(Tổ Quốc) - Theo nhiều nhà nghiên cứu, Gò Đống Đa xuất hiện từ trước năm 1789 (năm diễn ra trận chiến Ngọc Hồi- Đống Đa) mà từ năm 1977, đây vốn là nơi trường thi võ. Gò Đống Đa nghĩa là nhiều gò đống.
Có phải xác quân Thanh chất thành gò, đống?
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, lâu nay, người ta thường giải thích về di tích Gò Đống Đa như sau: Sau khi đánh trận kết thúc, hàng vạn xác giặc Thanh nằm ngổn ngan khắp chiến trường, quân dân ta thu xếp thành đống và đắp thành 12 gò lớn.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, theo sách "Kiến văn tiền lục" của Lê Quý Đôn viết vào năm 1777 nêu rõ: Tháng 9 năm Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (năm 1724) mở trường thi Bác cử ở Đống Đa, các thí viện, khảo viện và nhà cửa ở nội trường, ngoại trường, nhất luật đều xếp đặt đầy đủ, lại dựng lầu xem thi (quan thí lâu) như thể chế giảng Võ. "Từ khảo sát Trường thi Võ ở khu vực Giảng Võ với một tổng thể gò Điện Thí, Núi Ngự, Núi Hổ, Núi Hình, núi Miếu Ông… chúng tôi nhận thấy mô hình của hai trường thi võ ở Thằng Long thế kỷ XVII, XVIII đều giống nhau. Từ đó có thể nghĩ rằng những gò đống cao ở Đống Đa trước hết đều nằm trong quy hoạch của trường thi Bác cử. Những gò Điện Thí (nơi dựng điện thi), núi Cây Cờ (nơi giương cờ trong khi thi)… là những ví dụ cụ thể. Đấy chính là cơ sở để chúng tôi thực tin rằng, hệ thống gò, núi ở Đống Đa vốn là các gò đống đã có từ trước, đến năm 1724, Chúa Trịnh cho khai thác địa hình đặc biệt của vùng này để tạo lập trường thi Bác cử theo mô hình trường thi võ ở Giảng Võ trước đó"- GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết.
Thực tế sử cũ cũng không ít lần nhắc đến những gò, đống này từ nhiều thế kỷ trước đó. Vào năm 1592, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Trịnh Tùng "đốc quân qua sông Tô Lịch đến cầu Nhân Mục, đóng quân ở núi Xạ Đôi (gò Tập Bắn)… Năm 1599, đại hạn từ tháng 3 đến tháng 6, vua cùng Bình An Vương đến xứ Xạ Đôi (gò Tập Bắn) lập đàn cầu đảo, sau mới được mưa. Xạ Đôi được nhắc đến ở trên không nằm ngoài khu Đống Đa.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cho biết, có những tư liệu lịch sử đáng tin cậy khẳng định tên gọi Đống Đa có từ trước năm 1789. Sau trận tiến công tiệu diệt quân Thanh ở Khương Thượng, Nam Đồng, Đống Đa… của nghĩa quân Tây Sơn, hàng vạn xác quân giặc Mãn Thanh nằm ngổn ngang trên chiến trường. Người dân đã thu dọn xác giặc dồn vào 12 gò đống.
Năm 1851, khi đào đất mở rộng đường qua hai làng Thịnh Quang và Nam Đồng, dân địa phương còn đào được nhiều xương cốt và thu nhặt đem chôn vào một hố rồi đắp thành gò thứ 13. Tên Gò Đống Đa hay xứ Đống Đa không phải đã có từ trước năm Kỷ Dậu (1789) mà phải mãi về sau, trên những gò xác giặc Thanh, cây đa mọc um tùm, nên mới có địa danh là Gò Đống Đa hay xứ Đống Đa (là những gò đống có nhiều cây Đa).
Như vậy, 12 gò đống là hình ảnh có tính chất tượng trưng về số quân giặc chết quá nhiều, chứ chưa hẳn có 12 gò là mồ chôn tập thể xác giặc.
Giá trị lịch sử lớn lao
Đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, chính quyền thực dân đã bắt dân san gò, lấp ao để xây dinh tự, chỉ để lại gò thứ 13. Cho dù dến nay, khu vực di tích gắn với chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa không còn nguyên vẹn, nhưng đúng như Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 26/8/1988. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ: "Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, với chiến lược thần tộc, quyết thắng của thiên tài chính trị- quân sự Quang Trung, quân và dân ta đã đánh tan 29 vạn quân xâm lược, giải phóng Thăng Long, đập tan mưu đồ xâm lược nước ta của bọn phong kiến Mãn Thanh. Cùng với chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, Quang Trung và nhân dân ta đã đánh tan các thế lực phong kiến phản bội dân tộc, bước đầu thống nhất đất nước, bảo vệ nên độc lập tự chủ của Tổ quốc Việt Nam thân yêu".
Đến nay, đã 230 năm trôi qua, chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa đã trở thành tấm gương sáng ngời, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta.Với ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa sâu sắc, di tích lịch sử Gò Đống Đa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử năm 1962. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1820 xếp hạng di tích lịch sử gò Đống Đa là Di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích có vị thế đặc biệt không chỉ riêng đối với Hà Nội mà với cả nước. Rất nhiều hoạt động, lễ kỷ niệm, sinh hoạt văn hóa…đã diễn ra ở đây. Đây cũng là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Song cảnh quan di tích chưa phù hợp với một di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Để phát huy hơn nữa giá trị lịch sử của di tích, theo PGS.TS Nguyễn Công Việt, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cần sớm xem xét, xây dựng đề án bảo tồn khai thác phát huy giá trị di tích gò Đống Đa. Bước đầu xây dựng khu di tích gò Đống Đa dần trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử, nơi tôn thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tên tuổi của Thăng Long, Hà Nội nói riêng cả và cả nước nói chung qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc, đặc biệt là giai đoạn Tây Sơn trong chiến thắng chống quân xâm lược./.
Sáng 10/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với UBDN Quận Đống Đa tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa".
Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa (1789-2019) và Di tích Gò Đống Đa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hội thảo nhận được gần 30 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học tập trung vào các chủ đề: Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa- Giá trị lịch sử, văn hóa; Bảo tồn và tôn tạo di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa; Phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa gắn với phát triển du lịch Thủ đô.
Hội thảo nhằm khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử- văn hóa của Khu di tích Gò Đống Đa cũng như định hướng trong công tác bảo tồn, tôn tạo, đặc biệt là phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch Thủ đô. Với vai trò và ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, việc gìn giữ bảo tồn và phát huy tốt giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa sẽ góp phần lưu giữ dấu tích chiến công và làm sống mãi một phần ký ức không thể phai mờ của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa hứa hẹn sẽ là một địa chỉ hấp dẫn trong công tác giáo dục lớp trẻ về truyền thống yêu nước, là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.