Nhà thơ Xuân Diệu được mệnh danh là “Ông hoàng thơ Tình” trong phong trào Thơ Mới nhưng ít ai biết đến một nhà báo Xuân Diệu.
Nhà thơ Xuân Diệu được mệnh danh là “Ông hoàng thơ Tình” trong phong trào Thơ Mới nhưng ít ai biết đến một nhà báo Xuân Diệu.
Nói cho đúng thì Xuân Diệu “vào đời” bằng nghề viết báo. Ngay khi chàng thi sĩ “hiền hậu và say mê, tóc như mây vương trên đài trán thơ ngây” vừa đỗ tú tài tại Huế vào tháng 6-1936, Thế Lữ, vị thủ lĩnh thoạt kỳ thủy của Thơ Mới và trụ cột của báo Ngày Nay (phụ trách mục Thơ), cơ quan của Tự Lực Văn Đoàn, đã viết thư chào mời Xuân Diệu viết cho báo ông, cho dù lời “giục giã” thiết tha này cũng nhằm gây thanh thế cho Tao Đàn ấy:
“Anh Xuân Diệu, anh có thể ra ngay Hà Nội được không? Anh viết báo Ngày Nay giúp chúng tôi nữa: viết báo “kiếm ăn” được ít, nhưng có lẽ đó là thứ công việc hợp với chúng ta hơn. Ngoài sự làm thơ ra, anh sẽ viết những lối khác thuộc về văn chương mà anh thích: phê bình, tiểu thuyết, bút ký…v.v”.
Chẳng lạ lắm sao, thay vì khuếch trương “bổng lộc” của nghề báo để thu hút nhân tài như người đời vẫn làm, tác giả “Nhớ rừng” lại vận đến cái “nghiệp” văn chương để thuyết phục chàng Xuân vốn dĩ “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Tuy nhiên không nói thì ai cũng đoán ra, thi nhân “cha Đàng Ngoài mẹ ở Đàng Trong” lập tức đáp tàu lửa ra Hà Nội gia nhập báo Ngày Nay để rồi trở thành thành viên thứ bảy, cũng là thành viên cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn mà chủ đích là “ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước nhà mà có tính bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân” và nhất là “trọng tự do cá nhân”. Với lại, Hà thành từ nghìn năm luôn là “vùng trũng văn hóa” của cả nước Nam, ai là kẻ sĩ trong đời chả một lần mơ đầm mình Tràng An chốn ấy...
Báo chí quả như bom hạt nhân, tạo ra những vụ nổ dây chuyền làm thay đổi cả cục diện thi ca dân tộc. Nếu như Thế Lữ cùng báo Ngày Nay đã biết “hút” lấy Xuân Diệu để ấn định Chiến thắng tuyệt đối của Thơ Mới đối với lối thơ bác học nặng nề Khổng giáo tồn tại từ cả nghìn năm, thì đến lượt mình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới” lại có công tiến cử Huy Cận với độc giả nước nhà. Thực vậy, chính Xuân Diệu tự tay gửi “Chiều xưa” của bạn mình đến báo Ngày Nay bằng đường bưu điện để rồi lần đầu tiên thiên hạ biết đến có một thi nhân họ Cù khi tác phẩm đó được đăng trong số Tết 1938 (cùng khung với “Cảm xúc” của Xuân Diệu).
Thế rồi vẫn với tư cách “bà đỡ văn chương”, Xuân Diệu lại hết lòng giới thiệu Huy Cận như một phạm trù mới của thi ca đất Việt với bài phê bình “Thơ Huy Cận” trên số 166 báo Ngày Nay ra ngày 17/6/1939. Cho đến cuối đời, ông vẫn nhớ như in, rành rọt đọc cho tôi nghe: “Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài… vừa mạnh, vừa yếu, rất mới và rất xưa, rất Âu - Tây và rất Á Đông: nghĩa là cả con người, con người phức tạp của muôn thuở…”
Chưa hết, báo chí còn mang lại sự đa dạng trong sáng tác của người làm báo. Quả vậy, cũng chính nhờ làm báo Ngày Nay mà Xuân Diệu - nhà thơ bỗng thoắt phân thân thành Xuân Diệu - nhà viết truyện ngắn. Thì Thế Lữ chả nói đấy ư: “Ngoài sự làm thơ ra, anh sẽ viết những lối khác thuộc về văn chương mà anh thích: phê bình, tiểu thuyết, bút ký…v.v”.
