• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cổ phần hóa : “Không thể nói cứ người ngoài ngành mua là “chết”

Thời sự 15/09/2017 15:55

(Tổ Quốc) - Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), bản chất của cổ phần hóa là chuyển đổi chủ sở hữu từ tài sản của Nhà nước sang tài sản của tư nhân. Người mua có thể là người ngoài ngành, chỉ cần đúng nguyên tắc thị trường.

Công ty Cổ phần cam kết tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh

Theo chỉ đạo của Chính phủ về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011-2015, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2015 theo đúng các quy định hiện hành.

Trong đó, giai đoạn 2011-2014, Bộ VHTTDL tiến hành cổ phần hóa được 01 doanh nghiệp (Hãng Phim Truyện 1), còn các doanh nghiệp nhà nước khác do nhiều nguyên nhân nên chưa thực hiện cổ phần hóa được. Trong giai đoạn 2014 - 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các Hãng sản xuất phim trực thuộc Bộ VHTTDL đều được tiến hành cổ phần hóa như Hãng Phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam…

Trước đó, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, VFS (Công ty TNHH MTV Hãng Phim Truyện Việt Nam) không thể tiến hành cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2218/TTg-ĐMDN trong năm 2011. Trong giai đoạn 2014-2015, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ phải khẩn trương hoàn thành việc tái cơ cấu trong năm 2015.

Theo tiêu chí phân loại các doanh nghiệp nhà nước thì ngành, nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của VFS không thuộc đối tượng Nhà nước phải nắm giữ cổ phần. Tuy nhiên, căn cứ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh và nhằm ổn định tâm lý cho cán bộ người lao động trong giai đoạn đầu sau khi chuyển sang công ty cổ phần, tập thể cán bộ công nhân viên đã thống nhất và đề nghị Bộ VHTTDL xem xét tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước sau cổ phần hóa là 20%.

Nhìn vào thực tế, việc cổ phần hóa VFS đã không được các nhà đầu tư nhỏ lẻ chào đón. Lý do có lẽ một phần bởi tình hình làm ăn kém hiệu quả của hãng phim nhà nước, bởi những thông tin hoạt động của VFS khá bê bết và bán cổ phần ra không nhiều.

Ngày 14/4, sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng,VFS chỉ bán được 115 ngàn, trong tổng số 525 ngàn cổ phần đem ra chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án, cuối cùng, sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ CNV 4,5% và 65% bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá chào bán thấp nhất: 10.200 đồng/cp.

Ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, thành viên Ban Đổi mới và phát triển Doanh nghiệp (Bộ VHTTDL) cho biết, Nhà đầu tư chiến lược đã cam kết và đưa vào Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần là vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh (sử dụng một phần vốn tối thiểu (bằng 20%) vốn đầu tư của chủ sở hữu công ty cổ phần và cam kết khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất do Công ty hiện đang quản lý, sử dụng cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh).

“Người mua bỏ tiền ra, chịu rủi ro nên phải tạo điều kiện cho người ta”

Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, bản chất của cổ phần hóa là chuyển đổi chủ sở hữu từ tài sản của Nhà nước sở hữu sang tài sản của tư nhân. Đó là quá trình chuyển sang một chủ sở hữu mới. Và một khi nhà đầu tư đã thành chủ sở hữu mới thì họ được quyền định hướng phát triển doanh nghiệp theo hướng của họ. Trường hợp làm không tốt, thì họ mất tiền, thiệt thòi thuộc về họ.

Cũng theo TS.Thành, về nguyên tắc thị trường minh bạch, nếu ai mua được với giá cao nhất thì Nhà nước sẽ bán. Thường thì những nhà đầu tư mua lại tài sản không thuộc lĩnh vực của mình sẽ rất khó phát triển vì họ không có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cũng không ngoại trường hợp người mua dù không cùng ngành nhưng họ lại có đam mê và họ thuê người làm.

“Không thể nói anh ngoài ngành anh mua là anh “chết”, hay anh ở trong ngành anh mua là anh “sống”. Như vậy là sai nguyên tắc thị trường. Đấy chẳng qua là một cái mẹo để “anh” nhường lại cho “người trong nhà. Nếu cấm người ngoài ngành mua và ưu tiên người trong ngành thì xã hội sẽ loạn. Tôi không ủng hộ điều này.

Kể cả ông bán nước mắm mà đủ điều kiện mua VFS thì cũng chẳng sao, miễn là đúng nguyên tắc thị trường, bảo tồn được giá trị của Hãng phim”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

TS. Thành cũng nhấn mạnh: “Người mua là người bỏ tiền ra mua, chịu rủi ro nên phải tạo điều kiện cho người ta”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí về lý do Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) trở thành “ông chủ mới” của VFS, ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT cho biết: “Công ty chúng tôi yêu điện ảnh nên chúng tôi mua lại Hãng phim truyện, cũng giống như các doanh nghiệp khác yêu bóng đá thì họ mua lại một đội bóng nào đó vì đam mê. Tôi cho rằng không nhất thiết nhà̀ đầu tư phải có chuyên môn về lĩnh vực của nơi họ mua”.

Ông Thắng cho biết thêm, sau khi mua lại cổ phần VFS, Vivaco cũng đã có cam kết với Bộ VHTTDL về việc dành 20% vốn điều lệ để hoạt động về điện ảnh. Điều này đã được Giám đốc VFS, Đạo diễn, NSND Vương Đức xác nhận trong phóng sự phát trên VTV1 ngày 3/5/2016.

Về phương án hoạt động sau CPH, Giám đốc VFS cho biết, ngoài hoạt động sản xuất phim truyện và nghệ thuật, công ty sẽ mở rộng các lĩnh vực kinh doanh khác như nhà hàng, xuất khẩu nhiều mặt hàng…/.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