• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cổ phần VFS: Hãy để nhà đầu tư làm việc của họ

Văn hoá 05/05/2016 14:20

(Tổ Quốc)- Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã hoàn tất, thiết nghĩ, hãy để nhà đầu tư lo phần việc của họ.

(Tổ Quốc)- Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã hoàn tất, thiết nghĩ, hãy để nhà đầu tư lo phần việc của họ.

Cổ phần hóa các hãng phim là chủ trương của Bộ VHTTDL thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây cũng là xu hướng tất yếu trước tình trạng nhiều hãng phim nhà nước hoạt động không hiệu quả, liên tục thua lỗ. Với trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) trong suốt 20 năm liền thua lỗ và hoàn toàn trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước, việc cổ phần hóa cũng là tất yêu. Tuy nhiên, địa chỉ số 4 Thụy Khuê, Hà Nội từng là "ngôi nhà thứ hai" của những người làm Điện ảnh, cái nôi nuôi dưỡng cả một "thế hệ vàng" những đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên tên tuổi. Vậy nên, việc hãng phim chuyển đổi chủ sở hữu tư nhân cũng ít nhiều để lại những tiếc nuối. Có thể thấy, trong cái tiếc nuối còn có sự đau đáu về một thời hoàng kim của Điện ảnh Cách mạng.



Nên chăng, hãy để nhà đầu tư thực hiện việc của họ sau khi cổ phần hóa VFS (ảnh soha.vn)

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ trên trang cá nhân: “Đã dặn lòng rằng, thôi, quên đi... số 4 Thuỵ Khuê chỉ còn trong quá vãng. Nhưng quả thật tình cảm nó cứ át mất lý trí. Chả ai nỡ "đánh thuế" nỗi nhớ và niềm đau về những năm tháng trẻ trung ở nơi ấy. Những người từng gắn bó với số 4 Thụy Khuê chắc cũng thế thôi. Những vị chủ mới có cảm thông được điều đó không? Những vị tiền bối của nơi này đã mất cả rồi... số còn lại ít ỏi và già cả, đành phó thác... và trông chờ”.

Bà Ngát cũng cho rằng: “Trước khi gánh lên vai cứ cho là gánh nặng đi, chắc họ (Công ty vận tải thuỷ- Vivaso) đã phải tính toán kỹ lắm vì họ là các nhà kinh doanh mà, không thể đến với VFS chỉ bằng tình yêu được. Họ chắc phải có chiến lược phát triển VFS như thế nào rồi...”

Nhà biên kịch cũng chia sẻ: “Họ dành 10 tỷ cho sản xuất phim, chỉ đủ được một phim thôi cũng là may rồi… Sony của Nhật mua một số hãng phim lớn của Hollywood đấy, có sao, nhưng Sony chú trọng và liên tục sản xuất phim theo truyền thống chuyên môn, chuyên nghiệp và gìn giữ, tiếp nối thương hiệu của Holywood. Họ chỉ quản lý, vạch chiến lược, chiến thuật, góp vốn để sản xuất. Còn chuyên môn làm phim để các nhà chuyên môn. Đội ngũ làm phim được gìn giữ, trân trọng và phát triển. Một Hãng phim tồn tại được là phải dựa vào những người làm nghề giỏi, có tài. Cũng có thể họ không ăn lương thường xuyên nhưng phải trả đúng thù lao, đúng đồng tiền bát gạo”.

Cuối cùng, bà Ngát cho biết: “Rất nhiều sự băn khoăn và "hồi hộp". Mình còn đủ tỉnh táo để ủng hộ những việc làm đúng. Không ai không mừng nếu vực dậy được VFS. Nhưng... cần phải rõ ràng và thấu đáo để mọi người hiểu và... ủng hộ. Đừng thấy VFS già nua, cũ kỹ mà có thái độ tặc lưỡi, phủi tay. Hay cũng đừng thấy VFS lâm vào cảnh khốn khó mà phải chịu cảnh đã rồi”.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn cũng cho rằng: “VFS làm ăn thua lỗ bao năm nay. Hãng trả lương mỗi tháng 650.000 đồng/người và số người làm việc chính thức khoảng 10 người. Có người kêu ca tại sao đối tác lại là Vivaso, nhưng theo tôi, vấn đề là ai có tiền thì người đấy mua. Vivaso có thể làm nhiều việc khác vì đây là vấn đề đầu tư, như một tỷ phú đầu tư vào bóng đá thì không nhất thiết am hiểu về bóng đá”.

Nhưng cũng hãy nhìn nhận, có tới hơn 2 thập kỷ thua lỗ, nợ hàng chục tỷ đồng. Mỗi năm VFS chỉ sản xuất được 2-3 bộ phim, chủ yếu do Nhà nước đặt hàng và gần như không có hiệu quả về mặt doanh thu, vậy nên sự vào cuộc của nhà đầu tư tiềm lực cũng là một lối thoát. Hãy tin tưởng và chờ đợi, đó là thông điệp của những nghệ sĩ có tình yêu, niềm tin vào sự phát triển của VFS trong tương lai.

Bởi vậy, thay vì dư luận cứ băn khoăn, lo lắng là sau khi hãng được tiếp quản bởi chủ sở hữu mới đang kinh doanh trong một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan gì đến điện ảnh thì nên chăng, hãy để nhà đầu tư thực hiện việc của họ. Bởi chính nhà đầu tư, Công ty vận tải thủy cam kết sẽ tiếp tục kinh doanh điện ảnh và Bộ VHTTDL sẽ giám sát quá trình hoạt động của Công ty vận tải thủy. Bởi theo Cam kết hợp đồng mua bán cổ phần, “Bộ VHTTDL- đại diện phần vốn nhà nước được cử người tham gia Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và trong Ban Giám đốc để chỉ đạo, điều hành hoạt động của Công ty cổ phần và Công ty này phải cam kết sử dụng người lao động có kinh nghiệm trong hoạt động điện ảnh để tiếp tục duy trì việc kinh doanh sản xuất phim”./.

Thảo Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