Khỏi phải luận bàn, thi sĩ họ Ngô đã không bỏ lỡ những “sân chơi” trí tuệ ấy vì đơn giản ra Hà Nội là để “viết”. Nếu sự xuất hiện của Xuân Diệu đã làm cả làng thơ Việt Nam ngỡ ngàng, hay “khó mà nói được cái ngạc nhiên” như cảm giác đeo đẳng Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, thì cùng con người ấy lại làm ta kinh ngạc bởi “tay trái” văn xuôi sung lực chả kém “tay phải” thi ca của ông trong cùng giai đoạn: ngót hai chục truyện ngắn đã nối nhau “trình làng” trong quãng thời gian vỏn vẹn có hai năm rưỡi, cho đến cuối năm 1938. Để rồi đầu năm sau Nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn tập hợp lại trong Phấn Thông Vàng.
Trong lời tựa tập truyện ngắn đầu tiên ấy, Xuân Diệu khẩn cầu: “Xin đừng tìm trong “Phấn Thông Vàng” những chuyện có đầu đuôi, có công việc, có sáng hôm trước và chiều hôm sau. Ở đây chỉ có một ít đời và rất nhiều tâm hồn…” Vậy mà “một ít đời” ấy cũng đủ để gây rắc rối cho nhà văn đa diện ấy.
Số là trong truyện ngắn “Người học trò tốt” đăng trên Ngày Nay năm 1938, Xuân Diệu có bình “nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn vì dịch sát nguyên văn (tiếng Pháp)” câu nhận xét của một ông giáo về người học trò của mình: “Người đứng đầu lớp hoàn toàn tuyệt mỹ về tất cả các phương diện, một tương lai người ta không thể nào tốt hơn” và tờ báo khi về đến Quy Nhơn đã gây thành một câu chuyện khá ầm ĩ: thi sĩ Xuân Diệu dám chê bai, châm trích các thầy cũ của mình ở Collège (trung học) Quy Nhơn.
Trên thực tế thì có vài thầy đến gặp và trách móc thân sinh nhà thơ là cụ Hàn Ngô Xuân Thọ (1) đang dạy chữ Hán ở trường dẫn đến việc ông ngoại tôi (mẹ tôi là Xuân Như, em gái duy nhất của Xuân Diệu) viết thư cho Xuân Diệu phàn nàn về thái độ cũng như sự vụng về của con. Rồi lại có tin đồn các thầy sẽ phát đơn kiện người học trò cũ của mình vì đã bêu riếu thầy của mình trên mặt báo cũng như đề nghị báo Ngày Nay đăng bài cải chính.
Cái “scandal” ấy, cha tôi nhớ lại: “Anh Diệu tuy bình tĩnh, nhưng với bức thư của ông bố cũng hơi phân vân và đem câu chuyện kể lại với ban biên tập của báo Ngày Nay. Ban biên tập cười ồ, và nói: “Mong cho có đơn kiện, chúng ta sẽ trả lời các thầy giáo, và lại sẽ có dịp tuyên truyền cho văn học, và riêng tuyên truyền cho nhà thơ kiêm nhà viết truyện ngắn Xuân Diệu, và làm cho mọi người rõ thế nào là chuyện thực ở đời, và thế nào là chuyện trong văn chương, thế nào là đời làm tư liệu cho văn chương…”.
Thế rồi - vẫn lời Huy Cận - câu chuyện cứ ỉm dần, không có đơn kiện, cũng không có thư đòi báo Ngày Nay cải chính” (2). Dẫu vậy, hè năm ấy Xuân Diệu đáp tàu về lại Quy Nhơn và thăm lại các thấy cũ để chứng tỏ “tôn sư trọng đạo” với ông luôn là nguyên khối.
