(Tổ Quốc) - Nhân Ngày sách Việt Nam 2019, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu ra mắt tập tản văn của tác giả Thái Kim Lan "Mai rồi mưa tạnh trong xuân".
Chương trình diễn ra vào lúc 10h, ngày 19/4 tại Sảnh chính Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội). Buổi giao lưu có sự tham gia của tác giả Thái Kim Lan, nhà văn Lê Phương Liên và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.
"Mai rồi mưa tạnh trong xuân" là tập tản văn gồm 45 "tiểu tự sự" của tác giả Thái Kim Lan. Những bài viết "hư ảo và nên thơ", "như sương như mưa" có thể khiến độc giả cảm nhận những thái cực cảm xúc trong một trái tim nhạy cảm và một cái đầu duy lý.
Bìa cuốn sách
Tác giả Thái Kim Lan là người con của xứ Huế, sinh ra và lớn lên tại Huế, "thấm đẫm Phật giáo từ ngày còn thơ", nhưng tác giả Thái Kim Lan lại dành hơn nửa thế kỉ gắn bó với nước Đức, là giáo sư giảng dạy triết học so sánh Đông - Tây ở quê hương của những triết gia lừng danh.
Sau bao năm xa quê hương, những tưởng bản tính Đức mạnh mẽ đã "bứng" Thái Kim Lan ra khỏi căn tính Huế. Có những lúc, Thái Kim Lan đã hoang hoải cảm thấy "chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà", nhưng rồi bỗng, một tiếng chuông chùa thoảng ngân, một cánh hoa hải đường bé bỏng, một nụ mai vàng chớm nở, "một vài sợi nắng le lói trên từng không" buổi giao mùa, màu áo trắng tinh khôi bảng lảng… đã níu giữ Thái Kim Lan lại với Huế.
Những câu chuyện tuổi thơ về Bà, về Mạ, về Chị, về những bạn học trường nữ sinh Đồng Khánh, trong những dịp Lễ Vu Lan, ngày Phạt đản, Tết Nguyên đán… hiển hiện tươi rói trong kí ức của tác giả, đưa người đọc trở về với những cảnh cũ người xưa "rặt Huế".
Ảnh cắt từ bìa cuốn sách "Mai rồi mưa tạnh trong xuân"
Huế hiện lên trong niềm thương nỗi nhớ thường trực khôn nguôi của tác giả, "cung đàn "Nhớ Huế" như được căng giây trên khắp mọi nẻo, chỉ cần một giọt nước mưa rơi trên cầu Bến Ngự, một chút nắng trên tàu chuối trong vườn Vỹ Dạ, một câu hò vẳng xa mô đó trong một bài thơ hay một tiếng rao hàng não nuột trên một trang giấy" là kí ức Huế lại bừng lên xôn xao.
Đi khắp phương trời, tác giả mới nghiệm ra rằng "đi mô cũng không đẹp bằng ở Huế". Để rồi "Chính trong giây phút nghe sông núi tĩnh lặng từ nghìn xưa còn đó, thấy tiếng hòa ca êm ái chảy tràn trong nắng xuân chơi vơi giữa sông, nếm được vị xuân nồng đang chuồi êm trên dòng Hương, sờ được màu tinh khôi của thời gian đang rải tơ xanh trên đỉnh Kim Phụng, nhận ra "dừng lại" cũng là "đang trôi" nơi sóng nước hồn nhiên dạt dào xuân tâm vô lượng, tôi chợt tìm thấy bóng mình đã in trong lòng sông ấy từ vô thủy vô chung."