(Tổ Quốc) -Tối 2/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời một loạt câu hỏi về cổ phần hóa, các dự án chậm tiến độ.
Ba lý do thoái vốn không được như kỳ vọng
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn của nhà nước là chủ trương nhất quán và thường xuyên từ Thủ tướng cho đến các lãnh đạo của Chính phủ, trực tiếp nhất là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo việc thoái vốn.
Hiện nay, cũng có một số lý do, nguyên nhân dẫn đến việc thoái vốn không được theo kế hoạch và không được như kỳ vọng.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, đó là nhiều chính sách hiện nay chưa đồng bộ, cho nên khi thực hiện việc thoái vốn còn có những vướng mắc nhất định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Thái Linh |
Thêm vào đó, quan điểm của các cơ quan về một vấn đề nhiều khi cũng còn có những khác nhau.
Và thứ 3, theo quan điểm của ông Đỗ Thắng Hải thì có thể một số cơ quan, kể cả bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo, đặc biệt là của Chính phủ và Thủ tướng.
“Gần đây, trong tất cả các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cũng như các văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Thủ tướng thường xuyên giao và yêu cầu các bộ, ngành phải thực hiện đúng tiến độ mà Thủ tướng đã phê duyệt”- ông Đỗ Thắng Hải nói.
Liên quan đến các dự án của Bộ Công Thương, ông Hải cho hay, bộ này đang thực hiện theo đúng chỉ đạo cũng như lộ trình. Những doanh nghiệp nào có khó khăn, nhất là doanh nghiệp đang liên quan tới 12 dự án tồn đọng, cách đây 2 hôm Bộ đã báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về những vướng mắc.
Về việc cổ phần hóa Công ty Rượu Bia Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay là hợp đồng đã ký kết với Carlsberg.
“Khi thực hiện thoái vốn thì đầu tiên phải ưu tiên cam kết giữa hai doanh nghiệp Habeco và Carlsberg, phải ưu tiên họ trước trong việc mua cổ phần của Nhà nước. Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương đã phải lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ Công Thương”- ông Đỗ Thắng Hải nêu.
Đề xuất đưa dự án thép Việt Trung ra khỏi danh sách dự án thua lỗ ngàn tỷ
Liên quan đến câu hỏi về dự án thép Việt Trung được đưa ra khỏi danh sach dự án thua lỗ ngàn tỷ, đây là 1 trong 12 dự án tồn đọng của ngành công thương.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, đây là dự án với sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp và hết sức cụ thể và sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và Tập đoàn Thép Việt Nam VNSteel.
Trong năm 2017, đã lãi 411 tỷ và 5 tháng đầu năm của 2018 lãi khoảng gần 500 tỷ.
Tiêu chí nào để đưa doanh nghiệp ra khỏi danh sách, theo ong Hải: một dự án bắt đầu có lãi thì chính các doanh nghiệp cũng mong muốn được ra khỏi các danh sách thua lỗ.
“Nhưng quan trọng nhất, nếu ra khỏi được danh sách các dự án thua lỗ thì ít nhất các bạn hàng cũng nhìn nhận như là một doanh nghiệp bình thường. Thứ hai là các ngân hàng cũng nhìn nhận như một doanh nghiệp lành mạnh, bình thường và có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn bình đẳng, giống như các doanh nghiệp bình thường khác. Về mặt chủ trương, chúng tôi ủng hộ và sẽ có đề xuất với đồng chí Trưởng ban về xử lý các dự án tồn đọng của ngành công thương”- ông Đỗ Thắng Hải nêu.
Có thể chuyển đổi 21 dự án chậm tiến độ tại Bình Thuận
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới 21 dự án chậm tiến độ tại Phan Thiết, Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ KHĐT Lê Quang Mạnh cho hay, theo quy định đối với các dự án không triển khai theo thời gian quy định thì hoàn toàn có cơ sở pháp lý để UBND tỉnh Bình Thuận có thể thu hồi các dự án này.
Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ TNMT và Bộ Công Thương rà soát lại, có một phương án phù hợp với bối cảnh hiện nay để phát triển du lịch trong thời gian ngắn hạn hoặc trung hạn.
“Trước mắt các mỏ titan sẽ được chôn lấp lại để đảm bảo cảnh quan môi trường cũng như trong tương lai dài hạn chúng ta có một thị trường tốt hơn. Nguồn khoáng sản ở đây rất lớn, có thể gọi là tài nguyên chúng ta để dành cho tương lai”- ông Lê Quang Mạnh cho hay.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương ủng hộ việc những dự án nào chưa được cấp cho các doanh nghiệp thì có thể đưa vào dự trữ quốc gia và sau đó có thể sử dụng những diện tích đó để phục vụ những mục đích như năng lượng tái tạo, du lịch, trong một thời hạn nhất định, thậm chí đến 30-50 năm.
“Còn những diện tích đã cấp cho các doanh nghiệp thì trước hết chúng ta phải ưu tiên cho những doanh nghiệp mong muốn được chuyển đổi mục đích đầu tư, ví dụ như sang làm năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió hoặc là du lịch”- ông Đỗ Thắng Hải nói./.
Song Đào