Còn cụ Hàn thì viết lá thư ấy dường như là “tình thế”. Mẹ tôi bảo: “Cứ nhìn ông cụ hể hả mỗi khi báo chí đăng thơ, văn của anh Diệu, gọi cả nhà lớn bé ra đọc cho nghe, mấy ngày sau vẫn còn bình, rồi xếp cẩn thận vào một chiếc va-li da cùng những tài liệu quý nhất của mình thì mới thấy ông cụ hiểu và ủng hộ cái “nghiệp” cầm bút của con đến dường nào” (đáng tiếc là sau này cái va-li chứa đầy tự hào ấy của ông ngoại tôi gửi nơi nhà người anh ruột là ông Ngô Đức Tường (còn gọi là Cửu Tường) ở quê Can Lộc bị Đội cải cách ruộng đất lục soát và mang đi mất tích!).
Cũng vẫn với tư cách người của tờ báo lấy quốc văn làm “quốc hồn, quốc túy” và đề cao lòng tự tôn dân tộc, Xuân Diệu hăm hở viết bài “Xung quanh vở kịch Ghen” của Đoàn Phú Tứ đánh bạt những lào xào trên các tờ báo khác về việc nhà văn họ Đoàn “đạo văn” của Sacha Guitry vì nhà văn Pháp này có vở kịch cũng tên là Ghen (Jalousie) và giữa hai vở kịch quả thực có những chỗ giống nhau.
Lập luận của Xuân Diệu là chuyện đời có bao nhiêu chuyện giống nhau, nhưng mỗi nghệ sĩ, văn sĩ khai thác theo cách của mình, với cảm nghĩ độc đáo của mình, mà vẫn sáng tạo của riêng mình như Corneille, Racine, Molière. Truyện Kiều của Nguyễn Du chẳng đã chứng minh sao?! Về sự kiện này, Huy Cận bình: “Nói thật ra, với uy tín của báo Ngày Nay lúc đó, với danh tiếng của nhà thơ Xuân Diệu bắt đầu nổi lên, với cách nói có lý, có tình trong bài bênh vực, cho nên sau bài báo này cũng không thấy có báo nào có thêm bài công kích Đoàn Phú Tứ hoặc trả lời bài của Xuân Diệu nữa” (3)
Làm báo vì sự trường tồn, và hơn thế nữa, vì sự thăng hoa của Tiếng Việt và văn hóa dân tộc trong bối cảnh tiếng Pháp và văn hóa Pháp đang thống trị xã hội Việt Nam đậm đến mức có một số trí thức “ti toe viết tiếng Pháp” (chữ của Huy Cận) toan tính xây dựng sự nghiệp văn chương bằng tiếng Pháp, Xuân Diệu đã là người yêu nước! Và từ làm báo yêu nước đến làm báo cách mạng hẳn là bước đi không thể khác.
Thực vậy, ngay từ năm 1942 cùng với Huy Cận, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Đặng Ngọc Tốt, Huỳnh Bá Nhung… là những sinh viên đã hoạt động Việt Minh, Xuân Diệu đã tích cực tham gia làm báo Thanh Niên - tờ báo do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chủ trì và bỏ tiền ra in, chủ trương khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thanh niên sinh viên qua những bài viết về truyền thống chống ngoại xâm và văn hóa dân tộc độc lập.
Để rồi với sự ra đời của Việt
Nói cách khác, Xuân Diệu là một trong những “sáng lập viên” của Hội Nhà báo Việt
Mà đâu chỉ “báo viết”, Xuân Diệu làm cả “báo nói” theo đúng nghĩa đen của từ này. Ấy là năm 1947, theo yêu cầu của Kháng chiến, ông chịu trách nhiệm mỗi tuần vào tối thứ bảy “nói” một câu chuyện văn hóa ở Đài Tiếng nói Việt Nam (đóng tại Chiến khu Việt Bắc) mà Hội Văn Nghệ Việt Nam đã tập hợp và xuất bản vào năm sau dưới cái tên Việt Nam trở dạ - Tùy bút kháng chiến. Bình thơ, một “đặc sản” của Xuân Diệu đã được công chúng hồ hởi đón nhận hàng chục năm ròng, không nghi ngờ gì nữa đã bắt đầu từ đây và ta cũng có thể nói rằng chính sự đa dạng của cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại đã làm nên một Xuân Diệu văn nghệ đa năng mà đến giờ mấy ai theo kịp.
