(Tổ Quốc)- Sau cổ phần hóa, các hãng phim bình đẳng trong công tác sản xuất,phát hành và trong nguồn vốn đặt hàng của nhà nước.
(Tổ Quốc)- Sau cổ phần hóa, các hãng phim bình đẳng trong công tác sản xuất, phát hành và trong nguồn vốn đặt hàng của nhà nước.
>>Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Nhà đầu tư cam kết kinh doanh điện ảnh
>>Dành tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho sản xuất phim
Đến thời điểm này, theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, quá trình cổ phần hóa các hãng phim nhà nước đã gần hoàn tất, đồng nghĩa với việc các hãng phim đã chuẩn bị có các “ông chủ mới”, trừ Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, đơn vị duy nhất được giữ lại hoạt động theo đơn vị sự nghiệp. Và mới đây nhất, ngày 27/4, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã tiến hành bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chính thức đánh dấu sự biến mất của danh xưng “hãng phim Nhà nước”.
Xếp lại cái cũ, mở ra cái mới
Nhiều nghệ sĩ tiếc nuối những cái tên đã làm nên diện mạo điện ảnh Việt Nam một thời như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng. Nhưng cũng thừa nhận, không thể cứ sống mãi với hào quang quá khứ.
Từ tháng 1/2016, bảng tên của hãng phim này đã thay đổi
NSND Đào Bá Sơn bày tỏ nuối tiếc: “Rồi đây, các hãng phim sẽ có những cái tên mới. Tôi đề nghị làm bia tưởng niệm Hãng phim Truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng vì “không thể lãng quên”.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Chúng ta phải ghi nhận công lao của những hãng phim tư nhân đã lôi kéo khán giả Việt Nam đến với phim Việt Nam. Họ đã giành lại được nguồn thu lớn, thị phần lớn tại các hệ thống rạp. Khi mà điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc hay Hồng Kông chiếm lĩnh và bá chủ thị phần. Khi khán giả đang quay lưng với phim Việt thì đây là điều đáng trân trọng. Gần đây, nhiều bộ phim do tư nhân sản xuất đã đạt được giải thưởng cao tại LHP quốc gia và giải Cánh diều khiến chúng ta có nhiều hy vọng. Rõ ràng, chúng ta đang mất một cái gì đó nhưng cũng được một cái gì đó”.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát- Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh cho biết: “Trước khi xóa sổ hoàn toàn hãng phim nhà nước, tôi xin nói là tôi không gọi tên phim nhà nước, tư nhân, cũng như phim giải trí và hay phim nghệ thuật. Tôi chỉ dùng chữ “phim hay”. Phim hay là phim làm cho tôi xúc động, cuốn hút đến giây phút cuối. Làm thế nào có phim hay là mục đích duy nhất”.
Bà Ngát cũng khẳng định: “Cổ phần hóa là xu hướng không thể cưỡng lại. Dù cổ phần hóa nhưng vẫn còn định hướng XHCN, nếu sau cổ phần, các hãng phim sản xuất được phim, nuôi được nghệ sĩ thì tuyệt vời”.
Và rõ ràng, sau cổ phần hóa, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho các hãng phim.
Hãng phim Giải Phóng bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ đầu năm 2014 và hoàn thành vào tháng 12/2015. Công ty cổ phần Phim Giải Phóng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2016.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phim Giải Phóng nhận định: “Quá trình thực hiện cổ phần hóa tại Hãng phim Giải Phóng rất thuận lợi và được sự hướng dẫn của các công ty tư vấn và sự chỉ đạo của các ban ngành thuộc Bộ VHTTDL hỗ trợ. Việc sản xuất phim hiện nay của hãng đang thuận lợi, ngoài việc thực hiện những phim do Nhà nước đặt hàng, chúng tôi đang hợp tác sản xuất phim với các nước như Hàn Quốc, Canada và đang chuẩn bị thực hiện dự án với một công ty tại Việt Nam, do Nhật Bản góp vốn”.
Các hãng phim bình đẳng nhau
Trước những băn khoăn của các nghệ sĩ về sự phát triển của điện ảnh nước nhà, về chất lượng phim hiện nay, bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Cục Điện ảnh vẫn đang xây dựng thông tư hướng dẫn đấu thầu, nhưng cũng chưa thể hoàn thiện ngay được vì còn phải chờ ý kiến của Bộ Kế hoạch- Đầu tư thống nhất không đấu thầu mà là chỉ định thầu và đặt hàng. Bởi điện ảnh là một hoạt động đặc thù, không thể đấu thầu như với công trình và mua sắm vật liệu…
Sau cổ phần hóa, cơ hội nhận được đặt hàng của nhà nước sẽ được chia đều cho tất cả các hãng phim
Đặc biệt, bà Ngô Phương Lan cũng cho biết, từ năm 2016 về sau, khi đã cổ phần hóa các hãng phim thì hướng nhà nước đặt hàng tác phẩm sẽ không còn có sự phân biệt hãng phim, đạo diễn. Miễn là dự án đó đúng định hướng thì cơ hội chia đều cho các hãng phim. Tất nhiên các hãng phải có năng lực phát triển, và phải cho thấy tiềm năng làm được.
Bà Ngô Phương Lan cũng thẳng thắn: “Như thành công của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có sự sự hợp tác của các cơ quan nhà nước và tư nhân. Cục Điện ảnh đại diện cho nhà đầu tư, lo phần bảo vệ bản quyền. Hãng phim Phương Nam đóng vai trò nhà đồng sản xuất, tìm đạo diễn. Cuối cùng, khâu phát hành và quảng bá được giao cho công ty Thiên Ngân.
“Nếu thời điểm đó mà đưa phim này cho Hãng phim truyện Việt Nam thì thành công có thể sẽ không được như thế”- bà Ngô Phương Lan nói.
Một lần nữa, bà Lan khẳng định, khi các hãng phim đã được cổ phần hóa thì sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh; hoặc việc đặt hàng phim cũng không nằm ngoài mong muốn giúp các hãng cho ra đời những sản phẩm điện ảnh đạt chất lượng cao. “Chỉ cần dự án đó có tính khả thi, phù hợp với mục đích tuyên truyền của Nhà nước thì sẽ được đầu tư kinh phí” - Cục trưởng Ngô Phương Lan khẳng định./.
Bài, ảnh: Hoàng Nguyên