác, trong đó có không ít mục đích chẳng hề mang lợi ích cho dân Việt Nam.
Ngược lại, khi ông Nguyễn Bá Thanh chủ trương xây cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, thì chỉ có một một mục đích duy nhất là cho dân đi. Nhưng ông và những cộng sự của mình đã chịu rất nhiều thăng trầm… So với ông Paul Doumer xây cầu Long Biên, thì ông Nguyễn Bá Thanh vất vả hơn nhiều.
Nhưng cây cầu đầu tiên vẫn là niềm hãnh diện của người Đà Nẵng, và từ đó, những cây cầu tiếp sau vẫn được xây, để tròn con số 9 cây cầu bắc qua sông Hàn. Sông Hàn dĩ nhiên hẹp hơn sông Hồng, nhưng 9 cây cầu ở một thành phố Việt Nam, quả thật là một con số quá lớn lao, gây choáng ngợp không chỉ cho người dân Đà Nẵng.
Nếu tôi nhớ không nhầm, thì có 8 cây cầu bắc qua thủ đô Buda Pest của Hungary, nó làm nên điểm nhấn tuyệt vời cho thu đô này.
Đà Nẵng có 9 cây cầu bắc qua sông Hàn.
Khi người xây cầu ấy qua đời, Thái Bá Lợi đã viết về người xây cầu, viết về Đà Nẵng như viết một câu chuyện cổ tích mới. Anh đã gắn bó với Đà Nẵng không chỉ những lúc vui, mà có nhiều lúc rất buồn, rồi tự mình lại noi theo thành phố, gượng dậy, đứng lên, lấy năng lượng từ chính thành phố, từ chính mình, từ chính những con người Đà Nẵng mà anh đã thân thiết qua rất nhiều năm để viết tiếp những tác phẩm.
Dù Thái Bá Lợi sau này đã viết tiểu thuyết "Trùng tu" cực hay về Huế trong Mậu Thân 1968, nơi anh cùng trung đoàn mình đánh vào Huế, trụ ở kinh thành Huế mười mấy ngày đêm kinh khủng, thì anh vẫn là nhà văn của Đà Nẵng.
Thái Bá Lợi thích la cà nhậu nhẹt với "thưa các bác nhân dân", đủ thành phần nhân dân Đà Nẵng. Thế nên, chỉ trong những tác phẩm viết về Đà Nẵng của Thái Bá Lợi, người đọc mới gặp trực tiếp những người Đà Nẵng dân dã, bình dị, lam lũ và nghĩa hiệp, như chính thành phố những tháng năm nghèo cực.
Anh đã là một nhà văn Đà Nẵng, theo tôi, không thể thay thế. Nói theo cách người Đà Nẵng, thì Thái Bá Lợi đã là nhà văn "của Đà Nẵng mình".
Tôi tuy không phải là nhà thơ của Đà Nẵng, nhưng vào tháng 5/1976, khi mới về Trại sáng tác văn học Đà Nẵng, tôi đã viết được một bài thơ ngắn về những chị nữ công nhân bốc vác ở bến cảng sông Hàn, nơi cách Trại sáng tác của chúng tôi chỉ vài trăm mét. Đó là bài thơ viết về những người nữ công nhân bốc vác nghèo khổ đã khiến tôi xúc động, trước khi nó có thể gây xúc động cho những ai. Đó như một chùm hoa dại nhỏ bé tôi kính tặng Đà Nẵng thời gian khó, nơi tôi đã sống và viết trong khoảng 3 năm, từ 1976 tới 1979.
BẾN SÔNG HÀN BUỔI TRƯA
buổi trưa các chị xuống giặt giũ ở sông Hàn
những tấm áo lấm bụi đầm mồ hôi
làm mặt nước tỏa những viền sóng nhỏ
hoa phượng ném giữa trời xanh từng vốc lửa
dăm bảy con tàu gối bến ngủ lơ mơ
nghe thanh thản trên lưng người bốc vác
lúc những bao hàng nặng đã qua
trong thấm mát các chị mềm như nước
trầm xuống bến sông giữa những chiếc neo tàu
quanh bóng phượng những lon cơm từ từ giở ra
một ít cá kho với nhiều rau muống luộc
mấy củ khoai của vùng đất cát
nắng hầm hập mặt đường. Các chị ăn trưa
những cháu bé ở nhà
chắc giờ này đã ngủ
những con tàu nằm ngoan như trẻ nhỏ
nắng dồn xuống dây phơi
những chiếc áo khô rồi
bao viền sóng mặn mồ hôi
đã lặng tan mặt trời lấp loá
các chị trải chiếu tìm phút chợp mắt ban trưa
từ biển bỗng phả sang mùi mắm cá
và hơi thở đều đều yên ả
của con tàu người bốc vác dòng sông
làm đầy lên ngọn gió
thổi mát qua thành phố suốt trưa nồng
5-1976