Vào trung tuần tháng 6/1948, Tố Hữu, lúc bấy giờ được Đảng phân công phụ trách công tác văn hóa - văn nghệ, trực tiếp điều hành Nhà xuất bản và tạp chí Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ Việt Nam, viết thư cho tác giả của Ngọn Quốc Kỳ, Hội nghị Non Sông - những tráng ca đầu tiên ca ngợi nước Việt Nam Độc lập - thiết tha, mong mỏi, chẳng kém Thế Lữ 9 năm về trước: “Anh Xuân Diệu, lâu lắm không gặp anh, chỉ biết anh đi khu IV rồi anh ra, nay đây mai đó, không biết đâu mà tìm. Tháng trước gặp anh Huy Cận ở hội nghị Tổng Bộ, nói chuyện mới biết anh đi tìm anh em ở khu X.
Nhưng về khu X, Phú Thọ, cũng không thấy. Anh Văn Cao đi Vĩnh Yên về, nói cho biết anh ở bên ấy. Chắc anh đọc rồi: tạp chí Văn Nghệ số 1, nó lao đao lắm vì không sẵn máy và người cũng thiếu. Anh nhớ anh là một bà mụ của nó, anh tắm rửa cho nó với. Nó sài đẹn thì chạy chữa cho nó béo tốt. Nhà hiếm hoi có nó, anh chưa bận gì lắm, anh sang đây nhé. Với lại hội nghị văn nghệ, hội nghị văn hóa lung tung các thứ, đông anh em mới xuể. Đợi anh”.
Rồi như thể tỏ lòng thành, Tố Hữu chua thêm: “Địa điểm liên lạc: Hàng Giấy, Việt Bắc, phố Thanh Cù, huyện Thanh Ba, Phú Thọ”. Có sự khẩn cầu nào của Đảng đối với văn nghệ sĩ, trí thức chân thành hơn thế! Những dòng tâm huyết này của Tố Hữu, bên cạnh sự ngưỡng mộ đối “hoàng tử của thi ca hiện đại”, còn thể hiện chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” của những người cộng sản kháng chiến, khác nào Lưu Bị “tam cố thảo lư” cầu Gia Cát Khổng Minh vì nghiệp lớn. Nói cách khác, cái tâm của Tố Hữu đối với Xuân Diệu là trực tuyến, vì sự nghiệp của Cách mạng và Dân tộc mà tìm người!
Cũng qua thư của Tố Hữu mà tình bạn Xuân Diệu - Huy Cận một lần nữa hiện lên một cách chân xác vì sự thật là sự chắp khít của chủ quan và khách quan! Khi đó Huy Cận làm bên Chính phủ, việc giới thiệu Xuân Diệu với người lãnh đạo văn nghệ kháng chiến để vị này thu xếp cho bạn mình công tác ở Hội Văn Nghệ trung ương hẳn là trong tầm tay của ông.
Và nếu có làm như vậy thì không phải để Xuân Diệu được “ấm thân” vì kháng chiến thì gian khổ và hiểm nguy ở đâu cũng như nhau mà chính là để tài năng và uy tín của gương mặt văn hóa nổi trội trước Cách mạng này có điều kiện phát huy hết tầm, sao có lợi nhất cho sự nghiệp chính nghĩa của toàn dân tộc.
Nhưng vị Thứ trưởng Kinh tế họ Cù đã không làm như vậy, tất không phải vì Xuân Diệu là con người của lòng kiêu hãnh vào bậc nhất thiên hạ với tuyên ngôn: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”, mà muốn bạn mình “hữu xạ tự nhiên hương”, đúng cái cách của thi sĩ họ Ngô đã làm đối với chàng Huy tròn 10 năm về trước.
Còn nhớ, sau khi số Tết 1938 của Ngày Nay đăng “Chiều xưa” của Huy Cận thì Xuân Diệu mới đưa tác giả đến chào các thành viên Tự Lực Văn Đoàn tại Hội sở 80 Grand – Boudha (Quán Thánh), Hà Nội. Lúc đó Thế Lữ có trách Xuân Diệu sao không đưa bài thơ ấy trực tiếp cho ông mà lại vòng vèo thế. “Là vì - Xuân Diệu đáp - tôi muốn xem giá trị thực của bài thơ thế nào chứ tự tôi đưa đến e mất khách quan”. Thật trong sáng, thật mẫu mực! Quả là Lưu Bình - Dương Lễ thời hiện đại!
