(Tổ Quốc) - Có nên hạ tỉ lệ phiếu đồng ý tại Hội đồng các cấp xét chọn Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đang là vấn đề được bàn thảo.
Sáng 22/8 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật. Hội nghị có sự tham gia của đông đảo các văn nghệ sĩ, lãnh đạo các Hội VHNT, các nhà quản lý văn hóa tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo của Vụ Thi đua khen thưởng, sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP qua đợt xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật năm 2016, trong đó, nổi lên hai nội dung chưa phù hợp là Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng và ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng vụ pháp chế (Bộ VHTTDL) chủ trì Hội thảo |
Giải thưởng không nên bỏ chung một “rọ”
Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng để được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Đã được Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VHTTDL tổ chức. Hoặc đã được Giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế.
Qua đợt xét tặng năm 2016, các ý kiến báo cáo của các Hội đồng cấp cơ sở có hồ sơ gửi Bộ VHTTDL và Hội VHNT chuyên ngành cấp Trung ương cho rằng, quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm làm tiêu chuẩn để đánh giá giá trị đặc biệt xuất sắc hoặc xuất sắc cho các tác phẩm là chưa phù hợp. Cụ thể là với những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tác phẩm mặc dù rất có giá trị nhưng do giai đoạn này đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức hoặc do điều kiện khách quan nên không có các cuộc thi sáng tác về VHNT hàng năm đối với một số lĩnh vực…Nếu vì các tác phẩm này không có giải thưởng của Bộ VHTTDL và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương theo quy định mà không xét sẽ bỏ sót việc tôn vinh nhiều tác phẩm thực sự có giá trị trong đời sống xã hội.
Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, quy định về huy chương vàng, giải thưởng là bất cập. “Đời sáng tác mỹ thuật nhiều lắm là 20 năm, diễn ra 4 triển lãm cấp quốc gia (5 năm/1 lần), không phải dễ có được huy chương vàng, vì nhiều triển lãm không tìm ra huy chương vàng. Trong khi đó, nếu so với sân khấu, mỗi lần hội diễn sân khấu là mấy chục huy chương. Chưa kể, hội diễn sân khấu diễn ra định kỳ có 2-3 năm/lần. Ngoài ra, có những ngành của Mỹ thuật như tượng đài không chấm huy chương. Vì vậy nếu áp dụng tỉ lệ huy chương, giải thưởng cho tất cả các chuyên ngành là không công bằng. Không thể cho tất cả các ngành VHNT vào 1 giỏ được”- Ông Cường chia sẻ.
Đồng quan điểm này, Nhạc sĩ Vũ Tự Lân khẳng định, nếu xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước mà căn cứ vào giải thưởng A, B để xét thì đang làm khó nhiều nghệ sĩ. Nhạc sĩ nhấn mạnh: “Ví dụ có nhạc sĩ rất xứng đáng được giải thưởng nhưng không đủ tiêu chuẩn xét vì không đủ giải thưởng. Cần 5 giải thưởng nhưNG ông chỉ có 3 thôi. Hội Nhạc sĩ đã kiến nghị vấn đề này và trong lần xét giải năm 2016 vừa rồi, chúng tôi vẫn bỏ phiếu cho nhiều nhạc sĩ dù không đủ tiêu chuẩn về giải thưởng. Vì có tác giả sống trong thời chống Pháp, để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu và xứng đáng nhưng lại không có các cuộc thi để có giải thưởng”.
Cùng chung quan điểm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành- nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: “Thực tế của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nếu trong đợt xét giải thưởng vừa qua, áp dụng tiêu chí huy chương vàng, giải thưởng thì Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh không có ai được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Nhờ có điều chỉnh của Thủ tướng nên về Nhiếp ảnh có 5 tác giả được giải thưởng. Vì vậy, tiêu chí về giải thưởng, huy chương cần được nghiên cứu điều chỉnh”.
Các đại biểu góp ý sửa đổi nghị định |
Giảm tỉ lệ phiếu dưới 90%
Hiện nay, Quy định tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp phải đạt 90% mới được trình lên cấp cao hơn. Theo nhiều đại biểu, quy định này là quá khó khăn.
Với quy định như vậy, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước dù đạt 86,7%.
Tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 3/28 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng dù đạt 89,3%.
Theo nhiều đại biểu, đây là con số quá cao và đề xuất hạ tỉ lệ này xuống.
Ông Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Khi xét giải tỉ lệ 90% số phiếu là quá cao. Đừng để 1 người nắm phiếu quyết định, chỉ 1 người không bỏ phiếu là “chết”".
Ông Sơn đề nghị tỉ lệ xét giải nên để là 75%.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng tỉ lỆ 90% là quá cao. “Nhiều người lên vòng Hội đồng Nhà nước rồi mà vì thiếu 1 phiếu lại trượt”- Bà Ngát khẳng định.
Cùng với việc giảm tỉ lệ dưới 90% thì nhiều đại biểu cho rằng, cần nâng cao chất lượng của Hội đồng cấp Nhà nước. Hiện nay, 28 thành viên của Hội đồng này thuộc nhiều Bộ, ngành, và các chuyên ngành khác nhau trong đó có cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Theo nhiều đại biểu, thành viên của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nên nằm trong Hội đồng cơ sở, vì chức năng chủ yếu là xét về nhân thân.
Theo ông Chu Chí Thành đề xuất, cần có Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước chứ không phải là Hội đồng cấp Nhà nước chung như hiện nay.
Sau Hội nghị, các ý kiến góp ý sẽ được Bộ VHTTDL tổng hợp và đề xuất sửa đổi. Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật sẽ được áp dụng năm 2020./.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên