Dường như không ai bảo ai nhưng mỗi họa sĩ đều trăn trở ấp ủ để cho ra đời những tác phẩm ý nghĩa nhất, giá trị nhất hướng tới sự kiện chào đón thời khắc lịch sử nghìn năm tuổi của Thủ đô vào năm 2010. Cuộc triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2009 đã diễn ra tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền cho chúng ta cảm nhận những tình cảm nồng nhiệt đó từ các nghệ sĩ.
Dường như không ai bảo ai nhưng mỗi họa sĩ đều trăn trở ấp ủ để cho ra đời những tác phẩm ý nghĩa nhất, giá trị nhất hướng tới sự kiện chào đón thời khắc lịch sử nghìn năm tuổi của Thủ đô vào năm 2010. Cuộc triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2009 đã diễn ra tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền cho chúng ta cảm nhận những tình cảm nồng nhiệt đó từ các nghệ sĩ.
Đi tìm hình tượng cô đọng mang tính biểu trưng để nêu bật những tinh túy của nền văn hiến nghìn năm là điều trăn trở của nhiều nghệ sĩ. Bức tranh lụa "Dấu xưa oai hùng" của họa sĩ Vũ Đình Tuấn là một sáng tạo thành công. Những huyền thoại của Hà Nội về rồng vàng bay lên từ mặt nước sông Hồng trước mũi thuyền của vua Lý Công Uẩn, ngựa trắng đền Bạch Mã, rùa vàng hồ Hoàn Kiếm được tác giả diễn tả khéo léo qua ngôn ngữ trang trí gợi thực. Huyền thoại được đan xen cùng những di vật nghệ thuật truyền thống được tìm thấy ngay tại mảnh đất Thăng Long từ đồ đồng Đông Sơn, những mảnh tháp trang trí rồng cuộn tròn thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần... Lịch sử hào hùng của Thăng Long được diễn tả cô đọng trên một nền màu trầm ấm, sang trọng và đậm chất truyền thống, cả trên chất liệu và ngôn ngữ thể hiện. Bức tranh khắc thạch cao "Thăng Long mùa lễ hội" của họa sĩ Nguyễn Tùng Ngọc lại mở ra một góc nhìn dân gian với màu sắc rực rỡ, tươi vui thể hiện nét đẹp lễ hội của Hà Nội. Với những nét khắc và bảng màu đậm chất dân gian của hồng điều, đỏ cờ, xanh lá mạ, vàng hoa hiên, họa sĩ thể hiện một cách phóng khoáng tinh thần lễ hội giàu chất truyền thống trên mảnh đất nghìn năm tuổi. Cũng theo xu hướng tìm tòi hình tượng mang tính biểu trưng còn có các tác phẩm "Khát vọng ngàn năm" (lụa) của Trần Xuân Bình, "Hương sen Thành cổ" (sơn mài) của Tạ Phương Thảo, "Thành phố hòa bình" (sơn mài) của Đỗ Thị Ninh, "Hào khí Thăng Long" của Trần Quân, "Thăng Long địa linh nhân kiệt" (sơn mài) của Ngô Chính.
Hầu như tất cả các sự kiện lịch sử bi tráng và hào hùng của Thủ đô Hà Nội đều được lưu giữ lại trên các tác phẩm hội họa như những ký ức không thể quên của thành phố ngàn tuổi. Đó là những tác phẩm "Ngày tản cư" của Nguyễn Quốc Huy, "Hà Nội 1946" của Nguyễn Anh Lanh, "Tháng 12 - Điện Biên Phủ trên không" của Trịnh Bá Quát, "Hà Nội chiến thắng" của Trần Từ Thành, "Hà Nội tháng Chạp 1972" của Bùi Anh Hùng... Hình tượng Bác Hồ, vị lãnh tụ của dân tộc gắn bó mật thiết với Thủ đô Hà Nội là đề tài được nhiều nghệ sĩ khai thác. Đó là hình ảnh Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập trong tác phẩm sơn dầu của Nguyễn Hữu Ngọc, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập giữa quảng trường Ba Đình trong bức sơn mài "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Nguyễn Ngọc Mỹ, tình yêu vô bờ Bác dành cho các em thiếu nhi trong bức tranh khắc thạch cao "Em mơ gặp Bác Hồ" của Ái Thi...
Phần lớn các họa sĩ khác đi tìm những nét đặc trưng, đậm chất Hà Nội trong phong cảnh phố xá, lễ hội, chợ hoa, những công trình kiến trúc tiêu biểu, trên những chân dung, bố cục người trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Đó là nắng thu vàng ấm áp rọi sáng bức tường cổ rêu phong của Ô Quan Chưởng trong tranh của Đỗ Huy Thanh, ánh bình minh làm ửng hồng cầu Long Biên với những em học sinh, những người lao động đạp xe bắt đầu một ngày mới trong tranh của Đỗ Đức Khải, bóng nắng ngả chiều hắt màu vàng kim sơn mài lộng lẫy lên bức tường đất, đụn rơm, mái ngói một làng ngoại ô trong tranh của Nguyễn Phúc Lợi, bầu không khí lãng mạn phủ lên những chùm hoa bằng lăng, trên những mái ngói phố cổ trong tranh sơn dầu của Lê Văn Thành, vẻ đẹp hùng vĩ và cổ xưa của thiên nhiên Hà Nội với những tán cây đại thụ rợp bóng những mái lá trong bức "Phố chợ" của Nguyễn Đức Hòa, những đốm màu rực rỡ tươi vui trong "Phố chợ Hàng Bè" của Phạm Hoàng Vượng... Vẻ đẹp tinh thần và tính cách người Hà Nội được bộc lộ trên các tác phẩm "Mẹ cũng là cô giáo" của họa sĩ Nguyễn Lương Tiểu Bạch, "Ca trù" của họa sĩ Năng Hiển, "Chúng tôi tự hào là người Hà Nội" của Mai San, "Tuổi 17" của Phạm Luận...
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nhận xét: "Đã có một phong cách Hà Nội trong nghệ thuật tạo hình! Nhìn vào các cuộc triển lãm mỹ thuật Thủ đô trong những năm gần đây, đặc biệt càng tiến gần tới mốc kỷ niệm Đại lễ của Thủ đô, Hội đồng nghệ thuật chúng tôi càng nhận thấy chất Hà Nội rất rõ và đậm nét trên các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ý tưởng tranh sâu sắc hơn, màu sắc đậm đà, bố cục chặt chẽ, phong cách hào hoa, phóng khoáng hơn. Hà Nội vẫn luôn xứng danh là nơi hội tụ và tỏa sáng của các tài năng nghệ thuật, là niềm tự hào của các nghệ sĩ và nhân dân Thủ đô cùng cả nước".
Theo HNM