Thế là Xuân Diệu, từ chỗ chỉ “độc lập tác chiến” - một mình trước một công chúng vô hình ở Nhà Đài - thì giờ đây lại phải lăn vào “bếp núc” của nghề báo, mà lại là cái “bếp” to nhất của giới văn nghệ sĩ kháng chiến. Bởi “lung tung các thứ, đông anh em mới xuể” như Tố Hữu than, nên ngay khi chân ướt chân ráo đến cơ quan mới, Xuân Diệu đã được bầu vào Ban Thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam, giữ chân thư ký tạp chí Văn Nghệ của Hội và trực tiếp phụ trách mục Tiêng Thơ có mục đích “sưu tầm, chọn lọc, biểu dương những thơ ca kháng chiến của Công, Nông, Binh và trong phong trào văn nghệ nhân dân” (chữ của Xuân Diệu trong lý lịch tự thuật).
Cũng từ “mắt xanh” này của Xuân Diệu mà chúng ta có Hữu Loan với "Đèo Cả", Chính Hữu với "Ngày về", Quang Dũng với "Tây tiến", rồi Hồ Phương, Minh Bắc… Hãy nghe Xuân Diệu bình "Đèo Cả": “Tôi nhớ bài thơ hoang vu "Đèo Cả". Một Đỗ Phủ nào đã gọi cái đèo chênh vênh ấy, đứng trong đất nước ta, đứng giữa Phú Yên với Khánh Hòa, mà lại hóa thành một quan ải nào heo hút quá. Vì bên này là ta, bên kia là giức…Đèo Cả biên thùy, đứng trên đầu bể thẳm, đụng tới mây cao. Đèo Cả treo dưới trời, mà cái đẹp trầm hùng ngang với lòng chiến sĩ.
Tôi đã lên tới đó, ngắm nhìn tàu giặc dưới Vũng Rô: đêm nín hơi ngồi chòi canh, nhìn đèn điện giặc kéo qua ngòi biển. Các chiến sĩ ăn những nắm cơm từ đêm trước, với quả trứng vịt luộc hay miếng đường: khâu vá thì tháo sợi trong vải cũ, xe lại làm chỉ: mấy anh con trai Hà Nội vào đứng cheo leo trong ấy, trong lúc Hà Nội vẫn tưng bừng…
Cái quán lấy tên Hồng quân, lạ nhất là vào trong Thơ Mới, nó lại Đường Thi cách lạ”. Như vậy đó, chỉ có một Xuân Diệu “cùng xương thịt” với nhân dân, với Vệ Quốc tại Mặt trận Nam Trung bộ vào tháng 10 năm 1946 mới có thể cảm hết được cái hay, cái kỳ vĩ, cái lãng mạn đến vô cùng của lòng chiến sĩ. Còn nói ngắn như Nguyễn Đình Thi đã từng nói với tôi thì “không có Xuân Diệu thì không có Hữu Loan, Quang Dũng…”.
Bên cạnh chức năng “làm chủ” ở tờ Văn Nghệ, Xuân Diệu còn “làm thuê” cho tạp chí Độc lập của Đảng Dân chủ mà Nguyễn Thành Lê là chủ bút. Thực vậy, cộng tác viên về mặt bình luận văn học của tạp chí chính là Xuân Diệu dưới cái tên “Trảo Nha” (có nghĩa nanh, vuốt). Đành rằng bút danh ấy là lấy từ tên của xã quê hương thi sĩ ở Can Lộc Hà Tĩnh nhưng hoàn toàn ứng với tính gay gắt của những bài phê bình đó mà bình luận về quyển sách “Nguyễn Du và quyền sống của con người trong Truyện Kiều” của Hoài Thanh là một.
