• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn nhà đầu tư trong quý III?

Kinh tế 04/09/2021 11:48

Sau 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tiếp bị điều chỉnh và có sự phân hóa rõ rệt kể từ đầu tháng 7 đến nay. Tâm lý thị trường dường như có phần thận trọng hơn với nhóm cổ phiếu này.

Sức hồi phục chậm

Bước sang tháng 8, dù chỉ số VN-Index đã hồi phục đáng kể khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng với 1.331,47 điểm, tăng 1,64% so với tháng trước.

Nhiều nhóm cổ phiếu ngành đã có sự hồi phục, thế nhưng chỉ số nhóm ngành tài chính (VNFIN) vẫn tiếp tục “lạc lỏng” với diễn biến thị trường chung khi giảm tới 3,23%.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự biến động mạnh trong khoảng thời gian này.

Trong số các cổ phiếu ngân hàng, diễn biến của CTG – cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) có lẽ gây thất vọng nhiều nhất đối với giới đầu tư.

So với phiên giao dịch cuối tháng 6/2021, mã cổ phiếu này đã giảm gần 40%, từ mức 52.700 đồng/cổ phiếu xuống còn 31.800 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên cuối cùng của tháng 8.

Trong 2 tháng qua, sắc đỏ hầu như bao phủ lên mã cổ phiếu này, thậm chí còn có phiên giảm sàn.

Sau những kỳ vọng về dàn lãnh đạo mới, cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng không tránh khỏi đà giảm của thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn nhà đầu tư trong quý III? - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi phục chậm

Đóng cửa phiên 31/8, LPB “bốc hơi” gần 7 điểm, tương đương với mức giảm 23% so với mức giá đóng cửa phiên ngày 30/6.

Khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm mạnh, chỉ còn khoảng 5-6 triệu cổ phiếu, trong khi có thời điểm con số này lên tới 35 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng có diễn biến tương tự, khi giảm mạnh hơn 36% so với cuối tháng 6.

Hiện giao dịch ở mức 27.900 đồng/cổ phiếu. Dù trong nửa đầu năm nay, MB báo lãi trước thuế tăng tới 56%, với hơn 7.986 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu cuối quý 2/2021 giảm 22% so với đầu năm.

Không chỉ 3 cổ phiếu trên, quan sát cho thấy, ngoại trừ NVB (Ngân hàng TMCP Quốc dân) duy trì đà tăng tích cực, thì thị giá cổ phiếu các ngân hàng còn lại đều sụt giảm đáng kể từ đầu tháng 7 đến nay.

Một số cổ phiếu rơi vào mức giá đáy trong nhiều tháng trước đó.

Tâm lý lo ngại từ nhà đầu tư

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với ngành ngân hàng, tuy nhiên nếu so với nhiều ngành kinh tế khác, mức độ ảnh hưởng của dịch vẫn thấp hơn nhiều.

Dù bị giãn cách xã hội, song hoạt động ngân hàng vẫn được duy trì nhờ nền tảng giao dịch trực tuyến, cộng thêm những khoản thu nhập ngoài lãi sẽ giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan.

“Khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động của doanh nghiệp sẽ hồi phục trở lại, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại.

 Ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu “bơm vốn” hồi phục kinh tế.

 Giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng theo đó sẽ sớm sôi động trở lại và sẽ tiếp tục dẫn sóng thị trường trong những tháng cuối năm và cả năm 2022”, ông Phương nhận định.

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn nhà đầu tư trong quý III? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư thận trọng với nhóm cổ phiếu ngân hàng

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam giải thích, sở dĩ nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu sự điều chỉnh mạnh trong thời gian qua là do kỳ vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm không còn được tốt như khoảng thời gian trước đó.

Lợi nhuận của các ngân hàng khó có thể bùng nổ trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng liên đới.

Với tình hình dịch như hiện nay cộng thêm việc nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2021 sẽ chậm lại, các ngân hàng sẽ phải đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng tài sản.

Mặt khác, diễn biến dịch kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp, khiến áp lực trích lập nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh.

Trong năm 2021-2022, lợi nhuận của các ngân hàng phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu.

Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng”, ông Lê Quang Minh nói.

Quảng Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