“Trảo Nha đã đặc biệt phê phán mạnh mẽ thái độ của Hoài Thanh đối với Nguyễn Du khi nói: “Nếu Nguyễn Du sống đến ngày nay, và sống giữa chúng ta thì chúng ta cũng sẽ mời cụ vào Hội Liên Việt, dành cho cụ một chỗ ngồi trong Hội Liên Việt” - Huy Cận nhận xét - Câu nói ấy của Hoài Thanh rất sai về cả hai phương diện: một là xem thường thi hào Nguyễn Du, hai là xem thường và có tính mỉa mai đối với Mặt trận Dân tộc thống nhất (Liên Việt). Tất nhiên anh Hoài Thanh xem được bài của Trảo Nha cũng hơi bực mình, nhưng ngẫm lại thấy Xuân Diệu phản ứng có lý, có lẽ nên việc bực bội ấy không thành chuyện. Vả lại cả hai người thật sự đều rất bái phục Nguyễn Du và đều trân trọng đến mực tấm lòng ưu ái của Nguyễn Du đối với số phận con người” (4).
Chắc chắn những ân tình thuở hồng hoang của văn nghệ Cách mạng và Kháng chiến đã tránh cho con người của “yêu là chết trong lòng một ít” những phiền toái liên quan đến sự kiện “Nhân Văn” xảy ra ngay sau tiếp quản Thủ đô. Quả thực lúc đó với tư cách là thư ký của báo Văn, tiền thân của báo Văn Nghệ, Xuân Diệu đã cho đăng các tác phẩm của Phan Khôi, Thụy An… thậm chí cả chuyện tếu táo đến mức này: có người muốn lấy bút danh là Tố Tả vì muốn “ăn theo” tên của tác giả "Từ ấy"!
Kết quả là Xuân Diệu bị “cách” khỏi ban phụ trách tờ Văn, dù một cách lịch sự, êm ả và tự nhiên nhất: ông được cử làm trưởng đoàn văn nghệ đi thăm nước bạn Hungari để rồi về nước được “ấn” ngay vào Ban giám khảo giải thưởng văn học của Hội Văn Nghệ Việt Nam, tức không trực tiếp làm báo nữa.
Bẵng đi quãng 15 năm, vào đầu những năm 1970, một lần nữa Xuân Diệu lại được phân công phụ trách tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn. Những ngày ấy bác Diệu tôi hay dẫn tôi đến “tổng hành dinh” của ông: một căn buồng bé xíu với nội thất vỏn vẹn một cái bàn gỗ tạp và một ngọn đèn 45 w trên tầng 2 của trụ sở Hội Nhà văn tại 65 Nguyễn Du. Thế nhưng cái chất “nhân văn” trong con người thi sĩ lại như cây gậy chọc vào bánh xe đang lăn trên “quan lộ” của ông cho dù bất đắc dĩ: Xuân Diệu lại bị chỉ trích vì đã cho đăng bài “Phở” của Nguyễn Tuân ca ngợi miếng ngon đất Hà thành giữa cái lúc cả nước đang sục sôi đánh Mỹ, đang chịu đựng vô vàn khó khăn, gian khổ…
Tuy nhiên, vì những lý lẽ đã rõ, chả cấp lãnh đạo nào nỡ thô bạo với “bà mụ” của nền báo chí văn nghệ cách mạng nên Xuân Diệu được từ tốn trả về quy chế “viết văn chuyên nghiệp”, cứ như không có chuyện gì xảy ra! Mà lý do đưa ra lần này thì hợp lý vô cùng: tạp chí tạm ngừng xuất bản. Nghĩa là cơ quan không còn thì làm gì có “ghế”! Ấy vậy mà Xuân Diệu chẳng than vãn lấy nửa câu, chẳng lấy “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì” (5) của chàng Xuân thuở nào để giãi bày.
Đơn giản là đã từ lâu ông biết “năng lực tổ chức” của mình là vô cùng hạn chế, nếu không muốn nói là không có. Chép miệng, bác tôi thổ lộ: “Đảng chẳng bao giờ cử bác làm tổ trưởng kể cả tổ hai người cả!” rồi lại lui về cái bàn lim cũ kỹ chất đầy những con chữ, cái đầu lắc lắc chỉ còn đối diện với thi ca cùng cây hoàng lan cổ thụ trước nhà. Và lần này là vĩnh viễn, cuộc chia tay giữa làng báo Việt và Thi sĩ có đài trán muôn đời thơ ngây…
Theo Hồn Việt